Chuyên mục hướng dẫn chọn giống, trồng và chăm sóc cây mít, cây dứa

Thứ ba - 24/09/2019 16:00 631 0

​Chuyên mục 

Hướng dẫn chọn giống, trồng và chăm sóc cây mít, cây dứa

Thời gian thực hiện: tháng 9/2019
Địa điểm: huyện Trảng Bàng, TP. Tây Ninh

Tính đến đầu năm 2019 cả tỉnh có 1.205 ha mít, tập trung nhiều nhất ở các huyện Tân Châu (180 ha), Châu Thành (255 ha) và Trảng Bàng (145 ha). Chủ yếu là giống mít thái siêu sớm, mít thái lá bàng, mít nghệ.

Dứa là một trong những loại cây trồng mới đang phát triển, chiếm diện tích nhỏ so với các cây trồng khác trên địa bàn, nhưng đang được xem là một trong những cây ăn trái đặc thù của tỉnh trong thời gian tới. Theo nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 tăng diện tích trồng dứa và một số loại cây ăn quả đặc sản có giá trị cao lên khoảng 3.000 ha. Diện tích gieo trồng vào khoảng 60 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng. Hiện nay, tỉnh đang phát triển thêm vùng nguyên liệu tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu…Giống được trồng phổ biến hiện nay là giống dứa Queen.

Sâu bệnh hại cây dứa

1. Sâu hại

1.1. Rệp sáp (Dysmycocus sp.)

Hình thái và cách gây hại:

Rệp sáp rất phổ biến trên các vùng trồng dứa, chúng xuất hiện nhiều trong mùa nắng ấm, rệp sáp tấn công trên rễ, chồi, thân, lá, hoa và trái của cây dứa và rất nguy hiểm vì truyền bệnh héo khô đầu lá.

Phòng trị:

+ Phòng trị kiến sống cộng sinh với rệp sáp.

+ Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị hại nặng.

+ Nhúng gốc cây con trước khi trồng vào dung dịch thuốc Oncol 20 EC (pha 40ml trong 10 lít nước).

+ Khi rệp sáp hại dứa đạt tới mật độ 7 – 10 con/cây tiến hành biện pháp diệt trừ bằng phun dầu khoáng và Phun 1 trong các loại thuốc như: Applaud 10WP, Mospilan 3EC, Wellof 330 EC,…liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

1.2. Nhện đỏ (Dolichotetranycus sp.)

Hình thái và cách gây hại:

Nhện đỏ có kích thước rất nhỏ (0,25 mm), chúng thường xuất hiện trong mùa nắng, tập trung vào các bẹ lá để chích hút nhựa. Cây bị nhện tấn công thường có bộ lá kém phát triển, các lá có màu nâu xám và sần sùi và phần ngọn lá bị khô héo. Nhện đỏ còn tấn công trên trái non làm trái bị biến dạng, kém phát triển và giảm giá trị kinh tế. 

Phòng trị:

Trong mùa nắng nên quan sát thật kỹ để kịp thời phát hiện nhện đỏ và cần phun các loại thuốc trừ nhện như: phun 1 trong các loại thuốc có hoạt chất như: Abamectin , Azadirachtin , Matrine , Citrus oil theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

2. Bệnh hại

2.1. Bệnh héo khô đầu lá (virus Wilt)

Triệu chứng gây hại: Từ chóp lá trở xuống nửa lá chuyển sang màu đỏ nhạt và sau đó chuyển sang đỏ đậm, hai rìa lá cuốn lại từ trên chóp ngọn trở xuống, dần dần toàn lá bị héo và cây sẽ không trổ hoa. Bộ phận rễ bị thối, đầu tiên từ các rễ non và sau đó toàn bộ hệ thống rễ bị thối. Cây có triệu chứng bệnh chỉ nằm rải rác trong lô trồng dứa. Bệnh héo khô đầu lá có tác nhân do virus và được lan truyền bởi rệp sáp trong quá trình chúng chích hút trên cây dứa. Thời gian ủ bệnh có thể từ 3-8 tháng sau khi bị nhiễm. 

Phòng trị: 

+ Chọn chồi giống từ cây mẹ khoẻ mạnh không có rệp sáp và có thể xử lý chồi giống trước khi trồng bằng dung dịch Azodrin 0,2%.

+ Sau thu hoạch nên cắt bớt lá trên cây để tránh tạo điều kiện nóng ẩm giúp rệp sáp phát triển ở mùa tiếp theo. Trường hợp nặng, nên tiêu hủy cây bị nhiễm vì việc trị thường không có hiệu quả kinh tế.

+ Trong điều kiện thâm canh, nên có kế hoạch phun thuốc định kỳ (4-5 lần trong suốt chu kỳ sinh trưởng của cây) để phòng trừ rệp sáp chú ý lần phun cuối cùng trùng vào cuối mùa mưa để hạn chế rệp sáp phát triển mạnh trong mùa khô tiếp theo.

2.2. Bệnh thối đọt, thối rễ (Do vi khuẩn Pseudomonas ananas; nấm Phytophthora nicotianae Phytophthora cinamomi)

Bệnh thối rễ dứa thường xuất hiện nhiều trong mùa mưa nơi có hệ thống thoát nước kém hoặc quá ẩm. Triệu chứng thối ngọn đầu tiên xuất hiện trên các lá ở giữa, lá có màu vàng hoặc hơi nâu, phần tâm ngọn dứa bị thối làm cho ngọn dứa bị héo. Triệu chứng thối rễ cũng tương tự như trên ngọn, điểm khác nhau là toàn bộ lá chuyển sang màu nâu và toàn bộ hệ thống rễ bị thối và dễ dàng đổ ngã. 

Phòng trị: 

+ Mặt liếp trồng dứa cần được làm cao ráo, thoát nước tốt trong khi tưới. Hệ thống mương rãnh phải đảm bảo trong mùa mưa, chồi giống cần xử lý thuốc trừ nấm trước khi đem trồng.

+ Chồi giống dứa trồng chỉ được lấy ở các khu vực không bị bệnh gây hại, trước khi trồng cần được xử lí bằng ngâm chồi trong thuốc gốc đồng như: Bordeaux, Coper Zinc hoặc Alillet 0,2% trong 5 phút.

+ Sau khi trồng cần phun thuốc định kỳ 3-4 tháng để ngăn ngừa bệnh như: phun 1 trong các loại thuốc như: Ridomil Gold , TOP 70WP , Aliette , Nativotheo khuyến cáo của nhà sản xuất.

2.3. Bệnh thối trái, thối gốc chồi (Do nấm Thielaviopsis paradoxa)

Nấm bệnh có thể tấn công ngay vết cắt của cuống trái làm thối cuống trái và đáy trái, nấm cũng tấn công trái bị tổn thương trong lúc vận chuyển. Nhiệt độ và ẩm độ cao là 2 yếu tố gia tăng tỷ lệ bệnh và trái dứa sẽ thối rất nhanh. 

Phòng trị: 

+ Tiêu hủy các cây bị nhiễm bệnh.

+ Nên trồng chồi sạch bệnh, xử lý chồi trước khi trồng. Đối với cây con chưa đem trồng ngay giữ nơi thoáng mát, khô ráo và nên dùng 1 trong các loại thuốc để xử lý bệnh trước khi đem trồng như:Alpine 80WP, hạt vàng 50 WP, Bavistin 50FL, COC -85 theo hướng dẫn

+ Chồi giống sau khi tách khỏi cây mẹ, bó thành bó và dựng ngược dưới nắng để nhanh khô vết thương ở gốc chồi. Không chất đống chồi lên nhau trong thời gian dài trước khi trồng.

+ Sát trùng dụng cụ thu hoạch. Nhúng mặt cắt cuống trái hoặc cả trái vào dung dịch Benzoic acid 10% hay Sodium salicilamit 1%.

 + Thu hoạch nhẹ nhàng tránh làm xây xát trái, tránh bầm giập vết cắt ở cuống   trái (cần chừa cuống trái dài để có thể cắt ngắn khi bán, tạo mặt cắt tươi ở cuống).

+ Không thu hái quả vào những lúc mưa trong mùa hè. Không để đất bám dính vào quả nhất là vào vết cắt trên cuống quả.

+ Sau thu hoạch quả không nên để dứa thành các đống lớn, xếp và vận chuyển cần nhẹ nhàng, nhất là đối với quả dứa Cayen. Khi vận chuyển dứa đi xa, thời gian dài từ 2–3 ngày cần nhúng quả vào dung dịch Benomyl trong vòng 5giờ tính từ lúc hái (pha 400 gr thuốc Benomyl trong 100 lít nước).

2.4. Bệnh thối nhũn trái (Do vi khuẩn Erwinia carotovora)

Bệnh thường xuất hiện khi tồn trữ trái trong các kho vựa hoặc trên các trái chín ngoài đồng. Bệnh gây thối rất nhanh, trong vòng 24 giờ có thể làm thối toàn trái. Bên trong thịt trái có những lỗ hổng to, thịt rời rạc trong khi vỏ bên ngoài vẫn bình thường. Bệnh phá hoại nặng trong mùa mưa. 

Phòng trị: 

Loại bỏ ngay các trái bệnh để tránh lây lan, thu hoạch và vận chuyển tránh làm xây xát. Kho chứa phải thoáng mát, không chất dứa thành đống. Biện pháp hóa học: Phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện. Sử dụng các loại thuốc như :Bonny , Kasuran, Starner…..

2.5. Bệnh khô nâu mắt trái (Do vi khuẩn Erwinia ananas)

- Nguyên nhân: vi khuẩn xâm nhập vào trái ở giai đoạn ra hoa, thường xuất hiện trong các tháng có nhiệt độ và ẩm độ không khí cao (cuối mùa khô).

- Triệu chứng gây hại: Bệnh xảy ra trên mắt trái. Vết bệnh có màu rỉ sắt nhạt hay sậm, đôi khi có màu đen. Các mô xung quanh vùng bệnh thì cứng lại. Có thể có nhiều mắt trái bị bệnh trên trái, khi cắt trái ra thấy có những đốm nâu sẫm xen kẻ trên nền thịt trái vàng. Bệnh làm giảm sút phẩm chất trái quan trọng.

Phòng trị: Bố trí vụ thu hoạch vào trước cuối mùa khô.

2.6. Bệnh thối đen (nấm Cerastomella Paradoxa.)

Loại bệnh này có thể gặp cả trên chuối, mía. Bệnh có thể bắt đầu từ ngoài ruộng, phát triển mạnh trong quá trình vận chuyển, có thể dẫn tới mất mát đến 25 %. Điều kiện để bệnh phát triển tốt nhất là ở nhiệt độ 21-32oC và độ ẩm cao.

Phòng trị: 

Có thể ngăn ngừa bệnh bằng cách phun lên quả mới hái dung dịch Axít Benzoic trong cồn, sau đó đem đi bảo quản lạnh.

Sâu bệnh hại Cây mít

* Sâu đục thân: Đẻ trứng lên các lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Phát hiện kịp thời mùn gỗ sâu đùn ra từ lỗ thân, gốc. Dùng thuốc Regent 800 EG hoặc Furadan 3H nhào trộn với đất vườn bít kín lỗ sâu đùn. Định kỳ 10 ngày/ 1 lần phun Diệp lục trừ sâu (sử dụng thuốc không lo quá liều và không cần thời gian cách ly).

* Sâu đục trái: Làm mít bị rụng quả non. Sâu thường hại các vị trí tiếp giáp giữa quả với quả và quả với thân cây. Không nên sử dụng thuốc BVTV để phun phòng trừ. Tốt nhất bao quả sớm bằng túi nilon ngay sau khi cây kết thúc rụng quả sinh lý.

* Ruồi đục quả: Thường đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn quả. Phòng trừ: Bao quả bằng túi nilon trắng (có đục lỗ thoát hơi nước). Kết hợp định kỳ phun Diệp lục trừ sâu.

Trung tâm Khuyến nông./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây