Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về phát triển khoa học và công nghệ, công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, nông thôn như Nghị quyết số 26/NQ- TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 176/QĐ-TTg, ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012 phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015... Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đó trong thực tiễn đã tạo được những chuyển biến tích cực bước đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2013, chương trình Công nghệ nông nghiệp đã triển khai 120 nhiệm vụ khoa học công nghệ, gồm 100 đề tài và 20 dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí được cấp đến năm 2012 là 265,217 tỷ đồng cho các lĩnh vực: cây nông nghiệp - lâm nghiệp; lĩnh vực chăn nuôi - thú y; lĩnh vực vi sinh - enzyme - 54,815 tỷ đồng. Chương trình Công nghệ sinh học thủy sản đã triển khai 54 nhiệm vụ khoa học công nghệ, gồm 53 đề tài và 1 dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí được cấp đến năm 2012 là 114,946 tỷ đồng. Kết quả nghiên cứu về phân lập gen, thiết kế vector chuyển gen, nghiên cứu chuyển gen vào cây trồng như ngô, đậu tương, cà chua, khoai lang... đã làm cơ sở chọn tạo được một số giống cây trồng mang tính trạng mong muốn như ngô kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ, bông kháng sâu, đậu tương kháng sâu, cà chua kháng virus...
Việt Nam ứng dụng công nghệ sinh học tạo giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, chủng vi sinh vật, các chế phẩm sinh học mới phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản nông sản, thủy sản, lâm sản. Chọn tạo và phát triển được các giống cây trồng nông lâm nghiệp và giống thuỷ sản có năng suất và chất lượng cao, chống chịu với các điều kiện bất lợi, thích hợp với các vùng sinh thái khác nhau. Trong 5 năm (từ năm 2008 đến năm 2013), đã có 396 giống cây trồng được công nhận, 162 quy trình công nghệ được công nhận. Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất các chế phẩm sinh học, vi sinh tái tổ hợp trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, xử lý nước thải, phế phụ phẩm nông nghiệp, chất bổ sung trong chăn nuôi, vaccine, sản xuất các chế phẩm như: Biofun, BCF, SH, AF, AN, Probiotic... Đã chế tạo được một số công nghệ, thiết bị có hiệu quả, thân thiện môi trường trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, đánh bắt thuỷ hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Về ứng dụng công nghệ cao, hiện nay Việt Nam có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng, đưa vào hoạt động và quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố. Đã hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hậu Giang... Bước đầu hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; mô hình sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, mô hình nuôi cá tra sạch tại đồng bằng sông Cửu Long... Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá về chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sữa tại Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh; vùng trồng chè theo công nghệ trồng, chế biến chè của Đài Loan ở Thái Nguyên, Lâm Đồng...
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tiến Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp- Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) hoạt động của các khu nông nghiệp công nghệ cao này còn rất hạn chế do đầu tư chưa đồng bộ, tập trung; cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu hấp dẫn, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Việc lựa chọn mô hình, sản phẩm, lựa chọn công nghệ để sản xuất chưa phù hợp; chi phí đầu tư, vận hành quá cao dẫn đến sản xuất không hiệu quả. Một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng được đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập công nghệ trọn gói của nước ngoài, nhưng chưa thành công.
Vẫn còn nhiều hạn chế và vấn đề đặt ra
Bên cạnh những chuyển biến tích cực và hiệu quả không thể phủ nhận của việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn làm việc khai thác tiềm năng to lớn của ngành nông nghiệp vẫn bị hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa trong thời gian qua chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, chưa tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; chưa gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông lâm sản. Hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển chậm.
Có thể thấy, trong những năm qua tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại. Cụ thể, tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 1996- 2000: 4,01%, 2001- 2005: 3,83%, 2006- 2010: 3,03%, 2009- 2013 chỉ còn 2,9%. Nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống vẫn ở tình trạng chất lượng thấp, giá thành cao, chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp cùng loại của nước ngoài.
Đáng chú ý, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là sản phẩm thô, các khâu chế biến, bảo quản, vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, giá trị sản phẩm chiếm tỷ trọng thấp trong chuỗi giá trị. Phần lớn nông sản đang được xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng rất thấp, nhiều loại nông lâm thủy sản của Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cũng cần nhận rõ những thách thức giữa yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao với đất đai manh mún, sản xuất quy mô nhỏ; giữa nhu cầu cao về vốn đầu tư để hiện đại hoá nông nghiệp với hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp thấp, nhiều rủi ro, chưa hấp dẫn. Xây dựng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong điều kiện quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sản phẩm chưa có thương hiệu trên thế giới, chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm thấp, tính cạnh tranh, hiệu quả thấp; trong khi cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất, hướng tới phát huy tiềm năng lợi thế của sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, trình độ lao động nông nghiệp còn rất thấp, chất lượng lao động nông nghiệp suy giảm, thiếu lao động trẻ, lao động có tri thức. Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên chiếm 11,2% lao động nông thôn; trong đó 4,3% có trình độ trung cấp; 2,2% có trình độ đại học. Chương trình đào tạo nghề nông thôn chưa thành công, lao động nông thôn dư thừa lớn đang là sức ép gay gắt cho các địa phương và khu vực nông thôn, 83% lao động thiếu việc làm là ở nông thôn. Người nông dân bị yếu thế trên tất cả các mặt từ sản xuất đến đời sống, số hộ nghèo ở nông thôn chiếm 83% số hộ nghèo của cả nước.
Để khắc phục những tồn tại trên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp muốn xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, thu hẹp khoảng cách so với các nước tiên tiến, trong xu thế hội nhập cần tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp. Đồng thời xây dựng, nâng cao hiệu quả các khu nông nghiệp công nghệ cao. Khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng vai trò “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhằm phát huy các lợi thế và nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên kết hợp với áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh cao.
Ngoài ra, phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà tư vấn và nhà nông, trong đó sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khu nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng, bao gồm: nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ; là nơi nghiên cứu mô hình, đào tào, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, trang trại và cho các hộ nông dân. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu là: chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; ứng dụng sản xuất ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp. Trong đó, cần ưu tiên, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia, những sản phẩm có tiềm năng như: gạo, cà phê, cao su, thuỷ sản, thịt lợn, sữa, lâm sản..., trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư về khoa học và công nghệ (chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao) trong chọn, tạo giống, tổ chức sản xuất, xuất khẩu. Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao hoạt động có hiệu quả tại những vùng nông nghiệp trọng điểm.
Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư, tín dụng, cơ sở hạ tầng tạo môi trường hấp dẫn thu hút và tạo điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam./.
|