Hiệu quả bước đầu từ dự án chăn nuôi lợn thịt ATSH và áp dụng VietGAP tại Tây Ninh

Thứ ba - 06/01/2015 20:50 144 0

 BSTY: Trần Thanh Sang

Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Trước tình hình đó, nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT mới cho người chăn nuôi, trong năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã triển khai dự án chăn nuôi lợn an toàn sinh học áp dụng quy trình VietGAHP đến người chăn nuôi. Thông qua việc xây dựng mô hình trình diễn, qua các lớp tập huấn, tham quan, hội thảo đã chuyển tải được đầy đủ các nội dung về chăn nuôi ATSH, nhằm giúp bà con hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

  Dự án chăn nuôi lợn an toàn sinh học áp dụng quy trình VietGAHP năm 2014 được triển khai ở 3 huyện là Gò Dầu, Châu Thành, Tân Biên. Gò Dầu và Châu Thành mỗi huyện 3 điểm trình diễn, Tân Biên 4 điểm. Quy mô dự án có 10 hộ tham gia với 100 con heo thịt ( trọng lượng bình quân khi giao giống là 20,95kg/con ), các hộ đều đáp ứng các tiêu chí: có điều kiện tiếp thu tiến bộ kỹ thuật và thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y. Đa số các hộ tham gia điểm trình diễn của dự án đều có hệ thống xử lý chất thải bằng phương pháp bể BIOgas, nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và tận dụng làm chất đốt trong sinh hoạt.

Năm 2014, giá con giống  liên tục biến động vượt cao hơn giá kế hoạch được duyệt, Trung  tâm Khuyến nông phải trình UBND tỉnh phê duyệt lại giá và phải tổ chức đấu thầu hai lần, trong khi đó tình hình chăn nuôi với nguy cơ dịch bệnh cao, giá bán bấp bênh... Tuy nhiên, Dự án đã triển khai đúng tiến độ, thời gian và yêu cầu, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đàn heo theo tiêu chí chăn nuôi an toàn sinh học áp dụng VietGAHP.

Tỷ lệ sống của đàn heo dự án đạt cao tuyệt đối 100% và cao hơn 5% so với yêu cầu (≥ 95%), trong khi đó tỷ lệ sống của đàn heo ngoài mô hình đạt trung bình khoảng 90 - 95%. Tất cả 10 hộ tham gia dự án đều được chủ nhiệm dự án cấp  sổ ghi chép theo dõi đầy đủ các chỉ tiêu như: ngày tháng nhập heo giống, ngày tháng nhận hoặc mua nguyên liệu, thức ăn, bảng ghi chép lượng cho ăn, theo dõi tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng, bảng ghi chép tình hình điều trị bệnh cho heo.

 Áp dụng các điều kiện chăn nuôi: chuồng trại sạch sẽ, áp dụng biện pháp xử lý chất thải bằng hệ thống Biogas, thức ăn đảm bảo số lượng, chất lượng, áp dụng phương thức chăn nuôi và chế độ chăm sóc nuôi dưỡng theo tiêu chí an toàn sinh học và áp dụng VietGAHP. Cụ thể như chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè, có một số hộ sử dụng máng ăn, máng uống tự động, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật, định kỳ phun thuốc sát trùng BioDine (do dự án cấp) và đàn heo được cho ăn, uống chăm sóc, nuôi dưỡng tốt phù hợp với từng giai đoạn nuôi nên heo sinh trưởng phát triển tốt.

  Đàn heo được đơn vị mua từ trại heo giống Hoà Long thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, có nguồn gốc và lý lịch con giống rõ ràng,  đã được tiêm phòng 5 loại vaccin ( Dịch tả, FMD,PRRS,Mycoplasma,Circo virus) và trong thời gian nuôi tuân thủ nghiêm ngặt qui trình vệ sinh thú y theo tiêu chí chăn nuôi an toàn sinh học và áp dụng VietGAHP. Chất lượng heo giống đưa vào áp dụng cho dự án là giống heo lai 3 máu có năng suất và chất lượng thịt cao giúp tăng đáng kể khối lượng xuất chuồng. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại tốc độ tăng trưởng của đàn heo khá tốt.

Dự án mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người chăn nuôi tăng thêm thu nhập. Xây dựng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cho năng suất, chất lượng, hiệu quả. Các hộ chăn nuôi trong vùng đã đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng heo thịt, công tác chọn giống, công tác vệ sinh thú y theo tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học và áp dụng Viet GAHP, từ đó làm cơ sở nhân rộng mô hình ra sản xuất tại các vùng lân cận. Thông qua dự án này, chính quyền địa phương nơi triển khai dự án đã làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi và giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Qua đó, bà con chăn nuôi trong các địa bàn triển khai dự án còn một vài băn khoăn và đề xuất với các cấp, các ngành như: Cần nâng cao hơn nữa mức hỗ trợ cho hộ chăn nuôi theo hướng công nghiệp, các cấp các ngành cần phải có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay. Cần có chính sách liên kết với các cơ sở chế biến TĂGS và các cơ sở giết mổ để đầu ra ổn định hơn, giúp bà con chăn nuôi yên tâm sản xuất./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây