Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc đậu phộng

Thứ ba - 20/12/2016 01:00 3.568 0

1. GIỐNG

- Ngoài các giống đậu hiện có ở địa phương, hiện nay đang có một số giống chủ lực đó là: VD1 (đậu lì thuần), VD2, VD5 được đánh giá là các giống có năng suất cao hơn giống địa phương, phẩm chất tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

2. THỜI VỤ TRỒNG

- Vụ Đông xuân: Xuống giống tháng 11-12 dương lịch và thu hoạch vào tháng 2-3 dương lịch.

- Vụ Xuân hè (vụ phụ): Xuống giống tháng 2-3 dương lịch và thu hoạch vào tháng 5-6 dương lịch.

- Vụ Hè thu: Xuống giống tháng 4-5 dương lịch và thu hoạch vào tháng 7-8 dương lịch.

- Vụ Mùa: Xuống giống tháng 7-8 dương lịch và thu hoạch vào tháng 10-11 dương lịch.

3. ĐẤT TRỒNG VÀ CHUẨN BỊ ĐẤT

a. Đất trồng

- Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, tơi xốp như đất xám phù sa cổ, đất cát pha, đất nâu đỏ…. Dễ thóat nước trong mùa mưa và chủ động tưới trong vụ Đông Xuân.

b. Chuẩn bị đất

- Cày 1 lần, sâu 20-25cm.

- Bừa hoặc phay (xới) 2-3 lần cho đất tơi xốp (tùy theo kết cấu đất).

- Lên liếp rộng 1,2-1,5m (trường hợp tưới thấm) hoặc 2,5-3m (nếu tưới phun). Rãnh rộng 30cm, sâu 15-20cm, để dễ tưới và tiêu nước.

4. CHUẨN BỊ GIỐNG

Lượng giống

- Vụ Hè thu và vụ Mùa: 160-180 kg đậu vỏ.

- Vụ Đông xuân: 200-220 kg đậu vỏ.

Chọn hạt

- Tách vỏ loại bỏ hạt lép, hạt vỡ, hạt xấu, mốc và hạt bị lên dầu hoặc có mầm đã teo khô. Tách vỏ xong tỉa ngay không để quá 7 ngày, để lâu hạt sẽ lên dầu, nảy mầm kém ảnh hưởng tới năng suất sau này.

Xử lý hạt

- Để phòng bệnh chết cây con do nấm bệnh gây ra có thể sử dụng thuốc: Insuran 50WG, Cruiser Plus 312.5FS, Routine 200SC, trộn chung với giống trước khi gieo.

5. GIEO HẠT

- Có thể dùng phương thức rạch hàng hay bỏ hốc, đảm bảo mật độ:

+ Vụ Hè thu và vụ Mùa: 20 x 20cm x 2 hạt/1 lỗ..

+ Vụ Đông xuân, Xuân hè: 10 x 15cm x 2 hạt/1 lỗ.

+ Độ sâu lấp hạt: 2-3 Cm.

- Phòng trừ kiến mối: Có thể xử lý đất bằng Basudin 10H với lượng 20Kg/ha, hoặc có thể trộn trực tiếp hạt với thuốc Basudin 10H trước khi đem gieo.

6. PHÂN BÓN

- Tùy theo từng lọai đất mà bón phân cho thích hợp, có thể bón theo tỷ lệ N-P-K như sau: 30-40N + 60-90P2O5 +80-100K2O. Cụ thể:

+ Phân chuồng hoai mục: 4-5 tấn/ha (nếu có)

+ Tro dừa: 100-150 giạ.

+ Phân hóa học: Urea: 100Kg, Super lân: 500Kg, Kali: 150Kg, Vôi: 500Kg. Hay phân bón phức hợp: 6 bao 16-16-8 + 2 bao Kali.

- Có thể giảm lượng tro dừa, dùng thêm phân Komix, phân vi sinh, phân khoáng vi lượng. Hiện nay một số nhà máy phân bón đã sản xuất các loại phân bón chuyên dùng cho cây đậu phộng, tiện lợi và tiết kiệm lao động. Có thể sử dụng loại phân chuyên dùng để tiết kiệm công bón

Cách bón

- Vụ Đông xuân và Xuân hè có thể bón lót 1 lần toàn bộ số phân hiện có. Hè thu và vụ Mùa do mưa nhiều sẽ rửa trôi phân nên có thể chia làm 2 đợt bón.

-Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, tòan bộ tro dừa, toàn bộ phân lân, 70Kg SA (35Kg Urea), 40Kg Kali. Riêng vôi 500 kg vôi bón lúc cày lần 1.

- Bón thúc: Khi cây được 3-4 lá thật (12-15 ngày sau gieo): Tòan bộ số đạm và kali còn lại, kết hợp với phúp 1 lần.

- Để cho đậu phộng ra hoa tập trung nên phun phân bón lá vào lúc cây được 20 ngày.

7. TƯỚI TIÊU

- Mùa mưa: Lên liếp có rãnh thoát nước.

- Mùa nắng: Tưới thấm theo rãnh: 4-7 lần/vụ. Cần chú trọng các giai đoạn cây ra hoa, đâm tia, trái đang phát triển phải đảm bảo đủ độ ẩm để cây ra hoa nhiều, đâm tia dễ dàng và trái ít bị lép. 

- Trước khi thu họach 7-10 ngày không nên tưới nước để đậu mau chín.

8. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH VÀ CỎ DẠI

a. Trừ cỏ

- Sau khi tỉa 1-3 ngày dùng một trong các loại thuốc: Dual gold 960EC, Ronstar 25EC để diệt  hạt cỏ.

- Sau 10-15 ngày nếu có cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ mật, cỏ bông… dùng Onecide15EC,... Tốt nhất nên làm cỏ kết hợp xới xáo phá váng.    

b. Sâu hại

- Sâu xám, sâu khoang, sâu lá,…: Sử dụng: Fastac 5EC, Pyrinex 20EC, Lorsban30EC, …

- Nhện đỏ sử dụng: Comite 73EC, Nissorun 5EC.

- Rầy rệp các lọai: Sử dụng Applaud 10WP, Bassa 50EC, Anboom, Dragon,…

- Sâu xanh và sâu xanh da láng: Sử dụng: Oncol 20EC, Mimic 20F, Cascade 5EC, Fastac 5EC, A-Z annong, Biocin, DT Ema 30EC, DuPontTM Prevathon®.

c. Bệnh hại

- Bệnh đốm lá: Dùng Anvil 5SC; Tilt super 300EC; Daconil 75WP; Opus 125SC… Phun 2 lần vào ngày thứ 40-60 sau gieo.

- Bệnh chết ẻo: Sử dụng biện pháp luân canh; Xử lý hạt giống (nên liên hệ cơ quan bảo vệ thực vật gần nhất để  được hường dẫn thêm).

9. THU HOẠCH

- Đối với giống đậu địa phương, HL25, Lì thuần thời gian khoảng 90 ngày là thu họach. Trước khi thu họach phải nhổ thử, khi vỏ lụa đã chuyển từ màu trắng sang màu hồng và hạt đậu đã đầy là lúc tiến hành thu họach. Khi thu hoạch đất phải đủ ẩm, nếu đất khô phải tưới trước 1 đêm (tưới vừa đủ ẩm) để khi nhổ không bị đứt trái. Sau đó tách trái ra khỏi cây, phơi khô  3-4 nắng để độ ẩm còn khỏang 14% (hạt đậu tróc vỏ lụa) thì đem đóng bao và nên bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây