Ngăn ngừa ngộ độc ở cá nóc

Thứ sáu - 07/11/2014 16:45 208 0

  

Lê Vũ Việt Phương

Trên thế giới: bộ cá nóc Tetraodontiformaes có 9 họ, bao gồm trên 400 loài thuộc 13 giống. Trong đó có 243 loài thuộc 4 họ chiếm ưu thế là Ostraciidae, Triodontidae, Tetraodontidae và Diodontidae. Tại Việt Nam, qua thống kê xuất hiện khoảng gần 70 loài khác nhau.

Cá nóc (có nơi gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà,…) với hàng trăm loài trên thế giới: ở Mỹ gọi là pufferfish, ở Nhật Bản gọi là fugu fish,... Tại một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,…Sushi cá nóc là món ăn thượng lưu, được chế biến bởi những đầu bếp đã qua đào tạo bài bản về kỹ thuật chế biến cá nóc.

Cá nóc phân bố chủ yếu ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới, ở nước mặn nhiều hơn nước ngọt. Loại cá nóc độc người dân thường ăn có thân 4 - 40 cm, các, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt vào mùa sinh sản, chất độc đó gọi là tetrodotoxin (TTX). Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1000 lần so với Cyanua. Nhưng bình thường nó tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố Tetrodomin không độc. Khi cá bị ươn hoặc bị va đập, tiền chất Tetrodomin sẽ biến đổi thành chất TTX gây độc.

Vấn đề ngộ độc thực phẩm chứa TTX mà đặc biệt là ngộ độc cá nóc đã và đang là vấn đề bức xúc, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ và tính mạng của người tiêu dùng. Gần đây, một số địa phương như Kiên Giang, Khánh Hòa và Phú Yên đã được chủ trương cho một số công ty, doanh nghiệp thu mua, chế biến cá nóc để phục vụ xuất khẩu, không cho phép tiêu thụ trong nước. Mặt khác, những đơn vị tham gia chế biến xuất khẩu mặt hàng nhạy cảm này phải có đội ngũ nhân viên được tập huấn chuyên về phân loại và cách chế biến mặt hàng cá nóc và có sự giám sát của các chuyên gia phía đối tác nhập khẩu.

Chính vì thế, đối với người dân, để phòng tránh ngộ độc cá nóc, biện pháp tốt nhất là không ăn cá nóc. Không được làm khô, chả hay bột cá nóc thay các loại cá khác để bán. Khi ăn phải cá nghi là cá nóc (có dấu hiệu tê môi, sau đó lan đến tê bàn tay, bàn chân,…) cần tiến hành giải độc ngay giải độc ngay:

Xử lý tại nhà: ngay khi có dấu hiệu đầu tiên như tê môi, tê tay (người bệnh vẫn còn tỉnh).

+ Thứ nhất, gây nôn nhưng phải đề phòng bệnh nhân bị sặc (để bệnh nhân nằm tư thế nghiêng, đầu thấp).

+ Thứ hai, cho uống than hoạt tính theo liều lượng như sau: Người lớn: uống 30g + 250ml nước sạch trộn đều. Trẻ 1-12 tuổi: uống 25g pha với 100-200ml nước sạch trộn đều. Trẻ dưới 1 tuổi: uống 1g/kg trọng lượng pha với 50ml nước sạch trộn đều.

 Sau đó chuyển ngay đến bệnh viện. (Uống than hoạt tính sớm trong vòng 1giờ sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả cao, loại bỏ chất độc nhanh, không nên cho uống khi người bệnh đã hôn mê hay rối loạn ý thức).

Nếu người bệnh có biểu hiện rối loạn ý thức, hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở,... thì tiến hành hà hơi thổi ngạt theo phương thức miệng miệng hay miệng mũi và chuyển gấp đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Đến nay, ngô độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người bị ngộ độc cá nóc bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc cá nóc, biện pháp hữu hiệu nhất là không ăn bất cứ thực phẩm nào được chế biến từ cá nóc.

                                                                                               

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây