Bước sang năm 2023 – năm được xem là nền tảng, động lực phát triển của cả giai đoạn 2021 – 2025, nhìn chung Ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh sẽ có những cơ hội để phát triển như:
1. Hàng loạt các kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, các đề án, chương trình được ban hành trong thời gian qua là kim chỉ nam để ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu; Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thuỷ sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng; Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi; ...
2. Nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn đã được ban hành và triển khai thực hiện: chính sách hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ liên kết sản xuất – tiêu thụ, hỗ trợ áp dụng VietGAP, …
3. Các tiến bộ khoa học, công nghệ cao, chuyển đổi số được đưa vào sản xuất, chế biến ngày càng nhiều và càng được người dân chú trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
4. Việt Nam đang thực hiện thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế với các nước sau đại dịch Covid-19, Quan hệ đối ngoại của cả nước được củng cố và mở rộng nên có nhiều tiềm năng phát triển thị trường xuất khẩu cũng là cơ hội mở rộng thị trường cho các ngành hàng nông nghiệp của tỉnh như yến, sầu riêng …
* Bên cạnh đó ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đối mặt với những thách thức như sau:
1. Thiên tai, biến đổi khí hậu và nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên người và cả trên cây trồng, vật nuôi gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
2. Chuyển dịch cơ cấu lao động dẫn đến tình trạng thiếu lao động nông nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi phải nâng cao trình độ cơ giới hóa, công nghệ tự động hóa và chất lượng nguồn nhân lực.
3. Sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu.
4. Tình hình chính trị thế giới, lạm phát kinh tế toàn cầu dẫn đến giá các mặt hàng: thiết yếu, chiến lược (xăng dầu, khí đốt, lương thực, vật tư nông nghiệp), nguyên vật liệu sản xuất trong nước tăng mạnh tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của cả nước cũng như của tỉnh Tây Ninh.
Trước những cơ hội và thách thức như trên, năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đặt ra mục tiêu như sau:
1. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 01 ha đất trồng trọt đạt 108 triệu đồng, tăng 02 triệu đồng/ha so năm 2022.
2. Có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Bến Cầu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, lũy kế đến cuối năm 2023 có 65 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 91,5%), 25 xã NTM nâng cao (chiếm 35,2%), 03 xã NTM kiểu mẫu (chiếm 4,2%), 05 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
3. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 16,3%.
4. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn quốc gia đạt 68%, tăng 02% so năm 2022.
* Để đạt được các mục tiêu trên, ngành tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao thông qua Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Phấn đấu GRDP ngành đạt 22.000 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng trên 2%)
2. Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; có thêm từ 15 – 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
3. Phát triển hạ tầng nông nghiệp, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên rừng. Trong đó chú trọng các dự án trọng điểm: Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 2). Sửa chữa hồ Tha La huyện Tân Châu; Trạm bơm Tân Long huyện Châu Thành;
4. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (phấn đấu chuyển đổi 1.500 ha cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao)
5. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành và phát huy hiệu quả công tác khuyến nông (trình diễn sản xuất và nhân nhanh giống khoai mì kháng bệnh khảm lá).
6. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, sản phẩm, ngành hàng. Thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân.
7. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại.
8. Thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng, chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
9. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
10. Cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý ngành.
Nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm 2023 có nhiều khó khăn, cần phải có sự thay đổi về định hướng, công nghệ, loại hình tổ chức, thích ứng nhanh sản xuất theo kịp với xu hướng thị trường,…, đồng thời để đạt các mục tiêu đề ra cần có sự nỗ lực phấn đấu và sự chung tay của tập thể cán bộ ngành nông nghiệp, chính quyền cấp huyện, xã và nhất là cộng đồng doanh nghiệp và nông dân tỉnh nhà./.
Tác giả: Thông tin can biet -khtc
Ý kiến bạn đọc