Tái cơ cấu nông nghiệp không phải là những giải pháp đối phó

Thứ tư - 28/05/2014 16:35 434 0
“Cho dù những năm qua, ngành nông nghiệp liên tục tăng sản lượng nông sản và giá trị xuất khẩu (XK) nhưng sự trì trệ bộc lộ ngày càng rõ. Căn nguyên cản trở sự phát triển ở ngay trong chính kết cấu, guồng máy của ngành. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp không phải để đối phó tình huống nhất thời, mà mục tiêu là giải quyết toàn diện bài toán thu nhập cho 15 triệu nông dân”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát khẳng định.

 

“Cho dù những năm qua, ngành nông nghiệp liên tục tăng sản lượng nông sản và giá trị xuất khẩu (XK) nhưng sự trì trệ bộc lộ ngày càng rõ. Căn nguyên cản trở sự phát triển ở ngay trong chính kết cấu, guồng máy của ngành. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp không phải để đối phó tình huống nhất thời, mà mục tiêu là giải quyết toàn diện bài toán thu nhập cho 15 triệu nông dân”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát khẳng định. 

Tại sao phải tái cơ cấu (TCC) mà không đặt vấn đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp như trước đây, thưa ông?

Thực ra, suốt hàng chục năm qua, ngành nông nghiệp nước ta liên tục phát triển, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 15 nước XK nông sản lớn nhất thế giới. Thế nhưng, thu nhập của nông dân ngày càng giảm, cho thấy nhiều khiếm khuyết trong cấu trúc của ngành đã bộc lộ. Đây không phải là sai lầm tình thế, mà là rường cột của toàn ngành đã không còn phù hợp với thời đại mới. 

Cách đây 30 năm, chúng ta thiếu lương thực, nên phải sản xuất ra nhiều để phục vụ trong nước, thừa mới XK. Nhưng ngày nay, nông nghiệp đã trở thành một ngành hàng hóa XK, với 1/3 sản lượng gạo, 90% sản lượng cao su, 90% lượng càphê, hơn một nửa sản lượng thủy sản… phải XK. Nền nông nghiệp ngày nay cả đầu vào và đầu ra đều phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường thế giới. Chúng ta đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do, nên sẽ tiếp tục mở rộng cửa hơn nữa. Hàng rào thuế quan và các biện pháp bảo hộ đối với những sản phẩm chúng ta đang tự bảo hộ cao như mía đường, chăn nuôi cũng sẽ phải dỡ bỏ hết. 

Mặt khác, nông nghiệp sẽ ngày càng chịu áp lực cạnh tranh tài nguyên và nhân lực với công nghiệp. Vì vậy, TCC nông nghiệp không phải là thực thi những giải pháp để đối phó với tình huống nhất thời, mà cần sự thay đổi guồng máy toàn ngành, giải quyết toàn diện bài toán thu nhập cho 15 triệu nông dân. 

Xin Bộ trưởng cho biết sơ lược kết quả sau một năm triển khai thực hiện Đề án TCC ngành nông nghiệp?

Trong trồng trọt, đã rà soát quy hoạch, cơ cấu lại cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế ở một số địa phương. Thủ tướng đã ban hành Quyết định 580 ngày 22/4/2014 về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển một phần đất lúa sang trồng ngô, đậu, rau màu… tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và cánh đồng mẫu lớn đã được tổng kết và đánh giá, đang nhân rộng ra 43 tỉnh, thành phố trên diện tích khoảng 120.500ha đất trồng lúa. 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Bộ đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách: Hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn bền vững giai đoạn 2014-2020; chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa; xây dựng các dự án để hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi một cách toàn diện. 

Về thủy sản, công tác quy hoạch, hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung đang được tổ chức thực hiện. Bộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan gấp rút xây dựng nghị định về chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 5/2014. 

TCC lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản (NLTS) là nhiệm vụ quan trọng, vì đây là khâu còn nhiều dư địa áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng. Ngày 13/5, Bộ đã phê duyệt và ban hành Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng NLTS trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”, với mục tiêu đến năm 2020 đưa giá trị gia tăng hàng NLTS lên thêm 20% so với hiện nay. 

Công tác đào tạo nghề cho nông dân đang bộc lộ nhiều bất cập, xin Bộ trưởng cho biết làm thế nào để thay đổi tình hình?

Đào tạo nghề cho nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TCC nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới, bởi hiện nay trình độ kỹ thuật của nông dân nước ta rất thấp. 

Trong những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, các địa phương đã đào tạo được 200.000 lượt nông dân làm nghề nông. Trên 70% nông dân được đào tạo đã phát huy được những kiến thức đã học. Tuy nhiên, tiến độ đào tạo còn chậm, hiệu quả thấp, cần điều chỉnh cách tiếp cận và phương pháp để đem lại hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị các địa phương đào tạo cán bộ làm dịch vụ khoa học kỹ thuật ở nông thôn như bảo vệ thực vật, dịch vụ nông nghiệp, thú y, thủy nông… cấp xã. Những đối tượng này sẽ được đưa vào đào tạo trong các trường nghề.Đào tạo nông dân phải có cách tiếp cận khác so với công nhân, không thể theo cách ai thích học gì thì mời về học, cũng không thể đưa nông dân vào các trường nghề để dạy. Từng xã cần phải xác định rõ cây trồng, vật nuôi nào là lợi thế rồi quy hoạch thành vùng sản xuất, trên cơ sở đó đào tạo nông dân tham gia những chương trình sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực của các địa phương. 

Trước những căng thẳng trên biển Đông hiện nay càng cho thấy vai trò của ngư dân. Bộ sẽ có những giải pháp nào giúp ngư dân yên tâm bám biển?

Đánh bắt xa bờ không chỉ là một lĩnh vực kinh tế, mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của chúng ta ở trên biển, ngư dân luôn phối hợp với các lực lượng chức năng để bảo vệ chủ quyền trên biển của chúng ta. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT phải phối hợp với các bộ xây dựng những chính sách đặc biệt ưu đãi hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên biển. Phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta hầu hết đều là loại tàu thuyền vỏ gỗ, rất mong manh so với những con tàu vỏ sắt ngang ngược của Trung Quốc hoạt động trên biển Đông. Trong 2 năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt. Chúng tôi đang tổng kết chương trình thí điểm và nhận thấy, chủ trương này rất đúng, nhưng cần phải có giải pháp tín dụng phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn của ngư dân. Hiện, chúng tôi đang dự kiến đề xuất Chính phủ trong thời gian tới sẽ có những chính sách ưu đãi cao về tín dụng cho ngư dân để bà con hiện đại hóa tàu cá, đồng thời tăng cường ngân sách đầu tư hiện đại hóa hạ tầng ngành thủy sản để phục vụ việc đánh bắt trên biển của ngư dân. Mặt khác, Bộ đang có chương trình trang bị thiết bị liên lạc cho các tàu cá, gắn chip và liên lạc thông qua vệ tinh cho hơn 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, tổ chức ngư dân thành tổ đội sản xuất để bảo vệ nhau trên biển. 

Xin cảm ơn ông!

Chu Khôi (thực hiện)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây