Ngày 05/01/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, kế hoạch 5 năm 2016-2020 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chỉ đạo Hội nghị; đồng chí Cao Đức Phát – Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị. Tại đầu cầu tỉnh Ninh Thuận, có đồng chí Nguyễn Mạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chíVõ Đức Trong–Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội nghị, cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành có liên quan.
Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, lớn nhất do thời tiết cực đoan, bất thường; thị trường xuất khẩu nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn; giá cả nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta giảm... đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của toàn ngành.
Song ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, đối phó kịp thời có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thời tiết và đạt được những kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch 2011-2015, cụ thể: Năm 2015, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,41%; giá trị sản xuất tăng 2,62%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,28%, lâm nghiệp tăng 7,92%, thủy sản tăng 3,06%; Bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,13%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (2,6 - 3%). Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng GTGT trong tổng GTSX ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên khoảng 68% năm 2015. Về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo: Hết năm 2015, cả nước có 1478 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 16,5% số xã trên cả nước), tăng 693 xã so với năm 2014; bình quân mỗi xã đạt 12,9 tiêu chí (tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2014 và 8,2 tiêu chí so với năm 2010); có 15 huyện được công nhận đạt chuẩn.
Về kế hoạch phát năm 2016 và 5 năm 2016-2020, ngành Nông nghiệp hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tại Hội nghị, các đòng chí lãnh đạo của tỉnh Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bình Định, Thanh Hóa, Tuyên Quang đã có báo cáo tham luận của tỉnh về tình hình và kết quả đạt được trong thời gian quan; đồng thời cũng có một số kiến nghị, đề xuất sớm thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tình hình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã có nhiều thành tựu đổi mới nhưng đối mặt vượt qua nhiều khó khăn nhất là 2015 có nhiều biến động phức tạp không thuận lợi cho sự phát triển của đất nước như biến động khu vực an ninh chính , biển đông, thiên tai, dịch bệnh…, sự nỗ lực vượt khó khăn, thách thức để đạt được kết quả tích cực của ngành nông nghiệp trong năm 2015 nói riêng và giai đoạn 2011-2015 nói chung; đồng thời thống nhất với các chỉ tiêu mà ngành nông nghiệp đã đề ra cho năm 2016 và giai đoạn 2016-2020. Để đạt được những mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành nông nghiệp cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, trong đó trước mắt cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, cập nhật lại những dự án, chính sách cho phát triển nông nghiệp để kịp thời bổ sung, sửa đổi những cơ chế, chính sách cho phù hợp với sự phát triển; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong quá trình thực hiện. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân; cùng với đó, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, hình thành chuỗi sản xuất. Đồng chí nhấn mạnh, trong năm 2016, ngành nông nghiệp cần thực hiện quy hoạch lại các nông – lâm trường và đưa ra hướng giải quyết cụ thể, hiệu quả. Về xây dựng nông thôn mới cần tập trung thực hiện tái cơ cấu sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển sản xuất… tổ chức thực hiện; ưu tiên chỉ đạo và dành nguồn lực cho 2 chương trình lớn của ngành là: Tái cơ cấu Ngành và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phối hợp các bộ ngành để chỉ đạo ngành tập trung thực hiện trong năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020./.
Chi cục Phát triển nông thôn
Ý kiến bạn đọc