Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững cây sắn và liên kết tiêu thụ giữa nhà máy với người dân trồng sắn tỉnh Tây Ninh”

Thứ tư - 29/11/2023 20:18 757 0

Ngày 28/11/2023, Hiệp hội Sắn Việt Nam phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững cây sắn và liên kết tiêu thụ giữa nhà máy với người dân trồng sắn tỉnh Tây Ninh”. Với sự tham dự của các Sở, Ngành và 100 đại biểu là doanh nghiệp; nông dân trồng sắn trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị, nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận như: giải pháp kết nối giữa nhà máy và người nông dân; giải pháp phát triển bền vững cây sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra Hội nghị còn đề cập đến vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Sắn Việt Nam trong việc phát triển ngành cũng như nói lên một số thành tựu của ngành Sắn.

 

Hiện nay diện tích trồng sắn trồng sắn của Tây Ninh hiện nay đạt khoảng 60.000ha, năng suất trung bình đạt khoảng  32 tấn/ha. Đây là con số rất ấn tượng khi năng suất bình quân của cả nước chỉ khoảng 20 tấn/ha. Không những thế, về công nghệ chế biến sắn ở Tây Ninh cũng được xem là phát triển nhất cả nước với 65 nhà máy chế biến với tổng công suất khoảng 4 triệu tấn củ/năm. Nhiều nhà máy đã và đang nhập khẩu các loại máy móc hiện đại từ Đức, Thuỵ Điển, Ý… giúp tăng năng suất trữ bột sau chế biến. Tuy nhiên, việc kết nối giữa các nhà máy với người dân trồng sắn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc cùng nhau thảo luận, chia sẻ để tìm ra hướng đi chung giúp ngành Sắn Tây Ninh phát triển bền vững là hết sức cần thiết.

Ngày 28/11/2023, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững cây sắn và liên kết tiêu thụ giữa nhà máy với người dân trồng sắn tỉnh Tây Ninh” tại khách sạn Sunrise, Phường 3, Thành phố Tây Ninh; nhằm tìm ra giải phát phát triển bền vững cây sắn trên địa bàn tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Hội nghị có sự tham gia của ông Nghiêm Minh Tiến – Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, ông Lê Hữu Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty Hùng Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh cùng hơn 100 đại biểu là cán bộ của nhiều Sở, Ngành; đại diện các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sắn và nông dân trồng sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, Tây Ninh hiện nay là thủ phủ của cây sắn, tuy diện tích trồng chỉ đứng thứ 02 cả nước nhưng năng suất bình quân thì lại gấp rưỡi năng suất trung bình của Việt Nam và đặc biệt là có giá bán thường cao hơn những khu vực khác bởi vì Tây Ninh có ngành chế biến có hiệu quả cao. Tuy vậy, ngành Sắn của Tây Ninh vẫn còn dư địa để phát triển thông qua việc tăng năng suất; với mục tiêu khoảng 40 tấn/ha hoặc phát triển chế biến nhiều sảm phẩm chuyên sâu như mạch nha…. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập liên quan đến chất lượng; giá mua, giá bán; tiêu chuẩn môi trường và nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Sắn Tây Ninh. Ông Xuân cũng mong rằng thông qua Hội nghị sẽ có những cơ chế để đối thoại song phương và đa phương nhằm mục tiêu giữ giá cả đầu vào, đầu ra; chất lượng nguyên liệu và sản phẩm ở mức tương đối ổn định và hợp lý. Để cả người trồng, nhà máy chế biến, người kinh doanh cùng có lợi; hướng tới phát triển ngành Sắn một cách bền vững.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  đã báo cáo với Hội nghị  “Giải pháp kết nối giữa nhà máy với người trồng sắn”. Ngoài ra, Bà Lê Thị Kiều Trang - Phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV cũng đã báo cáo “Thực trạng sản xuất và định hướng phát triển cây sắn tại Tây Ninh”. Qua 02 bài báo cáo, với những số liệu cụ thể và đầy đủ; đã giúp các đại biểu tham dự hiểu thêm về thực trạng sản xuất, tình hình chế biến và đưa ra những đánh giá; những thành tựu, hạn chế của ngành Sắn tại Tây Ninh. Thông qua đó đưa ra các giải pháp phát triển bền vững cho cây sắn cũng như một số giải pháp kết nối giữa nhà máy và người trồng sắn. Từ đó đưa ra định hướng phát triển cây sắn tại Tây Ninh.

Theo ông Nghiêm Minh Tiến – Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam cũng chia sẻ, cây sắn là một trong những loại cây chủ lực của quốc gia. Đứng thứ 03 trong các loại cây xuất khẩu của Việt Nam. Trong một năm qua chúng ta đã đạt được gần 1,5 tỷ USD với sự cố gắng của toàn ngành và sự hỗ trợ của các Hệ thống Chính trị. Nhưng trong đó riêng Tây Ninh đã chiếm 30% kinh ngạch xuất khẩu của cả nước. Vì thế Tây Ninh được xem như là anh cả ngành Sắn Việt Nam. Tuy đã và đang phát triển mạnh với nhiều lợi thế nhưng ngành Sắn Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ trước mắt và lâu dài. Tiêu biểu là việc mất cân đối toàn ngành; riêng Tây Ninh, công suất hoạt động của nhà máy (6,3 triệu tấn) luôn cao hơn so với nguyên liệu cung cấp đầu vào (2 triệu tấn). Từ việc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào đã dẫn đến sự cạnh tranh và bất cập kéo theo giữa các doanh nghiệp và nông dân. Ông Tiến chia sẻ thêm, ngành Sắn hiện tại rất phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó đây cũng được xem là nguy cơ trước mắt và lâu dài có thể ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với toàn ngành. Ông cũng mong muốn ngành Sắn sẽ ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể tiến vào thị trường Châu Âu, Đông Bắc Á và Trung Đông. Tránh tình trạng “bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Để làm được điều đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam cần sự chung tay đoàn kết của các doanh nghiệp, nông dân trồng sắn và đặc biệt là sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước để tìm ra hướng đi đúng đắn giúp ngành Sắn Việt Nam thêm thịnh vượng.

Ông Nghiêm Minh Tiến – Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam phát biểu

Ngoài ra, trong Hội nghị các đại biểu đại diện của doanh nghiệp; nông dân; Hiệp hội Sắn Việt Nam và Sở Nông nghiệp và PTNT đã thảo luận với nội dung xoay quanh các giải pháp kết nối giữa các nhà máy và nông dân về các khó khăn: đại diện DNTN Sầm Nhứt chia sẻ rằng anh đã tham gia Hiệp hội Sắn Việt Nam được 12 năm. Hiệp hội luôn chủ trương liên kết các nhà máy và nông dân với nhau nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Anh mong muốn sau Hội nghị sẽ có những hành động thiết thực để giải quyết khó khăn cho các nhà máy chế biến. Ngoài ra anh cũng chia sẻ về mong muốn được các đơn vị nhà nước sẽ hỗ trợ cho ngành Sắn, giúp giá trị của cây sắn tăng cao hơn nữa. Từ đó giúp những cá nhân, đơn vị “nương tựa” vào cây sắn để phát triển kinh tế sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn. Anh cũng hy vọng trong tương lai các đơn vị xuất khẩu sắn sẽ thành lập một Chi hội để các cá nhân, nhà máy đóng góp tạo nên một quỹ bình ổn giá. Thấu hiểu điều này, ông Lê Hữu Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty Hùng Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam chia sẻ, ông và Hiệp hội sẽ cố gắng phối hợp với nhiều đơn vị nhà nước và doanh nghiệp để giữ cho giá sắn không bị rơi xuống mức thấp. Qua đó sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây sắn, tránh việc nhiều nông dân bỏ trồng sắn và chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Ngoài ra ông Hùng cũng đưa ra mong muốn được Sở Công thương tỉnh Tây Ninh sẽ có những chính sách để giúp nguồn nguyên liệu nhập từ Campuchia được nhanh chóng và dễ dàng hơn hiện tại; tránh ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của tinh bột sau chế biến. Ngoài những vấn đề trên, các đại biểu cũng thảo luận về một số khó khăn mà nhà máy chế biến hay mắc phải như: chất lượng nguyên liệu đầu vào bị nhiễm tạp chất quá mức quy định khi qua tay các thương lái; tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy đối với ngành còn quá khắt khe làm ảnh hưởng đến kinh tế của cả doanh nghiệp và nước nhà…. Thông qua toạ đàm đã giúp cho Hiệp hội Sắn Việt Nam và các Sở, Ban, Ngành tại Tây Ninh hiểu rõ hơn về mong muốn nguyện vọng của nông dân trồng sắn và doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Từ đó có thể tham mưu, đề xuất một số kiến nghị đối với nhà nước; nhằm tìm ra tiếng nói chung và hướng đi đúng đắn. Góp phần giúp ngành Sắn Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám Đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đang trả lời ý kiến của các đại biểu

Đại biểu đại diện Công ty TNHH MTV Định Khuê đang đưa ra ý kiến và khó khăn mà doanh nghiệp đang mắc phải

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra 09 kết luận đối với Hiệp hội Sắn Việt Nam và các cơ quan trong tỉnh. Đây là những kết luận mà theo ông Hiệp hội Sắn Việt Nam và các cơ quan trong tỉnh cần có những bước đi để giải quyết những vấn đề chung của doanh nghiệp và người dân trồng sắn. Ông Xuân nếu ra 03 vấn đề chung của các doanh nghiệp mà Hiệp hội Sắn Việt Nam nên tìm hướng đi giải quyết là: có những tiêu chuẩn về môi trường phù hợp (khí thải, phế phẩm….); tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy cần tìm ra những quy định riêng an toàn, hiệu quả và phù hơp đối với ngành Sắn; vấn đề hợp tác của Việt Nam –Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia. Trong đó có việc thông quan củ sắn và giống sắn của Việt Nam và Campuchia, tránh tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu mặc dù thiếu nguyên, vật liệu; còn về phía hợp tác với Trung Quốc cần đưa sản phẩm sắn vào những hiệp định có lợi cho ngành Sắn của cả hai bên.

Đối với cơ quan trong tỉnh ông Nguyễn Đình Xuân đã đưa ra 06 kết luận lần lượt như sau. Thứ nhất, nên thành lập ít nhất một Hội quán về cây sắn để có thể cùng nhau bàn bạc, thảo luận từ đó có những hợp tác quan trọng. Thứ hai, cần có cơ chế chống buôn bán gian lận liên quan đến sắn ví dụ như đất, cát, gốc sắn. Theo đó thì Sở Nông nghiệp và PTNT có thể sẽ thành lập đoàn nghiên cứu về những vấn đề này, để từ đó đề ra những giải pháp giải quyết có hiệu quả. Thứ ba, xúc tiến xây dựng cơ chế liên kết để người dân và nhà máy ký kết thỏa thuận để đôi bên cùng có lợi. Thứ tư, thí điểm thành lập quỹ bình ổn về khoai mì giúp các thành viên tham gia quỹ cùng có lợi và giảm thiểu rủi ro. Thứ năm, Thí điểm cấp mã vùng trồng và chế biến, phục vụ cho xuất khẩu lâu dài. Cuối cùng là củng cố công tác quản lý giống và quy trình sản xuất sắn thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch bệnh trên cây sắn; thông qua việc này giúp tỉnh Tây Ninh có nguồn giống tốt, nâng cao năng suất và trong tương lai Tây Ninh sẽ trở thành trung tâm sản xuất giống Sắn cho cả nước. Để thực hiện điều này, hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đã trình đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu giống Sắn tại huyện Dương Minh Châu với mong muốn có khu vực tham quan cũng như nghiên cứu, thử nghiệm tạo ra những giống sắn tốt hơn.

Sau cùng, Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT mong rằng các kết luận của Hội nghị sẽ từng bước được triển khai hoạt động hiệu quả. Hiệp hội Sắn Việt Nam, các Cơ quan, Ngành sẽ cùng với doanh nghiệp, nông dân đồng lòng tạo ra khối liên kết mạnh mẽ để đưa ngành Sắn Tây Ninh ngành càng phát triển hơn.

Thông qua Hội nghị, đã giúp cho người nông dân, doanh nghiệp có cơ hội chia sẽ những vướng mắc, khó khăn cũng như các yêu cầu, mong muốn của mình đối với các Cơ quan, Ngành. Từ đó gia tăng sự kết nối, giúp thống nhất đề ra những hướng đi, mục tiêu mà ngành Sắn Tây Ninh cần giải quyết nói riêng và Việt Nam nói chung; góp phần xây dựng ngành Sắn ngày càng phát triển bền vững.

 

 

Tác giả: Khuyen nong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây