Đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi

Thứ ba - 22/07/2014 23:30 206 0
(ĐCSVN) - Nước ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, ngành thủy lợi được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 Nước ta có hệ thống thủy lợi tương đối phát triển, góp phần quan trọng trong việc tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất và đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Theo thống kê, năm 2012, tổng diện tích đất trồng lúa được tưới đạt trên 7,3 triệu ha, tạo điều kiện đưa sản xuất tăng nhanh và ổn định. Ngoài ra, các hệ thống thủy lợi còn cung cấp nước tưới cho 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp; tạo nguồn nước cho 1,3 triệu ha đất gieo trồng; cung cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và hoạt động công nghiệp. Bên cạnh đó, còn ngăn mặn cho 0,87 triệu ha đất; cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha và tiêu nước cho trên 1,72 triệu ha đất nông nghiệp. Các hệ thống công trình thủy lợi đã hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển đa dạng hóa cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp.

Đến nay, cả nước đã xây dựng được hàng ngàn hệ thống công trình thủy lợi, gồm: 6.648 hồ chứa các loại, khoảng 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234.000 km kênh mương, 29.960 km đê các loại. Trong đó có 904 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu từ 200 ha trở lên. Nhiều hệ thống công trình thủy lợi lớn như: Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải, Núi Cốc, Cấm Sơn, Cửa Đạt,…đã mang lại hiệu ích lớn cho đất nước.

Hệ thống công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng trong phòng chống thiên tai như: phòng chống lũ, chống úng, chống hạn, xâm nhập mặn. Tiêu biểu, các hồ chứa lớn như: Cửa Đạt, Tá Trạch, Dầu Tiếng,… đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống lũ cho các lưu vực sông. Hệ thống các trục tiêu lớn, các trạm bơm điện quy mô lớn đã được đầu tư, xây dựng đảm bảo chống ngập, úng cho các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn. Các hệ thống thủy lợi còn góp phần điều hòa dòng chảy cho các dòng sông, ổn định dòng chảy vào mùa cạn; bảo vệ môi trường nước, phát triển dịch vụ, du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thủy lợi nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Tác động của biến đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng nguồn nước ngày càng khan hiếm, nước biển dâng. Thực trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng; thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngày càng khốc liệt. Nhiều công trình thủy lợi chưa phát huy hết tiềm năng và hiệu quả theo thiết kế. Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy lợi còn nhiều tồn tại, bất cập, mang nặng tính bao cấp, chủ yếu trông chờ từ ngân sách nhà nước; thiếu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo động lực và phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia đầu tư và quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Mặc dù được đầu tư lớn, nhưng công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi còn bộc lộ nhiều hạn chế như: hiệu quả quản lý thấp, bộ máy tổ chức cồng kềnh; năng suất lao động thấp, công trình xuống cấp nhanh, vi phạm công trình thủy lợi tăng và chưa được giải quyết; sử dụng nước lãng phí. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng còn chậm được củng cố, tỷ lệ diện tích có tưới đạt 80%; tỷ lệ cung cấp nước cho các dịch vụ khác ít được quan tâm và phát huy hiệu quả. Hạ tầng thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến hoặc khó chuyển đổi khi thay đổi cơ cấu cây trồng.

Thêm vào đó, tổ chức thủy nông cơ sở còn thiếu bền vững, tài chính khó khăn. Theo báo cáo của các địa phương, trên 52% tổ chức có nguồn thu chỉ đáp ứng 65-70% yêu cầu chi, thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa nạo vét kênh mương, dẫn đến công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh. Ngoài ra, nhiều hồ đập bị xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; năng lực cảnh báo, dự báo sớm phục vụ chỉ đạo điều hành và vận hành hồ chứa còn yếu.

Nhằm khắc phục những khó khăn của ngành thủy lợi, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành đồng bộ những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi. Cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho công tác nuôi trồng thủy sản, với khu vực duyên hải miền Trung sẽ xây dựng các hồ chứa trên các lưu vực sông, liên kết các hồ chứa; tận dụng nguồn nước từ lưu vực sông Đồng Nai qua thủy điện Đại Ninh, sông Hinh, Đa Nhim,…nhằm tiếp nguồn nước cho các lưu vực sông. Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ rà soát quy hoạch thủy lợi cho thủy sản, khắc phục nguy cơ lây truyền dịch bệnh qua nguồn nước, tăng cường kiểm soát chất lượng nước. Bên cạnh đó, công tác rà soát an toàn đập sẽ được chú trọng thông qua việc kiểm định đập, đánh giá lại khả năng xả lũ có xét đến biến đổi khí hậu, phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành; từng bước nâng mức đảm bảo theo chuẩn mực quốc tế và vận hành thời gian thực cho hồ chứa lớn; tăng cường năng lực dự báo lũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đẩy mạnh việc tạo lập môi trường thuận lợi, phát huy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức quản lý khai thác tổng hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế của công trình nhằm tạo nguồn thu ổn định, đảm bảo hoạt động bền vững về tài chính và kỹ thuật. Thêm vào đó, đa dạng hóa các loại hình tổ chức quản lý khai thác, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động quản lý khai thác.

Song song với đó, ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến như: công nghệ không gian, ảnh vệ tinh, viễn thám nhằm tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm về lũ, hạn, mặn. Nghiên cứu chế độ mưa, dòng chảy để nâng cao chất lượng xây dựng quy trình vận hành hồ chứa và vận hành hồ chứa trong các tình huống khẩn cấp theo thời gian thực.

Ngoài ra, hoạt động mở rộng hợp tác quốc tế sẽ được tăng cường bằng các hoạt động nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Thông qua đó nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi như: mô hình tổ chức quản lý vận hành công trình thủy lợi; chính sách thủy lợi phí, giá nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; công nghệ, giải pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước./.

Bùi Thủy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây