Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Thứ sáu - 16/07/2021 17:00 230 0

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 (sau đây gọi là Luật năm 2020). Luật năm 2020 có rất nhiều nội dung mới, trong đó, có một số nội dung quan trọng mà lực lượng làm công tác xử lý vi phạm hành chính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần lưu ý, như:

1. Về xử lý hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC hiện hành quy định: một người "vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm", trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC lại quy định: "vi phạm hành chính nhiều lần" là tình tiết tăng nặng. Do đó, đã gây lúng túng cho cơ quan chức năng trong quá trình áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC như sau: "Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng".

Như vậy, nếu Nghị định xử phạt trong lĩnh vực cụ thể không quy định hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng thì một người vi phạm hành chính nhiều lần sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

2. Về những hành vi bị nghiêm cấm

Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính tại Điều 12 Luật XLVPHC như: xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

3. Về thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động

Luật năm 2020 đã bổ sung nguyên tắc xác định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động vào khoản 3 Điều 25 Luật XLVPHC như sau: "Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước, đình chỉ có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung thời gian tước, đình chỉ; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời hạn tước, đình chỉ có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ."

4. Về thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Luật năm 2020 tăng thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các chức danh từ Điều 38 đến Điều 49 Luật XLVPHC, theo đó, lực lượng thanh tra - được quy định tại Điều 46 của Luật XLVPHC (gồm: Chánh Thanh tra sở; Chi cục trưởng Chi cục về trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, lâm nghiệp, phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

5. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

* Về lập biên bản vi phạm hành chính

- Luật năm 2020 đã quy định cụ thể địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính là nơi xảy ra vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Về nội dung biên bản: Luật năm 2020 bổ sung quy định biên bản phải mô tả vụ việc, hành vi vi phạm.

- Về đại diện chính quyền địa phương, người làm chứng: Luật XLVPHC hiện hành quy định trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến và không quy định trường hợp chính quyền cơ sở không ký thì biên bản có giá trị pháp lý không.

Luật năm 2020 đã quy định vấn đề trên như sau: "Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản".

- Chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền của người lập biên bản: Luật năm 2020 đã quy định cụ thể trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, người lập biên bản phải chuyển biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt (Luật XLVPHC hiện hành chỉ quy định chuyển ngay, không ghi rõ thời gian là bao lâu).

- Bổ sung quy định về sửa chữa sai sót biên bản vi phạm hành chính: "Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 của Luật này để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt."

- Bổ sung quy định việc lập biên bản bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

- Bổ sung quy định biên bản vi phạm hành chính là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản.

* Tăng thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC từ 24 giờ lên 48 giờ, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 48 giờ.

* Sửa đổi, bổ sung quy định về giải trình tại Điều 61 Luật XLVPHC: "Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này lại có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm".

* Bổ sung quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật XLVPHC.

6. Một số điểm mới về thời hạn

Luật 2020 có một số thay đổi trong cách quy định thời hạn như quy định là "ngày làm việc", "tháng" thay cho cách quy định là "ngày", "30 ngày" của Luật XLVPHC hiện hành (như quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 66, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại Điều 125).

Do đó, cần lưu ý để tính thời hạn cho chính xác. Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong Luật XLVPHC có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc (quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật XLVPHC).

7. Về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề (quy định tại Điều 125 Luật XLVPHC)

* Luật năm 2020 bổ sung quy định: "Thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính".

* Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, trong đó có một số điểm mới cần lưu ý như:

- Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ.

- Bổ sung trách nhiệm của người lập biên bản tạm giữ: có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

- Bổ sung quy định về niêm phong tang vật, phương tiện: khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây: động vật, thực vật sống; hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật.

- Biên bản, quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử.

-  Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải có chữ ký của người thực hiện việc tạm giữ, người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm; trường hợp không có chữ ký của người vi phạm thì phải có chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến. Bỏ quy định biên bản tạm giữ phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ.

8. Về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu

* Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật năm 2020 quy định theo hướng viện dẫn: "Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công" (bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 81 Luật XLVPHC), đồng thời, bãi bỏ Điều 82 Luật XLVPHC (quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu).

Đồng thời, Luật năm 2020 cũng quy định về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Theo đó, đối với trường hợp này thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

* Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc thông báo, niêm yết công khai về tang vật, phương tiện bị tạm giữ (sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật XLVPHC):

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để xác minh tình tiết hoặc để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính, khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

+ Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

+ Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

- Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành việc thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết.

9. Về việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

* Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt tại Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC theo hướng bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tổ chức/doanh nghiệp khi gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

* Luật năm 2020 bổ sung quy định về thời điểm thi hành, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế như sau:

- Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.

- Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây