Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoài cát chu

Thứ ba - 20/12/2016 02:00 2.152 0

I.    KỸ THUẬT TRỒNG

  1. Thời vụ: Nếu có điều kiện tưới nước có thể trồng vào các vụ trong năm, tuy nhiên tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa cây phát triển tốt hơn và giảm chi phí tưới nước.
  2. Chọn giống: Chọn mua ở những cơ sở có uy tín, chọn cây khỏe mạnh, không nhiễm sâu, bệnh, chọn giống theo phương pháp vô tính (gốc ghép) để rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, cây ra trái ổn định (sau 3 năm cây cho trái).
  3. Chuẩn bị đất
    - Mật độ khoảng cách: Cây cách cây 7m, hàng cách hàng 8m, tương đương 178 cây/ 01 ha.
    - Cách trồng: đắp mô trước khi trồng 2-4 tuần: cao 40-60 cm, chiều rộng đáy mô từ 60-80 cm và chiều rộng mặt mô từ 40-60 cm (đất mặt + 0,5-1,0 kg vôi + 0,5 kg super lân + 5-10 kg phân hữu cơ) phủ rơm rạ trên mặt mô. Sau khi trồng cắm 2 cọc chéo hình chữ X vào cây và buột dây để tránh lay gốc làm chết cây.

II.KỸ THUẬT CHĂM SÓC

1.  Bón phân

  1. Thời kỳ kiến thiết cơ bản (3 năm đầu)
    - Lượng phân bón cho 1 ha xoài/ năm (bón 5-6 lần/ năm): phân hữu cơ: 8-10 tấn; phân vô cơ: 175-200 kg N + 70-110 kg P2O5 + 50-70 kg K2O tương đương lượng phân cho 1 cây/ năm/ lần bón: phân hữu cơ: 10 kg + 300-500gr NPK (16-16-8) hoặc (20-20-15) + 300gr Urea. Ở năm đầu chia lượng phân làm nhiều lần (2-3 tuần/ lần) cung cấp phân dưới dạng dung dịch tưới quanh tán cây.
    - Khi bón phân nên xới vòng tròn theo hình chiếu tán cây, sau đó tưới nước và tủ cỏ giữ ẩm bằng rơm, thân đậu hay cỏ khô. Phải phủ cách xa gốc xoài 20 cm để phòng nấm bệnh gây hại.
  2. Thời kỳ cho trái- thu hoạch
    - Lượng phân bón cho 1 ha xoài/ năm: 90-180 kg vôi, 1.800 kg phân hữu cơ, phân vô cơ: 185 kg N + 120 kg P2O5 + 160 kg K2O tương đương 400 kg Urê + 750 kg super lân + 270 kg KCl.
    - Cách bón: cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 10-20 cm cho phân và lấp đất lại, tưới nước.
    + Lần 1 (Sau thu hoạch): 100% vôi + 50% phân hữu cơ + 60% N + 50% P2O5 + 40% K2O.
    + Lần 2 (chuẩn bị làm bông):  25% phân hữu cơ + 50% P2O5 + 30% K2O.
    + Lần 3 (3 tuần sau đậu trái): 25% phân hữu cơ + 20% N + 15% K2O.
    + Lần 4 (8- 10 tuần sau đậu trái): 20% N + 15% K2O.

2.  Tỉa cành, tạo tán, tủ gốc
- Tỉa cành, tạo tán: Sau khi trồng khoảng 8-12 tháng, cây có chiều cao 1-1,2 m tiến hành bấm ngọn, chừa lại độ cao của thân chính  0,8-1 m. Khi ra cơi đọt 1 chừa lại 2-3 chồi khỏe và phân bố đều tán cây, tiếp tục thực hiện kỹ thuật này cho cơi đọt 2 và 3 để đảm bảo bộ khung hoàn chỉnh và cân đối cho cây. Sau khi thu hoạch xong cần cắt bỏ đồng loạt những đọt đã mang trái hay không mang trái (dài 10-20cm) ở vụ trước nhằm tạo ra bộ tán đều và đồng loạt. Cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành già, cành vượt mọc nằm bên trong tán.
- Tủ gốc: Hằng năm nên đắp thêm đất nhẹ vào chân mô. Vào mùa nắng cần phủ kín xung quanh tán cây bằng rơm, thân đậu hay cỏ khô. Phải phủ cách xa gốc xoài 20 cm để phòng nấm bệnh gây hại.

3.  Xử lý ra hoa

- Có nhiều biện pháp để kích thích ra hoa xoài như: xông khói, khoanh cành, xử lý hóa chất như Ethephon (Ethrel, HPC 97 hay Ra Hoa Xanh), Nitrate kali hay Paclobutrazol….

4.  Tỉa trái, bao trái
- Tỉa trái: Chọn những trái phát triển đều đặn để tiến hành bao trái, chỉ để 2-3 trái/ cuống.
- Bao trái: Tiến hành vào giai đoạn 30-45 ngày sau khi đậu trái. Khi bao trái xếp miệng bao gọn gàng, kín và tạo thành hình mái nhà để không cho nước vào tiếp xúc với trái xoài. Khi thu hoạch xong đợt 1 phải phơi khô, xếp gọn, thẳng và xử lý thuốc trừ nấm bệnh trước khi bao đợt 2.

* Mục đích bao trái:

+ Tạo ra sản phẩm sạch có chất lượng, ngăn chặn sự tấn công của côn trùng, bệnh hại như: sâu đục trái, ruồi đục trái (đối tượng kiểm dịch của các nước nhập khẩu xoài), rệp sáp, bệnh thán thư, bệnh đốm da ếch, bệnh nứt trái xì mủ.

+ Hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5 - 7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp, bán được giá cao, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, giúp giảm ô nhiễm môi trường và không tồn dư thuốc BVTV trên trái.

* Lưu ý: Trước khi bao trái nên tiến hành phun thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh.

5.  Phòng trừ sâu, bệnh hại

  • Sâu đục trái: bao trái, thu gom những trái bị hại đem tiêu huỷ.
  • Rầy bông xoài: Tỉa cành tạo điều kiện thông thoáng để hạn chế sự phát triển của rầy. Một số loài thiên địch rầy bông xoài như: bọ xít ăn thịt (Revudiidae), ong ký sinh và nấm Verticellium lecanii, Hirsutella sp., sử dụng thuốc Tungatin 3.6EC, Confitin 36EC, Atimeccusa 20WP,...
  • Rệp sáp: Bảo tồn thiên địch như: ong ký sinh và bọ rùa,... để hạn chế rệp sáp. Phun thuốc hóa học như : dầu khoáng DS 98.8 EC, Admire 050 EC, ...
  • Ruồi đục trái: bao trái, không trồng xen các loại cây ăn trái khác trong vườn xoài. Thu, hái và đem tiêu hủy toàn bộ trái rụng trên mặt đất và trái còn đeo trên cây vì là nơi ruồi lưu tồn, hoặc dùng feremone dẩn dụ để giết ruồi đực, hoặc phun mồi protein thủy phân.
  • Bệnh thán thư: Tạo thông thoáng cho vườn (mật độ cây trồng hợp lý, tỉa cành tạo tán), cắt tỉa và tiêu hủy các lá, cành, trái bị bệnh. Không nên tưới nước lên tán cây khi cây bị bệnh. Dùng Benlat C hoặc Score 250 EC phun từ khi hoa nở đến 2 tháng sau với 7 ngày phun 1 lần, sau đó 1 tháng phun 1 lần.
  • Bệnh xì mủ trái: bao trái, không nên phun nước lên lá xoài khi cây bị bệnh để tránh lây lan bệnh ra cả vườn, bảo tồn thiên địch để hạn chế nhện đỏ và bù lạch.
  • Bệnh phấn trắng: Cắt tỉa cành, tạo tán cho cây phát triển mạnh, cung cấp phân bón đầy đủ, chú ý giai đoạn cây ra bông và đậu trái non. Có thể bao trái khi xoài hết giai đoạn rụng sinh lý (từ 35 – 40 ngày tuổi) để phòng ngừa nấm bệnh và tránh ruồi đục quả. Dùng thuốc Rhidomila MZ 72WP, Anvil 5SC,...

6.  Thu hoạch

- Thu hoạch phải đúng độ chín (trái sẽ chìm khi thả vào nước hoặc tỉ trọng bằng 1,02, khoảng 80-85 ngày sau đậu trái).

- Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Lúc thu hoạch trái nên để cuống dài từ 5-10 cm để tránh không bị chảy nhựa làm tăng giá trị thương phẩm. Quả thu hái về cần phân loại. Nếu vận chuyển đi xa thì đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả).

- Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây