Chuyên mục kỹ thuật giống, trồng và chăm sóc nhãn Ido và thanh nhãn

Thứ ba - 25/06/2019 18:00 856 0

CHUYÊN MỤC 

Kỹ thuật giống, trồng và chăm sóc nhãn Ido và thanh nhãn

Địa điểm thực hiện: xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu


Theo số liệu của sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến đầu năm 2019 cả tỉnh có 4.055 ha nhãn, tập trung nhiều nhất ở các huyện Dương Minh Châu, Hòa Thành và Gò Dầu. Ðây là loại cây ăn trái truyền thống của tỉnh và chủ yếu là nhãn tiêu da bò. Tuy nhiên, cây trồng này không được các doanh nghiệp chế biến thực phẩm quan tâm đầu tư nên việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái. Những năm gần đây, diện tích trồng nhãn phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, cho năng suất và chất lượng tốt, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Trước tình hình bệnh chổi rồng gây hại nghiêm trọng trên giống nhãn tiêu da bò và tình trạng mất giá, ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến khích chuyển đổi các giống nhãn tiêu da bò sang các giống nhãn khác có giá trị xuất khẩu như nhãn xuồng, nhãn Ido, thanh nhãn...

Cách chọn cây giống tốt:

- Cây giống phải sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn và nguồn gốc xuất xứ.

- Thân cây thẳng, vững chắc. Đối với cây ghép, chiều cao cây giống từ 80 cm trở lên. Đường kính cành giống từ 1,0 -1,2 cm (đo cách vết ghép khoảng 2 cm về phía trên).

- Đối với cây chiếc, chiều cao cây giống từ 60 cm trở lên. Đường kính cành giống từ 0,8 cm trở lên (đo cách mặt giá thể bầu ươm 10 cm).

- Có 2 hoặc hơn 2 cành (đối với cây ghép) và chưa phân cành hoặc có hơn 2 cành (đối với cây chiết). Có 1- 2 đợt lộc mới sinh ra sau ghép hoặc chiết.

- Số lá trên thân chính hiện diện đầy đủ từ vị trí chiều cao cây đến ngọn. Lá đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống.

Một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại chính:

1. Sâu đục thân lá (Acrocercops hierocosma M.)

+ Tỉa cành để các đợt lộc ra tập trung dễ kiểm soát.

+ Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa bỏ những cành già không cho trái bên trong tán, cành vô hiệu, để vườn nhãn luôn được thông thoáng.

+ Ngoài ra loài ong ký sinh củng tiêu diệt được sâu đục gân lá nhãn.

+ Phun thuốc trong giai đoạn cây ra đọt non bằng các loại thuốc chứa hoạt chất như: Dimethoate + Fenvalerate, Cypermethrin hoặc các loại thuốc gốc cúc tổng hợp khác.

2. Sâu đục quả

+ Vệ sinh vườn bằng cách thu gom những trái bị hư đem tiêu hủy. Cắt tỉa cành sau khi thu hoạch cho vườn thông thoáng;

+ Bao trái là biện pháp phòng ngừa rất hiệu quả;

+ Dùng đèn với ánh sáng đen (Black light) để bẫy bướm trưởng thành. Có thể sử dụng bao quả để giảm thiệt hại;

+ Dùng thuốc sinh học như Radiant 60SC, phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì;

+ Thuốc sinh học Exin 2.0SC có thành phần: Salicylic Acid 20g/l

  • Khoét rãnh tròn quanh gốc cây, cách gốc khoảng 30 cm, pha thuốc rồi đổ vào rãnh.
  • Đổ vào rãnh đã khoét 2 lần cách nhau 7 ngày với liều lượng pha 100ml thuốc với 12 lít nước.
  • Trường hợp vẫn còn thấy xuất hiện sâu, cần thiết đổ lần thứ 3 cách lần 2 sau 15 ngày, pha với liều lượng 100ml thuốc với 25 lít nước.
  • Đối với cây đã lớn, cần đổ khoảng 2 lít nước/cây, và đối với cây nhỏ khoảng 1 lít nước/cây

+ Ở những vườn thường xuyên bị nhiễm nặng hoặc khi mật số sâu cao có thể dùng luân phiên các loại thuốc chứa hoạt chất như: Thiamethoxam, Abamectin,... lúc trái non vừa mới tượng;

+ Phun thuốc nếu có trên 1% số trái trong vườn bị tấn công, có thể dùng các loại thuốc chứa hoạt chất như Thiamethoxam, Abamectin, Dimethoate + Fenvalerate, Lambda-cyhalothrin. Khi phát hiện nhiều sâu nên phun lại 1 - 2 lần nếu cần thiết, cách khoảng 7-10 ngày phun một lần.

3. Bọ xít (Tessaratoma papillosa D.)

+ Tỉa cành để các đợt hoa và đọt non ra tập trung;

+ Dùng vợt bắt trưởng thành vào sáng sớm;

+ Trong tự nhiên có các loài thiên địch của Bọ xít như kiến vàng, ong ký sinh có thể tấn công trứng bọ xít; Bảo vệ thiên địch, tạo điều kiện cho ong ký sinh phát triển: ong ký sinh trứng bọ xít như Anastatus sp. và Ooencyrtus sp.

+ Phun thuốc khi thấy mật độ bọ xít cao, có thể dùng các loại thuốc chứa hoạt chất như: Lambda-cyhalothrin, Cypermethrin, Alpha-cypermethrin,... phun theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

4. Rệp sáp (Pseudococus sp.)

+ Phun nước vào tán cây để rửa trôi rệp;

+ Nên tỉa bỏ những quả bị nhiễm ở giai đoạn đầu để tránh tăng mật độ rệp sáp;

+ Tìm diệt các loại kiến có hại để hạn chế sự lây lan;

+ Hạn chế trồng xen những cây dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, na (mãng cầu), ...;

+ Biện pháp sinh học: có thể dùng dầu neem được chiết xuất từ cây neem (hoặc có thể cây sầu đông) Sử dụng theo sự hướng dẫn trên nhãn sản phẩm để phòng trừ rệp sáp;

+ Phun thuốc khi thấy mật độ rệp cao bằng các loại thuốc chứa hoạt chất như: Dimethoate + Fenvalerate, dầu khoáng,... Khi phun có thể kết hợp các loại chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc.

5. Bệnh thối trái (Phytophthora sp.)

+ Để phòng trị bệnh này nên tỉa bỏ các cành gần mặt đất vì khi quả gần chín sẽ dễ bị nhiễm bệnh từ đất trong mùa mưa. Cần lưu ý cắt bỏ và thu gom các trái bị bệnh rơi rụng trong vườn đem tiêu hủy;

+ Khi bệnh chớm xuất hiện có thể sử dụng một trong các loại thuốc chứa hoạt chất sau: Fosetyl-aluminium, Metalaxyl, các loại thuốc có gốc đồng theo liều lượng khuyến cáo,… phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày tuỳ vào điều kiện thời tiết;

+ Khoảng 30 ngày trước khi thu hoạch nếu trời mưa nhiều nên phun phòng bệnh bằng thuốc chứa hoạt chất như Metalaxyl.

6. Bệnh phấn trắng (Oidium sp.)

+ Tỉa cành, tạo vườn thoáng, ánh sáng xuyên qua được tán lá sẽ hạn chế sự phát triển của bệnh;

+ Phòng trị bệnh bằng cách phun các loại thuốc hoá học chứa hoạt chất như Tetramycin. Nồng độ theo khuyến cáo. Để phòng ngừa bệnh và phòng trị có hiệu quả có thể phun thuốc vào các giai đoạn trước khi ra hoa và ngay khi hoa vừa đậu trái non.

7. Bệnh đốm bồ hóng (Meliola sp.)

+ Không nên trồng dầy, tỉa bớt cành vô hiệu khi tạo tán sau thu hoạch giúp cây thoáng;

+ Dùng thuốc sinh học CNX-TT để phòng ngừa bệnh;

+ Có thể sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất để phòng trị bệnh như: Alpha-Cypermethrin phun theo liều lượng khuyến cáo.

8. Bệnh khô cháy hoa (Phyllostica sp. hoặc Pestalotia sp.)

Nên trồng thưa giúp cây thoáng, ánh sáng xuyên qua tán cây làm giảm độ ẩm sẽ hạn chế được bệnh. Phòng trị bằng các loại thuốc chứa hoạt chất như Difenoconazole hoặc thuốc gốc đồng theo khuyến cáo vào giai đoạn trước khi hoa nở để phòng bệnh./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây