Làm giàu với nông nghiệp công nghệ cao

Thứ ba - 10/06/2014 16:00 162 0
Với đặc thù đất ít, người đông, TP.HCM đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để nâng cao giá trị cho cây trồng, vật nuôi. Và trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phương thức sản xuất này đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Nhiều nông dân tỷ phú

Anh Lê Văn Phi ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi trước đây chuyên làm nghề xới đất mướn, làm ruộng rẫy và nuôi bò cái sinh sản nhưng hiệu quả không cao. Năm 2002, anh mạnh dạn bán đàn bò thịt, lô đất mặt tiền và vay thêm ít vốn từ ngân hàng, dồn tất cả tiền vào mua được 7 con bò sữa về gầy nuôi. 

Đến nay, đàn bò sữa nhà anh đã lên đến 84 con, bình quân mỗi ngày anh bán 450 lít sữa được khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập bình quân của gia đình anh Phi hàng năm trên 1 tỷ đồng. Có được thành công hiện nay, theo anh Phi là do anh đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc hiện đại như máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt sữa, máy thái cỏ, hệ thống làm mát chuồng... và ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi bò sữa, sản xuất thức ăn hoàn chỉnh. 

Hay gia đình anh Trần Gia Huy ở huyện Bình Chánh có nhiều năm trồng rau ăn lá nhưng không khấm khá nổi. Với sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông huyện, anh đã gom góp vốn liếng và vay thêm ít vốn bỏ vườn rau chuyển sang đầu tư trồng lan. 

Từ quy mô nhỏ mở rộng dần qua từng năm, đến nay vườn lan nhà anh đã rộng hơn 2.000m2, đem về thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Tiến thêm một bước, với mục tiêu phát triển bền vững, anh quyết tâm đầu tư thêm gần 2 tỷ đồng cho vườn ươm giống và phòng thí nghiệm để phát triển theo hướng đầu tư công nghệ gia tăng lợi nhuận. 

Theo ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, nhằm nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển NNCNC. 

UBND thành phố đã thông qua chủ trương để xây dựng Khu NNCNC và “Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa theo công nghệ cao” của
Israel bước đầu tạo hiệu quả khá tốt. Đến nay trại có trên 50 con bò sữa đang cho khai thác với sản lượng bình quân mỗi ngày từ 21,7 – 22,5kg sữa/con, nhiều gấp 3 – 4 lần bò sữa bên ngoài. 

Còn tại Khu NNCNC, Phó Trưởng ban quản lý - ông Từ Minh Thiện cho biết, năm 2013 các doanh nghiệp đã cung cấp cho thị trường 14 tấn hạt giống F1 chất lượng cao các loại, 2.000 tấn thành phẩm (nấm rơm, dưa leo, dưa lưới, dưa leo thủy canh, bầu thủy canh, bí đao thủy canh...), 4.788 lít chế phẩm sinh học, 3.500 bình nấm linh chi kiểng, 27.000 túi meo nấm giống và 300.000 bịch phôi nấm, với doanh thu 98 tỷ đồng. 

Thành phố cũng đã có định hướng hình thành thêm 3 khu NNCNC khác, đó là khu 20ha ngay cạnh Khu NNCNC ở huyện Củ Chi để phát triển mô hình trồng trọt và nuôi cá cảnh; khu 90ha ở huyện Cần Giờ dành cho nuôi trồng thủy sản và khu 100ha ở huyện Bình Chánh dành cho chăn nuôi.

Hỗ trợ vốn cho nông dân

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, mục tiêu chính của thành phố khi xây dựng các khu NNCNC là để hỗ trợ, chuyển giao công nghệ ra bên ngoài cho nông dân. Trước tiên là nhằm tạo sức hút đến bà con nông dân trong học tập, nâng cao kiến thức sản xuất. Kế đến, những chương trình, mô hình xây dựng thương hiệu trong khu NNCNC sau này sẽ giúp các trang trại, hợp tác xã có thể quản lý, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình tốt hơn. 

Theo thống kê của các ban ngành, TP.HCM từ năm 2008 đến nay đã có trên 15.000 lượt hộ dân được cho vay vốn hỗ trợ lãi suất để chuyển đổi ngành nghề phù hợp với nền kinh tế hiện nay, với tổng số vốn vay trên 5.000 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, thông qua các phương án vay vốn có định hướng, bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quá trình phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. 

Ngoài ra, để hỗ trợ vốn cho các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, tháng 3.2013, UBND TP.HCM đã ra quyết định về việc hỗ trợ vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, thì đây là khoản vay mà các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM thực hiện khá tích cực bởi hiệu quả kinh tế từ các dự án vay đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị, NNCNC khá tốt. 

    

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây