Tư nhân làm nông nghiệp công nghệ cao

Thứ năm - 06/03/2014 17:10 304 0
TT - Sau bốn năm đầu tư, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Unifarm (xã An Thái, Phú Giáo, Bình Dương) đã phát triển nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu (Global GAP) được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc...

 Vừa băng qua khỏi rừng cao su, đập vào mắt chúng tôi là khu nhà kính lấp lánh dưới ánh mặt trời của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Unifarm. Một rừng chuối xanh mướt thẳng tắp, với những buồng chuối được bọc kín trong bao nilông hiện ra giữa cánh đồng rộng mênh mông.

Làm nông nghiệp với chuyên gia nước ngoài

Giữa trưa, hệ thống tưới bắt đầu hoạt động. Từ các ống nhựa trải dọc theo những luống chuối, nước từ các lỗ nhỏ dọc ống phun ra bốn phía hắt lên trên thấm ướt đẫm thân chuối và vùng đất xung quanh gốc. Một công nhân tại đây cho biết hệ thống tưới tiêu ở khu nông nghiệp này đều được tự động hóa, nhưng mỗi loại cây trồng có một kiểu tưới khác nhau. Dưa lưới trồng trong nhà kính thì nước và phân bón được chuyển vào cây bằng hình thức tưới nhỏ giọt của Israel, cây có múi tưới dạng phun mưa, còn chuối thì tưới bằng hệ thống tưới ngược từ dưới đất lên. “Đây là công nghệ tưới của Đài Loan” - công nhân này cho biết.

Theo ông Phạm Quốc Liêm, tổng giám đốc Unifarm, không chỉ lắp các hệ thống tưới và bón phân tự động, mỗi loại cây trồng đều có các chuyên gia hàng đầu từ các nước được mời về triển khai và giám sát mọi công đoạn.

Chẳng hạn với loại chuối già xuất khẩu sang Hàn Quốc, công ty mời hai chuyên gia người Philippines (nước trồng chuối lớn trên thế giới) về làm ngay từ đầu và phụ trách đào tạo, chuyển giao công nghệ cho công nhân người Việt.

Ngày 19-12, lứa chuối đầu tiên của công ty đã được thu hoạch để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hai chuyên gia Philippines tất bật hết đi từ bể rửa lại đến chỗ sấy khô và đóng gói để hướng dẫn công nhân làm theo đúng chuẩn.

Cạnh đó, các vị khách hàng Hàn Quốc cũng đang kiểm tra các khâu trước khi đóng gói để đưa vào container lạnh và vận chuyển bằng tàu biển về Hàn Quốc.

Tại khu nhà kính rộng 1ha chuyên trồng dưa lưới, toàn bộ hệ thống nhà kính, thiết bị, hệ thống tưới đều nhập từ Israel, do một chuyên gia nước này vận hành.

“Chuyên gia này ở Isreael có trên 30ha trồng rau xuất khẩu sang châu Âu, có thừa kinh nghiệm thực tế, được chúng tôi mời về để đảm bảo mọi công đoạn đều làm đúng quy trình ngay từ đầu. Nhờ vậy, dưa lưới tại đây giữ được ba trái, thay vì một trái như những nơi khác nhưng trọng lượng và chất lượng vẫn đảm bảo” - ông Liêm nói.

Với hệ thống công nghệ cao cũng như sự kiểm soát của chuyên gia nên khu vực trồng dưa lưới đã đạt chứng nhận Global GAP. “Hiện chúng tôi đưa ra thị trường khoảng 200 tấn dưa lưới mỗi năm. Trong năm 2014 chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dưa trong nhà lưới để đáp ứng nhu cầu của thị trường” - ông Liêm nói.

Nhập công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc

Trước năm 2008, UBND tỉnh Bình Dương đã có ý định thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển ra các vùng lân cận với mục tiêu đạt hiệu quả cao trên diện tích nhỏ, do đất đai ngày càng bị thu hẹp. Sau khi tham khảo các mô hình của thế giới, UBND tỉnh Bình Dương quyết định kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Và trong số nhiều ứng cử viên đăng ký, Công ty U&I (công ty mẹ của Unifarm) đã được chọn làm chủ đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái, huyện Phú Giáo khi khu nông nghiệp này được UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập năm 2009. Sau khi nhận được giấy phép, Unifarm đã nhanh chóng nhập khẩu thiết bị, mời chuyên gia nước ngoài về làm việc và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010.

Với quy mô gần 412ha chia ra nhiều phân khu chức năng như khu nghiên cứu, khu sản xuất..., đến thời điểm hiện nay Unifarm đã lấp đầy được 36% diện tích, khoảng 140ha trong 380ha đất canh tác. Trong năm nay sẽ mở rộng, chỉ riêng chuối đã thêm 100ha. Không tiết lộ doanh thu của công ty nhưng theo ông Liêm, từng dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu này đều cho kết quả rất cao. Hiện công ty đang phát triển thêm một số loại cây nữa như cam, bưởi, quýt, chanh...

Theo ông Liêm, ngoài những sản phẩm tươi đưa ra thị trường nội địa và xuất khẩu, công ty sẽ đầu tư nhà máy chế biến tại khu vực này để tăng giá trị cho nông sản. Sau khi các mô hình sản xuất thành công và hoàn thiện, công ty sẽ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời liên kết với người dân để phát triển vùng nguyên liệu bên ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cho biết đang liên kết với đối tác nước ngoài để đầu tư, sản xuất như hợp tác với Hàn Quốc để trồng chuối rồi xuất khẩu sang chính thị trường này.

Công ty cũng đang làm việc với một đối tác đến từ Nhật để nghiên cứu các loại rau màu như đậu côve, cà tím bằng giống và công nghệ của Nhật để tìm ra loại cây trồng phù hợp cho việc đầu tư và xuất khẩu trở lại Nhật Bản.

“Dự kiến chúng tôi sẽ cùng đối tác Nhật Bản đầu tư một nhà máy làm giống cây trồng theo công nghệ Nhật tại VN. Như vậy, chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ chuỗi từ hạt giống, sản xuất, chế biến tại khu vực này” - ông Liêm nói.

Về đầu ra, theo ông Phạm Quốc Liêm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch của VN tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu rất lớn. Chẳng hạn với cây chuối, loại trái cây có nhu cầu cao nhất trong tất cả các loại trái cây, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Tại Philippines, quốc gia có diện tích trồng chuối lớn nhất thế giới, cây chuối đang có dấu hiệu thoái hóa nên khách hàng đang tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác, trong đó có VN.

TRẦN MẠNH

Giúp nông dân tiếp cận giống mới

Đà Lạt hiện có khoảng 30 cơ sở tạo giống bằng nuôi cấy mô, mỗi năm cung cấp cho thị trường 22 triệu cây giống. Lập phòng nhân giống cấy mô là cách nông dân tự cứu mình thay vì chờ nguồn giống tốt từ các viện nghiên cứu trong nước. Ông Trương Đức Phú, giám đốc Công ty giống PH Biotech (P.11, Đà Lạt), chủ của phòng ươm giống trong ống nghiệm lớn nhất nhì Đà Lạt, cho biết đã nhiều lần bỏ tiền đi Hà Lan và các nước châu Á học hỏi để sản xuất giống. Tuy nhiên, sản phẩm trồng ra không thể xuất khẩu do giống không có bản quyền.

Với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ThS Siebe Van Wijk (Hà Lan), giám đốc Công ty Fresh Studio, cho rằng giống thật sự là vấn đề với nông dân không chỉ ở Đà Lạt, Nhà nước phải có các chính sách kéo các công ty sinh học uy tín trên thế giới vào VN, giúp nông dân VN tiếp cận những giống mới. “Hà Lan khởi điểm nông nghiệp công nghệ cao cũng không thuận lợi hơn VN, nhưng chúng tôi đã giải quyết ngay từ đầu khâu giống bằng nhiều cách. Ngoài việc hỗ trợ các công ty giống, chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách giúp nông dân tiếp cận các công ty công nghệ sinh học, giúp họ hiểu nhau và hợp tác sản xuất giống theo đúng nhu cầu” - ông Siebe Van Wijk nói.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho rằng chỉ khoảng 20% giống rau, hoa tại Đà Lạt là có bản quyền cây giống, chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp. Nhiều nông dân có giống tốt để sản xuất sau đó cấy mô nhân ra nhưng giống nhập về qua những kênh không chính thức, không có bản quyền nên giống cho hoa thương phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước. Theo ông Sơn, Đà Lạt cần phải có trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, tập hợp được những chuyên gia ở lĩnh vực sinh học để nghiên cứu riêng về rau, hoa công nghệ cao phục vụ Đà Lạt và hướng ra các địa phương khác. Việc này sẽ giải quyết được vấn đề giống và kỹ thuật cho nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt.

 MAI VINH

 

Ông Zafrir Asaf (trưởng phòng kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Israel):

Công nghệ quyết định đến hiệu quả nông nghiệp

Tiềm năng về phát triển nông nghiệp ở VN là rất lớn. Tuy nhiên, muốn thành công trong phát triển nông nghiệp, trước tiên nông dân VN phải thay đổi cách suy nghĩ. Làm nông nghiệp hiện nay không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống, mà phải dựa rất nhiều vào công nghệ, vào kiến thức của khoa học, nghiên cứu nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng... Có như vậy các sản phẩm đưa ra mới đáp ứng được nhu cầu cao của các thị trường tiêu dùng khó tính, những thị trường nhập khẩu tiềm năng sẵn sàng chi trả cao.

Thực tế nếu anh không làm, người khác sẽ làm và một ngày nào đó họ có thể sẽ thành công hơn và anh sẽ tụt lại phía sau. Đó cũng là nguyên lý cạnh tranh toàn cầu mà nông dân VN không có nhiều lựa chọn, họ phải cạnh tranh. Tôi cho rằng cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục và nâng cao trình độ hiểu biết của người nông dân. Có kiến thức, có hiểu biết họ mới có cơ hội tiếp cận các thông tin thị trường, công nghệ, lắng nghe, kiểm chứng..., từ đó họ sẽ ngày càng có nhiều kỹ năng và tự tin hơn vào quyết định của mình.

Tiền chỉ là một yếu tố để có thể tiến hành nông nghiệp công nghệ cao, còn sản xuất nông nghiệp là cả một quá trình. Công nghệ thì ở khắp nơi và ngày càng thay đổi, nếu chờ thì người nông dân sẽ mãi tụt lại phía sau. Cũng xin nói thêm, tại Israel, trong năm nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà tư vấn - nhà nông) thì nhà tư vấn có vai trò tương đối quan trọng. Họ là các công ty tư vấn dịch vụ cung cấp đa dạng các dịch vụ: gieo trồng cái gì, nuôi con gì, bán cho ai, bán trên thị trường nào, bán thế nào... Nếu thấy nhu cầu thị trường, giá cả sản phẩm không thuận lợi vào thời điểm đầu tư, họ sẽ khuyến cáo nông dân chuyển sang loại nông phẩm khác phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường và giá cả tốt hơn. Dường như ở VN còn thiếu cơ quan này.

NAM thực hiện

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây