Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc mãng cầu ta

Thứ ba - 20/12/2016 02:00 9.331 0

I. THỜI VỤ TRỒNG

- Mãng cầu nên trồng thật sớm vào đầu mùa mưa, để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt trong mùa mưa.

II. CHUẨN BỊ GIỐNG     

- Chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt có khả năng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (mãng cầu dai,…).

- Nên chọn cây gốc ghép để trồng: chiều cao >23 cm và đường kính >0,33 cm.

III. CÁCH TRỒNG

- Mãng cầu ta là loại cây không kén đất, không cần đất có tầng canh tác sâu nhưng phải thoát nước tốt, tốt nhất là trồng trên vùng đất xám.

- Chọn vườn trồng xa nhà ở, xa chuồng trại gia súc, gia cầm, xa các nguồn ô nhiễm về hóa học, vật lý và sinh học.

1. Thiết kế vườn: Khu đất trồng được chia làm nhiều luống, mỗi luống rộng 3,5-4m, tạo một rãnh thoát nước, rãnh thoát nước giữa các luống rộng 30-40cm. Đào hố trồng trong giữa luống.

2. Đào hố, bón lót: hố đào không cần lớn (40 x 40 x 40 cm), bón lót 5-10 kg phân chuồng hoai + 0,3 kg vôi + 0,2 kg Supper lân/ hố, trước khi trồng nên rãi 10-20 g thuốc Vibasu, Regent để phòng trừ kiến và mối hại rễ.

3. Mật độ, khoảng cách

- Khoảng cách trồng thích hợp nhất là cây cách cây 3-4m, hàng cách hàng 4-5m tương đương 500-830 cây/ ha.

4. Cách trồng: đặt cây con sao cho sau này cổ rễ của cây nổi trên mặt đất, không nên trồng sâu vì mãng cầu thường bị một số nấm bệnh tấn công. Sau khi trồng cắm cọc cố định cây, tưới nước.

IV. CHĂM SÓC

1. Tưới và thoát nước

- Trong thời gian cây ra hoa, đậu quả là giai đoạn cần rất nhiều nước và thường trùng vào mùa khô (khi xử lý ra hoa sớm) nên cây cần rất nhiều nước. Nếu trồng trong điều kiện thâm canh thì nên lắp hệ thống tưới phun trên hoặc dưới tán để giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đủ nước để xử lý ra hoa sớm, hạn chế rệp sáp.

- Thoát nước cho vườn cây vào mùa mưa, tránh ngập úng ở những chân đất thấp để hạn chế hiện tượng "chết nhát".

2. Tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa, tỉa quả

a. Tỉa cành tạo tán: Trước khi ra hoa 20 ngày cần tỉa cành tạo tán kết hợp với bấm ngọn cành để kích thích ra hoa. Cành tỉa bỏ là cành vượt, cành tăm, cành vô hiệu, cành mang quả, chỉ chừa lại những cành nhánh có độ lớn từ 0,8 cm trở lên.

Lưu ý: cần phải khử trùng dụng cụ trước và sau khi tỉa xong 1 cây.

b. Xử lý ra hoa: có thể sử dụng một trong 2 cách sau: bấm ngọn cành kết hợp với phun thiourea nồng độ 1% (trong vụ mưa) giúp cây ra hoa đồng loạt hoặc tuốt toàn bộ lá trên cây.

c. Tỉa trái: thực hiện hai lần vào thời điểm: 20 ngày sau khi ra hoa đậu quả (lúc đường kính quả khoảng 2 cm) và 35 ngày sau khi ra hoa (lúc đường kính quả khoảng 4 cm).

- Trong vụ mùa mưa, nên để lại 50-70 quả/ cây.

- Vụ mùa nắng, nên để lại 50 quả/ cây.

- Lưu ý: Chỉ tỉa bỏ những quả tròn không đều, sâu bệnh, quả nhỏ trong chùm, tỉa thưa số quả trên một cành, những quả có kích cỡ nhỏ, chậm phát triển.

3. Bón phân

* Giai đoạn KTCB (Tuổi cây từ 1-3 năm tuổi):

- Lượng phân trên 1 ha/ năm: Vôi: 415 kg, Phân hữu cơ: ≥ 15 tấn/ha, phân vô cơ: theo tỷ lệ N-P-K 2-2-1: 150kg N+ 150kg P2O5+ 75kg K2O tương đương 325kg Urê+ 940kg Super lân+ 125kg KCl.

- Cách bón: Lượng phân sử dụng năm đầu tiên bằng 50% công thức, năm thứ 2 tăng 75% và năm thứ 3 sử dụng 100% công thức; thời gian bón vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, nếu cây cho quả bón như cách bón giai đoạn cho quả. Bón theo rãnh hoặc đào hố sâu 15-25cm xung quanh mép tán, sau khi bón lấp đất lại.

* Giai đoạn cho quả ổn định (Tuổi cây từ 4-8 năm tuổi):

- Lượng phân trên 1 ha/ vụ quả: Vôi: 415 kg, Phân hữu cơ: ≥ 20 tấn/ha, phân vô cơ: theo tỷ lệ N-P-K 2-1-2: 300kg N+ 150kg P2O5+ 300kg K2O+ 75kgMgSO4 tương đương 650kg Urê+ 940kg Super lân+ 500kg KCl+ 75kgMgSO4.

- Cách bón:

+ Lần 1: sau thu hoạch vụ trước: 100% phân hữu cơ, vôi+ 30%N+ 30%P2O5+ 100% MgSO4.

+ Lần 2: Khi tỉa cành, tuốt lá: 10%N+ 50% P2O5 + 30%K2O.  

+ Lần 3: sau khi đậu quả: 50%N+ 20% P2O5+ 40%K2O.

+ Lần 4: 4 tuần trước thu hoạch: 10%N+ 30%K2O.

* Giai đoạn trên 8 năm tuổi:

- Lượng phân trên 1 ha/ năm: Vôi: 415 kg, Phân hữu cơ: ≥ 15 tấn/ha, phân vô cơ: theo tỷ lệ N-P-K 2-1-1: 150kg N+ 75kg P2O5+ 75kg K2O tương đương 325kg Urê+ 470kg Super lân+ 125kg KCl.

4. Làm cỏ

- Trong thời gian kiến thiết cơ bản, nếu có trồng xen thì giảm được chi phí làm cỏ (chỉ làm cỏ trong gốc cây). Các năm sau nên làm cỏ bằng cách cắt bằng máy, sạt cỏ kết hợp tủ gốc, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ lưu dẫn trong vườn.

5. Phòng trị sâu bệnh hại

- Trong quá trình phòng trừ sâu bệnh hại cần mở sổ ghi chép hàng ngày trong đó ghi nhận ngày phun thuốc, loại thuốc, nồng độ sử dụng, thời điểm phát hiện sâu bệnh,...

a. Rệp sáp phấn: Bao trái, bảo vệ thiên địch như bọ rùa và ong ký sinh. Tỉa bỏ những bộ phận bị hại nặng và tiêu huỷ. Dùng vòi phun nước có áp lực mạnh phun trực tiếp cành lá, trái để rửa trôi rệp sáp. Sử dụng luân phiên các loại thuốc đặc trị rệp sáp như  Movento 150OD, Dibamec 1.8, 3.6, 5 WG, Visober 88.3 EC, A-Z annong 0.3 EC, , Difluent 25WP, … Có thể kết hợp với dầu khoáng (SK Enspray 99EC), hoặc chất bám dính để tăng hiệu quả phòng trị (giai đoạn mãng cầu ra hoa rất mẫn cảm nên lưu ý khi sử dụng và không phối hợp với các gốc thuốc khuyến cáo trên nhãn). Có thể phối hợp Abamectin + Petrolium spayoil để phun.

b. Sâu đục trái: Bao trái, bảo vệ thiên địch bọ xít ăn mồi, nhện ăn thịt và kiến vàng,… Tỉa trái để loại bỏ trái mọc chùm, trái sâu và tiêu huỷ. Sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học như Aztron DF 35000 DMBU, Map-winner 5WG với hoạt chất là Bacillus thuringiensis (var. aizawai)    .

c. Ruồi đục trái: Bao trái, thu dọn và tiêu huỷ các trái bị nhiễm ruồi còn sót trên cây, trái rụng ngoài vườn để diệt nhộng và sâu. Dùng bẫy Vizubon-D phát hiện và diệt ruồi đực, hoặc dùng bả SOFRI protein phối hợp thuốc bảo vệ thực vật (Actara, Regent 800WG) để treo xung quanh vườn. Khi quả đã già chưa chín có thể sử dụng các nhóm thuốc gốc cúc tổng hợp như Success 25 SC, Jianet 50 EC, Vidumy 10 AL, Flykil 95 EC,…

d. Bọ vòi voi gây hại bông: Tách bỏ bớt 2 cánh hoa/ bông. Sau khi xử lý ra hoa cần vệ sinh vườn sạch sẽ hạn chế chỗ trú ẩn cho dịch hại. Có thể dùng một số thuốc sinh học như: Nấm Beauveria + Metarhizium + Entomophathorales để phun; hoặc nhóm hoạt chất Bacillus thuringiensis var. kurstaki 16.000 IU + Granulosis virus 100.000.000 PIB, hoặc nhóm thuốc có hoạt chất Bacillus thuringiensis (var. aizawai), hoặc có thể sử dụng các loại thuốc có khả năng tiếp xúc và xông hơi như Sago super, Supraxong 550EC,… Tưới nước, xử lý ra hoa sớm, đồng loạt trên giữa các vừa lân cận để hạn chế sự gây hại.

e. Nhện đỏ: Tỉa bớt cành lá um tùm bên trong tán để bớt nơi trú ẩn. Phun nước kết hợp tưới ướt đều tán. Khi nhện phát triển nhiều có thể sử dụng dầu khoáng SK Enspray 99EC, D-C Tron plus kết hợp với các loại thuốc bảo vệ thực vật để tăng hiệu quả phòng trị. Sử dụng một số loại thuốc đặc trị nhện như sau: Actimax 50 WG, Comite 73 EC, Alfamite 15 EC, 20 WG, Abamine 3.6 EC, Abatox 1.8 EC, Azimex 20 EC, 40 EC, Secure 10EC, Alfamite 15EC, …  

g. Bệnh nấm hồng: Không trồng quá dày, tránh trồng xen rậm rạp, tỉa cành tạo tán nhằm tăng độ thông thoáng, cắt và tiêu hủy cành bệnh nặng. Quét thuốc lên vết bệnh mới hoặc khi bệnh phát sinh phun một trong các loại thuốc gốc đồng Anvil 5SC, Score 250 EC, Ortiva 600 SC, Myfatop 650 WP, Camilo 150 SC, Nicarben 50 SC, New Kasuran 16.6 WP,…

h. Bệnh thán thư: Trồng mật độ hợp lý, tỉa cành tạo tán thông thoáng. Thu gom tiêu hủy tàn dư và các bộ phận cây bị hại. Có thể zử dụng các loại thuốc như thuốc gốc đồng, Score 250 EC, Antracol 70WG, Zintracol 70WP, Jack M9 72 WP, Dolphin 720WP,…

l. Bệnh  do nấm Phytophthora sp.: Tỉa cành tạo tán, tạo vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện vườn cây thoát nước tốt, trồng trên mô hay líp. Bón phân hữu cơ kết hợp chế phẩm nấm Trichoderma để tăng nguồn vi sinh vật đối kháng. Dùng vôi hòa với thuốc gốc đồng quét vào gốc cây lên thân cây cách mặt đất khoảng 1 m vào đầu và cuối mùa mưa. Phát hiện vết bệnh, dùng dao cạo bỏ hết chỗ vỏ cây bị bệnh rồi dùng thuốc Mexyl-MZ, Ridomil gold, Aliette,… hòa nước đậm đặc quét vào khoảng 2-03 lần cách nhau 15-20 ngày.

V. THU HOẠCH, PHÂN LOẠI, BẢO QUẢN

1. Thu hoạch

- Trái mãng cầu ta thu hoạch tốt nhất khoảng 92 ngày từ khi nở hoa; khe múi trái đã nở và có màu trắng, gờ cạnh khe múi đã tròn, hạt đã đen. Nên thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều mát.

2. Phân loại, bảo quản

- Trái mãng cầu sau khi thu hoạch cần nhanh chóng phân loại theo từng thị trường tiêu thụ, loại bỏ những trái bị sâu bệnh, trái bị tổn thương…

- Do mãng cầu nhanh chín, vỏ trái mỏng dễ bị tổn thương, hư hỏng nên ở điều kiện nhiệt độ phòng chỉ nên bảo quản mãng cầu sau khi đã thu hoạch không quá 24 giờ./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây