Chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 04/04/2019 18:00 345 0

CHUYÊN MC

Chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thời gian: Ngày 21/3/2019 tại xã An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh

 

1. Về mục tiêu của chính sách

- Chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn địa bàn tỉnh đến năm 2020 nhằm hỗ trợ kịp thời cho hộ gia đình nông thôn ngoài vùng cấp nước của các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, chưa tiếp cận với nguồn nước sạch theo Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế được tiếp cận với chính sách này, theo tính toán đến năm 2020, sẽ hỗ trợ khoảng 15.834 hộ gia đình nông thôn.

- Mặt khác, chính sách còn góp phần tăng tỷ lệ hộ dân xã nông thôn mới được sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 65%, các xã nông thôn còn lại được sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ hộ 51%.

2. Nội dung chính sách

a) Để được hỗ trợ từ chính sách, hộ gia đình nông thôn phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có giếng khoan, giếng đào hoặc nguồn cấp nước khác chưa đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế; chịu trách nhiệm chủ động kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị trong quá trình sử dụng;

- Có đơn đề nghị hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

b) Phương thức hỗ trợ: UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn hộ gia đình nông thôn lựa chọn mô hình, công nghệ cấp nước, tự lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình đạt theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế; chính quyền địa phương tổ chức nghiệm thu, đạt yêu cầu thì hỗ trợ kinh phí theo quy định.

c) Đối tượng và mức hỗ trợ:  Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với hộ gia đình nông thôn lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình và xét nghiệm chất lượng nước theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế:

- Đối với hộ có công với cách mạng, hộ nghèo: Mức hỗ trợ 100% theo giá thực tế nhưng tối đa không quá 6.000.000 đồng/hộ;

- Đối với hộ cận nghèo: Mức hỗ trợ 75% theo giá thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/hộ;

- Đối với hộ có mức sống trung bình: Mức hỗ trợ 50% theo giá thực tế nhưng tối đa không quá 3.000.000 đồng/hộ;

 - Đối với hộ khác: Mức hỗ trợ 30% theo giá thực tế nhưng tối đa không quá 1.800.000 đồng/hộ.

- Trường hợp hộ gia đình nông thôn được hưởng nhiều mức hỗ trợ khác nhau thì được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.

d) Về nguồn kinh phí: Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ có mục tiêu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Kết quả triển khai thực hiện năm 2018

- Năm 2018, các địa phương đã chủ động, khẩn trương tổ chức thực hiện, kết quả đã lắp đặt hệ thống xử lý nước: 1.480 hộ, với kinh phí: 8.588 triệu đồng trên địa bàn 08 huyện, trong đó: Châu Thành: 564 hộ, Trảng Bàng: 280 hộ, Hoà Thành: 232 hộ, Tân Biên: 211 hộ, Bến Cầu: 75 hộ, Gò Dầu: 41 hộ, Tân Châu: 41 hộ, Dương Minh Châu: 36 hộ (Hộ có công với cách mạng: 891 hộ, kinh phí: 5.346 triệu đồng; hộ nghèo: 478 hộ, kinh phí: 2.868 triệu đồng; hộ cận nghèo: 60 hộ, kinh phí: 270 triệu đồng; hộ có mức sống trung bình: 10 hộ, kinh phí: 30 triệu đồng; hộ nông thôn khác: 41 hộ, kinh phí: 73,8 triệu đồng).

- Sau khi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý nước, hộ gia đình nông thôn đánh giá cao về chính sách, hỗ trợ kịp thời nguồn nước sạch để sinh hoạt, giảm chi phí, các bệnh tật do sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh gây ra.

4. Thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện

a) Thuận lợi

- Chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn mang tính xã hội cao, tạo sự công bằng giữa hộ dân nông thôn trong và ngoài vùng cấp nước của hệ thống cấp nước tập trung được tiếp cận với nguồn nước sạch, thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch, do đó được người dân nhiệt tình ủng hộ.

- Hỗ trợ, chia sẻ kịp thời hộ gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và hộ nông thôn khác ngoài vùng cấp nước của các công trình cấp nước tập trung được tiếp cận với nguồn nước sạch, nhằm nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư; đồng thời góp phần hoàn thành chỉ tiêu 17.1 - Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch thuộc Tiêu chí 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

- Sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc triển khai, tổ chức thực hiện, ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn.

b) Khó khăn, nguyên nhân

- Về phần kinh phí đối ứng của hộ cận nghèo (25%), hộ có mức sống trung bình (50%), hộ nông thôn khác (70%) tham gia rất ít, với lý do: Thời gian triển khai tương đối gấp, các địa phương ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ có công với cách mạng; mặt khác, do tâm lý chủ quan, chưa nhận thức được hiệu quả của việc sử dụng nước sạch đạt theo quy chuẩn, một phần muốn được nhà nước hỗ trợ 100% nên chưa tích cực góp vốn cùng nhà nước thực hiện chính sách này.

- Việc xác định đối tượng ngoài vùng cấp nước đối với từng công trình cấp nước tập trung.

3. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn địa bàn tỉnh, cần có sự phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, cụ thể:

a) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức người dân nông thôn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch và mục đích của chính sách hỗ trợ hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó: Tập trung đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng, Nhân dân, đặc biệt quan tâm, vận động đối tượng hộ có mức sống trung bình và hộ nông thôn khác tích cực tham gia thực hiện chính sách.

- Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia định nông thôn năm 2018 (thuận lợi, khó khăn, đề xuất kiến nghị,..), từ đó chủ động trong việc tổ chức triển khai trong những năm tiếp theo, trong đó, cần lưu ý việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp các hệ thống xử lý nước hộ gia đình, chất lượng, độ bền của hệ thống, thời gian bảo hành, mức giá, chất lượng nước sau khi xử lý đạt theo Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế để giới thiệu cho Nhân dân lựa chọn, lắp đặt phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.

- Hỗ trợ, hướng dẫn giúp hộ gia đình nông thôn trong việc thực hiện hợp đồng với Doanh nghiệp cung cấp hệ thống xử lý nước để người dân được nhiều điều kiện có lợi hơn (về hợp đồng kinh tế, bảo hành sản phẩm, kết quả xét nghiệm nước, cơ quan xét nghiệm mẫu nước,...)

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Để giúp người dân có điều kiện lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các huyện, thành phố hỗ trợ Nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng theo Quyết định 1205/QĐ-TTg điều chỉnh mức vốn cho vay được quy định tại Điều 1 Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 03/3/2014 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây