Xuất hiện sâu đầu đen hại dừa tại huyện Tân Châu - Tây Ninh

Thứ tư - 05/07/2023 11:32 579 0
Sâu đầu đen (Opisina arenosella Walker) là một loài sâu hại khá phổ biến trên cây dừa ở nhiều nước gồm Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Myanma, Indonesia và gần đây gây hại nặng tại các vườn dừa ở Thái Lan. Loại sâu hại này được xem là dịch hại chính ở những nước trồng dừa vì chúng có khả năng phá hại vô cùng nghiêm trọng. Ngoài ra, sâu đầu đen còn được ghi nhận gây hại trên cau kiểng, cọ và chuối.

Sâu đầu đen (Opisina arenosella Walker) là một loài sâu hại khá phổ biến trên cây dừa ở nhiều nước gồm Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Myanma, Indonesia và gần đây gây hại nặng tại các vườn dừa ở Thái Lan. Loại sâu hại này được xem là dịch hại chính ở những nước trồng dừa vì chúng có khả năng phá hại vô cùng nghiêm trọng. Ngoài ra, sâu đầu đen còn được ghi nhận gây hại trên cau kiểng, cọ và chuối.

Tại Việt Nam, sâu đầu đen xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/2020 tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Tại Tây Ninh, vào giữa tháng 6/2023, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu đã phát hiện sâu đầu đen tấn công gây hại khá nặng (khoảng 25%) hơn 10 hecta dừa của 04 hộ dân tại ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Diện tích trồng dừa toàn huyện khoảng 337 ha, trong đó diện tích trồng tập trung là 180 ha, còn lại trồng phân tán.

z4489307806527 c3792eaed517e44fa86246b72f7ecd0a

Hình 1. Vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại tại huyện Tân Châu

1. Một số đặc điểm sinh vật học và hình thái học

- Tên khoa học: Opisina arenosella Walker

- Tên thường gọi: Sâu đầu đen (Black Headed Caterpillar)

- Họ: Oecophoridae

- Bộ: Lepidoptera

- Vòng đời của sâu đầu đen hại dừa: từ 46 - 65 ngày.

- Trứng được đẻ thành từng ổ ở mặt dưới của lá dừa, có màu trắng sữa. Trứng thường được đẻ tại vùng lân cận - nơi đã có ấu trùng gây hại. Đây là đặc điểm dẫn đến sâu đầu đen có sự lây lan chậm. Thời gian phát triển của trứng từ 04 – 05 ngày.

- Ấu trùng: có màu nâu sáng và có các sọc nâu chạy dọc theo cơ thể, ấu trùng trải qua 8 giai đoạn phát triển; kích thước: tuổi 1-3: < 4mm; tuổi 4-6: 4-11mm; tuổi 7-8: >11mm; thời gian phát triển của ấu trùng: 32 – 48 ngày. Ấu trùng thường ăn ở bề mặt dưới của lá dừa; tấn công cả vườn cây mới trồng đến cây trưởng thành, cả nhóm dừa cao và nhóm dừa lùn.

- Nhộng: có màu nâu sáng, hình bầu dục, thời gian phát triển từ 09 – 11 ngày.

- Trưởng thành: ít di chuyển, không thích ánh sáng; cơ thể có màu nâu sáng, đôi khi có màu trắng xám, trên cánh có các đốm nhỏ màu đen. Con đực có râu ngắn hơn con cái, ở đốt bụng cuối có chùm lông; đốt bụng cuối của con cái thon nhỏ và có vòi đẻ trứng, một trưởng thành cái đẻ khoảng 49 - 490 trứng. Trưởng thành sống 05 – 11 ngày.

2. Đặc điểm gây hại

Sâu ăn mặt bên trong của biểu bì lá. Sâu thải phân ra ngoài và kết dính lại thành đường hầm bảo vệ sâu ở bên trong. Sâu tấn công các lá già phía dưới trước, sau đó đến các tàu lá phía trên. Sâu đầu đen thích gây hại trên các vườn dừa già hơn là dừa tơ. Sâu hóa nhộng trong các lá chét, nhộng vũ hóa thành con trưởng thành. Khi bị động, chúng nấp vào trong tổ hoặc nhả xuống đất, sâu non tấn công cả vỏ trái

h2

Hình 2. Sâu đầu đen gây hại trên lá và vỏ trái dừa tại Tân Châu

  1. Biện pháp quản lý tạm thời

Để phòng trừ sâu đầu đen, cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ như sau:

- Biện pháp canh tác:

+ Cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét của cây dừa bị sâu gây hại và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc ngâm trong nước nhằm làm giảm mật số sâu hại. Đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả, an toàn môi trường và cần thực hiện ngay khi phát hiện sâu đầu đen gây hại từ những lá già bên dưới.

+ Bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón.

+ Hạn chế vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ (cau, chuối…) và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan.

- Biện pháp sinh học

+ Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học hoạt chất: Bacillus thuringiensis (Bt).

+ Bảo tồn và sử dụng các loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên như: bọ đuôi kìm vàng Chelisoches variegatus, kiến vàng, bọ xít bắt mồi, ong ký sinh, …

3. Biện pháp hóa học

- Khi phát hiện sâu đầu đen gây hại, nếu vườn dừa bị gây hại nặng, cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá trước khi phun thuốc BVTV nhằm giảm mật số sâu hại, tăng khả năng tiếp xúc sâu non và tăng hiệu quả của thuốc

- Sử dụng một số hoạt chất thuốc BVTV để quản lý sâu đầu đen như: Emamectin benzoate; Lufenuron và Spirotetramat.

  *Lưu ý:

 - Phun bình máy 25 lít cho 5 cây dừa, phun ướt đẫm đều hai mặt lá.

 - Phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày, nên luân phiên các hoạt chất thuốc.

- Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng;

- Không phun ngừa khi chưa phát hiện triệu chứng gây hại.

 

TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT HUYỆN TÂN CHÂU

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH TÂY NINH

 

Tác giả: Bao ve thuc vat

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây