Ngày 15/7/2022, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai miền Nam năm 2022 với sự chủ trì của Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Hội nghị còn có sự tham gia của Lãnh đạo: Chi cục phòng, chống thiên tai miền Nam; UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 19 tỉnh khu vực Nam Bộ.
Hội nghị đã thông qua, thảo luận các nội dung: công tác phòng, chống thiên tai năm 2021, 06 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tại các tỉnh miền Nam; công tác quản lý đê; vấn đề phân cấp đê khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp đảm bảo an toàn và bài học kinh nghiệm trong ứng phó với ngập lụt đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; công tác vận hành hồ Dầu Tiếng trên lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai; hệ thống đo mưa và cảnh báo ngập lụt tại cộng đồng;…
Phát biểu kết thúc buổi Hội nghị, Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị 19 tỉnh khu vực Nam Bộ tập trung thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 như sau:
- Ảnh 1. Tổng cục PCTT phát biểu tại Hội nghị
1. Kiện toàn tổ chức: tiếp tục rà soát hoàn thành việc kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên ban chỉ huy, đảm bảo hoàn thành trước 31/7/2022.
2. Hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 đối với những tỉnh chưa ban hành; rà soát, điều chỉnh Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022 đảm bảo phù hợp với điều kiện triển khai của địa phương đối với những tỉnh đã ban hành.
3. Củng cố công trình hồ đập, hệ thống đê bao, bờ bao, công trình phòng chống sạt lở và các công trình phòng, chống thiên tai khác.
4. Kiểm soát rủi ro thiên tai: tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nội dung đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình theo Thông tư số 13/2021/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm cư dân nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác.
Ảnh 2. Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham dự Hội nghị
5. Về phòng chống lũ, ngập lụt, bão: hoàn thành việc rà soát phương án phòng chống lũ, ngập lụt, bão trong đó tập trung: kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê bao, bờ bao, hồ đập, đê biển, các tình huống thiên tai; công trình kiếm soát lũ; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống, hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai; đánh giá, xác định, tổng hợp các khu vực trọng điểm xung yếu về phòng chống lũ, ngập lụt, bão; công tác kiểm đếm, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại khu neo đậu; công tác di dời dân cư tại khu vực cửa sông, ven biển đề phòng nước biển dâng.
6. Về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển: tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm nhằm phát hiện, cảnh báo kịp thời diễn biến sạt lở và sơ tán những hộ dân đang sinh sống trong khu vực sạt lở, có nguy cơ cao về sạt lở đến nơi an toàn.
7. Về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn: theo dõi chặt chẽ diễn biến về nguồn nước, chủ động tham mưu đề xuất phưong án cấp nước sinh hoạt, nước tưới, nuôi trồng thủy sản,... và điều chỉnh thời gian xuống giống, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
8. Đối với các loại hình thiên tai khác: chủ động rà soát và triển khai phương án ứng phó phù hợp với đặc điểm thiên tai và khả năng ứng phó của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, đề cao vai trò của người đứng đầu.
9. Tăng cường năng lực cộng đồng: tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, các bản tin thiên tai, công tác chỉ huy ứng phó với thiên tai, kiến thức, kỹ năng PCTT đến cộng đồng, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
10. Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, trong đó chú trọng đào tạo, tập huấn, trang bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cấp xã.
11. Chú trọng tăng cường trang thiết bị, cơ sở dữ liệu cho Văn phòng thường trực; tổ chức trực ban nghiêm túc.
12. Tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục hiệu quả thiên tai đảm bảo ổn định dân sinh, cơ sở hạ tầng trước mắt và lâu dài./.