Chiều ngày 22 tháng 3 năm 2024, tại Nhà văn hóa xã Bàu Đồn (ấp 7, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh có tổ chức 01 cuộc Hội thảo kỹ thuật trên cây sầu riêng.
Cây sầu riêng được phát triển mạnh tại Tây Ninh trong những năm trở lạo đây với diện tích sản xuất hiện nay là 3.290 ha, diện tích cho sản phẩm là 2.107 ha, sản lượng đạt khoảng 28.688 tấn; được trồng chủ yếu tại các huyện: Gò Dầu (1.450 ha), Tân Châu (427 hya), Tân Biên (208.5 ha), Dương Minh Châu (450 ha), Châu Thành (105 ha), thị xã Trảng Bàng (423 ha), thị xã Hòa Thành (130 ha), Bến Cầu (50 ha), và TP. Tây Ninh (46.5 ha). Hai giống sầu riêng được trồng phổ biến tại Tây Ninh là Ri 6 và Monthong.
Vụ mùa sầu riêng hiện nay có rất nhiều vườn ra hoa, đậu quả chưa đồng loạt, gây nhiều đợt hoa và quả gây khó khăn cho việc chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại.
Nhằm giúp bà con nông dân sản xuất sầu riêng nâng cao kiến thức về kỹ năng chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức “Hội thảo kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây sầu riêng giai đoạn ra hoa đến thu hoạch”; do giảng viên Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ - Nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ.
GS Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ - Nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ
Tham dự Hội thảo có đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gò Dầu, UBND và Hội Nông dân xã Bàu Đồn, đại diện HTX cây ăn trái Bàu Đồn, cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và BVTV cùng 70 nông dân sản xuất sầu riêng tham dự.
Nông dân tham dự “Hội thảo kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây
sầu riêng giai đoạn ra hoa đến thu hoạch”
Tại buổi Hội thảo, nông dân tham dự được cập nhật thêm nhiều thông tin về:
- Các kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước, nhận diện các loài sâu bệnh gây hại trên cây sầu riêng giai đoạn ra hoa đến thu hoạch.
- Cách phòng trừ các sâu bệnh hại: rệp sáp, sâu đục thân, sâu đục trái, bệnh nứt thân xì mủ, thán thư, nấm hồng,...
- Nông dân thảo luận và đặt một số câu hỏi cho chuyên gia về kỹ thuật xử lý để cho hoa ra đồng loạt, kỹ thuật chăm sóc để sau khi xổ nhụy sầu riêng đậu trái và một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả.
Đồng thời tại buổi Hội thảo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thực hiện phổ biến và hướng dẫn nông dân sản xuất sầu riêng các hồ sơ, thủ tục, cấp mã số vùng trồng để đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hội thảo này là hoạt động tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhằm phổ biến cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, nâng cao kiến thức cho người nông dân, từ đó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế./.
PHÒNG TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT
Tác giả: Bao ve thuc vat
Ý kiến bạn đọc