I. Giới thiệu một số giống bò
Hiện nay có nhiều bò giống chuyên thịt, xin giới thiệu một số giống bò phù hợp với điều kiện chăn nuôi Tây Ninh như sau:
1. Bò lai Sindhi (bò lai Sind): Màu lông đỏ, vàng sẫm hoặc đỏ cánh gián
Là con lai của bò đực Zê bu (Sindhi, Sahiwal, Brahman) với bò cái ta vàng. Bò lai Sind nếu có nhiều máu Sind thì lớn con, cho nhiều thịt và sữa hơn, khả năng cày kéo tốt. Vai rộng trán gồ, mặt ngắn, tai nhỏ, cổ ngắn, sừng ngắn, yếm lớn kéo dài đến bụng, u vai cao, lưng thẳng. Bầu vú khá phát triển (nếu nhiều máu Sahiwal). Một số đặc điểm cơ bản của bò lai Sind như sau:
- Trọng lượng bò cái trưởng thành: 250 -3 00 Kg.
- Trọng lượng bò đực trưởng thành: 400 - 450 Kg.
- Tỷ lệ thịt xẻ: 49,6% so với trọng lượng hơi.
2. Bò Red Sindhi (bò Sind): màu lông đỏ cánh gián, có mảng tối ở cổ, u vai
Có nguồn gốc từ Pakistan (Pa-Ki-xtan). Bò chịu được kham khổ. Bò có u cao, yếm thõng. Bò nhập vào nước ta từ năm 1923 và các năm tiếp theo, thường được nông dân cho lai tạo với bò vàng tạo ra bò lai có nhiều ưu điểm: vóc dáng cải thiện đáng kể, sức cày kéo tốt, con cái mắn đẻ và sản lượng sữa hơn hẳn bò vàng nên được người dân ưa chuộng. Nhược điểm: thuộc nhóm có kích cỡ nhỏ.
- Trọng lượng bò cái trưởng thành: 300 - 350 Kg.
- Trọng lượng bò đực trưởng thành: 400 - 450 Kg.
- Trọng lượng bê đực 18 - 20 tháng tuổi: 300 Kg.
- Tỷ lệ thịt xẻ: 48 - 50 %.
- Khoảng cách lứa đẻ: 13 - 18 tháng.
- Sản lượng sữa: 2.000 - 5.000 lít/chu kỳ, tỷ lệ mỡ sữa: 4 - 5 %.
3. Bò Brahman (Bra-man): màu lông đỏ hoặc trắng
Nguồn gốc: Do Mỹ lai tạo và tuyển chọn. Bò có ngoại hình chắc khỏe, hệ cơ bắp phát triển, u cao, yếm thõng, tai to dài cụp xuống. Ưu điểm: năng suất thịt cao, thích nghi tốt với khí hậu nóng ẩm, có khả năng sử dụng thức ăn thô tốt, bò cái mắn đẻ và dễ đẻ, bê đực có khả năng tăng trọng tốt. Nhược điểm: Bò cái năng suất sữa thấp, hiệu quả sinh sản không cao.
- Trọng lượng bò đực trưởng thành: 800 - 1.000 kg.
- Trọng lượng bò cái trưởng thành: 450 - 500 kg.
- Tỷ lệ thịt xẻ: 52 - 55 %.
- Sản lượng sữa thấp: 600 - 700 kg/chu kỳ.
4. Bò Sahiwal:
Bò có màu da từ vàng sẫm đến nâu đỏ, mõm và lông mi có màu sáng.
Bò có nguồn gốc từ Pakistan, thuộc nhóm có kích cỡ trung bình. Bò có u cao, yếm thõng.
- Trọng lượng bò cái trưởng thành: 320 - 370 kg.
- Trọng lượng bò đực trưởng thành: 470 - 520 kg.
- Tỷ lệ thịt xẻ: 51 - 55 %.
- Khoảng cách lứa đẻ: 13 - 18 tháng.
- Sản lượng sữa: 2.700 lít/chu kỳ, tỷ lệ mỡ sữa: 5 - 6 %.
5. Bò Angus(Ăng-gớt): Bò có lông màu đen hoặc đỏ
Nguồn gốc: Scotland (Xcốt-len), thuộc nhóm bò thịt ôn đới. Bò thường không có sừng, con lai F1 với giống khác luôn luôn không có sừng. Nuôi chăn thả.
- Trọng lượng bò đực trưởng thành có thể đạt 1.000 kg.
- Trọng lượng bò cái trưởng thành: 550 - 650 kg.
- Tỷ lệ thịt xẻ: 65 - 67 %.
II. Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao
1. Chọn giống:
Để tạo bò lai hướng thịt chất lượng cao cần phải chọn những con bò cái có trọng lượng từ 220 kg trở lên, khoẻ mạnh, không bệnh tật, có khả năng sinh sản tốt (chọn ngoại hình) phối giống trực tiếp hoặc gieo tinh nhân tạo với bò đực trong nhóm Zê bu (Sind, Sahiwal…) hoặc các giống bò chuyên thịt như Angus...
2. Phối giống cho bò:
Đặc điểm sinh sản chung của bò:
- Tuổi bắt đầu phối giống: 24 tháng tuổi.
- Thời gian sử dụng để sinh sản: 8 - 10 năm.
- Thời gian mang thai: 280 - 290 ngày.
- Thời gian động dục trở lại sau khi đẻ: 60 - 90 ngày.
- Chu kỳ động dục: trung bình 20 ngày (17 - 23 ngày).
Những biểu hiện chủ yếu khi bò động dục:
Thời gian động dục của bò cái 24 - 36 giờ có thể chia làm 3 giai đọan:
a. Giai đoạn bắt đầu động dục (6 - 10 giờ ):
- Con vật ngơ ngác, kêu rống, chạm sừng nhau, thích gần và thích hít và ngửi âm hộ con khác.
- Không cho bò khác nhảy lên.
- Âm hộ sưng, hơi mở, có màu hồng.
b. Giai đoạn giữa động dục:
- Con vật hưng phấn cao độ thích nhảy lên con khác. Sau đứng yên để con khác nhảy lên.
Biểu hiện đặc trưng của bò động dục trong giai đọan giữa động dục:
- Thích nhảy lên con khác:
- Âm hộ hơi mở có màu đỏ hồng.
- Niêm dịch keo dính, màu trắng tạo thành dòng.
- Ăn uống ít hoặc không chịu ăn.
c. Giai đoạn cuối của động dục (6 - 10 giờ)
- Không cho con khác nhảy lên.
- Ăn uống trở lại bình thường.
* Thời điểm phối giống thích hợp nhất?
- Bò cái động dục đứng yên cho bò khác nhảy lên (bò chịu đực).
- Âm hộ nhỏ dần lại, niêm mạc chuyển từ màu đỏ hồng sang nhạt.
- Niêm dịch keo dính.
Phối giống cho bò
Khi bò động dục có thể phối giống bằng 2 phương pháp:
a. Thụ tinh nhân tạo:
Gia đình báo cho dẫn tinh viên đến thụ tinh cho bò. Để cải thiện tầm vóc cho bê con, bà con nên gieo tinh bò đực giống: Sind; Sahiwal; Brahman hoặc Angus.
b. Cho bò nhảy trực tiếp:
Nếu không có dẫn tinh viên, gia đình tìm bò đực Bô thuộc nhóm giống Zebu (Sind, Sahiwal, Brahman) thuần hay chọn bò đực to khỏe, ngọai hình đẹp cho nhảy trực tiếp.
Chú ý: Không cho bò đực cóc (còi cọc, nhỏ con) nhảy. Phải thiến những bò đực cóc nhỏ con. Dễ bị lây nhiễm bệnh từ bò đực (nếu bò đực bị bệnh).
3. Kiểm tra kết quả phối giống và chăm sóc bò cái chửa
Sau khi phối giống, thấy bò cái không động dục trở lại, hay ăn, ngủ nhiều, bầu vú phát triển, bụng to ra… là những biểu hiện nghi bò có chửa.
*Chăm sóc bò cái chửa
Bò cái chửa cần được ăn uống đầy đủ, mỗi ngày cần khẩu phần: 30 - 35 kg cỏ tươi, 2 kg rơm ủ, 1 - 1,5 kg thức ăn tinh (bắp, cám, …), 25 - 30 gr muối, 30 - 40 gr bột xương.
Cho ăn, uống theo đủ tiêu chuẩn khẩu phần quy định. Cho ăn rơm, cỏ tại chuồng trước lúc chăn thả buổi sáng. Tránh thay đổi thức ăn đột ngột, không xua đuổi khi chăn thả, không dùng thuốc sát trùng, thuốc kích thích cho bò trong giai đoạn này. Cho bò ăn thêm cỏ tươi vào buổi chiều tối.
Trước khi đẻ 2 tháng: Bò thường hay xảy thai vào giai đoạn này, do đó phải được nhốt riêng. Không tiêm thuốc kích thích và tiêm phòng vaccin, chăn thả tại bãi gần chuồng, bãi chăn bằng phẳng, cho ăn thức ăn tươi ngon, dễ tiêu. Trước khi đẻ 7 - 10 ngày cho bò ở tại chuồng riêng chờ đẻ và tiến hành trực bò đẻ cả ngày và đêm, ăn uống đầy đủ, cho đi lại tại sân chơi hoặc tại ô chuồng nhốt.
Triệu chứng bò sắp đẻ: Bò có hiện tượng sụt mông, bầu vú căng, đầu vú chĩa về hai bên, niêm dịch treo lòng thòng ở mép âm môn, đau bụng, đứng lên nằm xuống, chân cào đất, ỉa, đái nhiều lần, khi bắt đầu đẻ bọc ối thò ra ngoài trước.
4. Chăm sóc nuôi dưỡng bò mẹ và bê con:
a. Nuôi dưỡng bò mẹ: Cần phải đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bò mẹ nuôi con (tiết sữa cho con). Khẩu phần dinh dưỡng cho 1 con mẹ sinh sản tính như sau:
- 15 - 20 ngày đầu sau khi đẻ cho bò mẹ ăn 1,0 - 1,5 kg thức ăn tinh/con/ngày và 25 - 30 gr muối ăn, 30 - 40 gr bột xương, lượng thức ăn thô xanh bổ sung tại chuồng từ 12 - 15 kg/con/ngày và rơm ủ với Ure 4% từ 2 - 3 kg /con/ngày.
- Những ngày sau, trong suốt thời gian nuôi con, một ngày cho bò mẹ ăn 30 kg cỏ tươi, 2 - 3 kg rơm ủ, 1 - 2 kg cám hoặc thức ăn tinh hỗn hợp để bò mẹ phục hồi sức khoẻ, nhanh động dục lại để phối giống.
b. Nuôi bê con:
- Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi bê được nuôi ở nhà, cạnh bò mẹ. Luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa, chỗ bê nằm khô, sạch. Cho bê bú trực tiếp sữa mẹ 4 - 5 lần/ngày, chăn thả theo mẹ.
- Trên 1 tháng tuổi, giảm bú sữa mẹ, chăn thả theo bò mẹ ở bãi gần chuồng, tập cho bê ăn cỏ non và thức ăn tinh.
- Từ 3 - 6 tháng tuổi: cho 5 - 10 kg cỏ tươi và 0,2 kg thức ăn tinh hỗn hợp. Tập cho bê ăn cỏ khô. Nên cai sữa bê vào khoảng 6 tháng tuổi.
- Từ 6 - 22 tháng tuổi: chăn thả là chính (7 - 8 giờ/ngày), mỗi ngày cho ăn thêm 10 - 20 kg cỏ tươi, ngọn mía, cây bắp non, 1 - 2 kg thức ăn tinh hỗn hợp, cho bò liếm đá liếm tự do. Mùa thiếu cỏ có thể cho ăn thêm 2 - 4 kg cỏ khô một ngày. Cung cấp đầy đủ nước nhưng phải đảm bảo sạch, không có hoá chất độc hại.
- Từ 22 - 24 tháng tuổi: nuôi vỗ béo với khẩu phần 30 - 40 kg cỏ tươi, 1 - 2 kg rơm, 0,5 - 1 kg thức ăn tinh, đá liếm. Giai đoạn này: tăng trọng nhanh, tích mỡ, thịt ngon.
Chú ý: Đảm bảo luôn đủ nước sạch trong máng cho bê uống. Cần phải tẩy giun sán trước khi vỗ béo bê. Cần phải tập cho bê ăn thức ăn hỗn hợp và tảng liếm mỗi bữa 1 ít để bê làm quen dần với thức ăn.
5. Chuồng trại: Chuồng trại chăn nuôi bò thịt phải đảm bảo các yếu tố như sau:
- Đông ấm, hè mát, nền chuồng không trơn trượt, diện tích từ 4 - 5 m2/con; thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng. Chuồng có thể xây 1 dãy hoặc 2 dãy. Có thể tận dụng các vật liệu sẵn có như tranh, tre ... để làm chuồng nhằm hạ giá thành. Nếu nuôi nhiều bò (từ 05 con trở lên) thì cần phải xây dựng hầm biogas để bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời có khí để đun nấu và thắp sáng.
6. Trồng cỏ: Trong chăn nuôi bò lượng thức ăn thô xanh chiếm từ 85 - 90% khẩu phần ăn hàng ngày, do đó các hộ cần phải dành diện tích đất để trồng một số giống cỏ có năng suất chất lượng cao như: Cỏ voi, Ghi nê, Ru zi, Sty lô, cỏ VA06...
Dự trữ các loại rơm rạ, cỏ khô hoặc tiến hành ủ chua để làm thức ăn cho bò trong vụ đông xuân.
7. Phòng chống dịch bệnh: Thực hiện tốt lịch tiêm phòng các loại bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, ... theo quy định của ngành thú y đề ra. Định kỳ tẩy giun, sán (sán lá gan, sán dạ cỏ, ...) cho bò bằng các loại thuốc đặc hiệu như dùng thuốc tẩy giun Levamisol với liều lượng 1ml/8 - 10 kg trọng lượng bò hơi; thuốc tẩy sán Dextil B với liều 1 viên thuốc dùng cho 75 kg trọng lượng bò hơi, phòng trị các loại bệnh ký sinh trùng đường máu cho bò.
Ngoài ra, tiến hành vệ sinh tiêu độc sát trùng định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng bằng cách phun các loại thuốc sát trùng chuồng trại, sát trùng dụng cụ chăn nuôi, vật dụng và phương tiện vận chuyển.
Khi có dịch xảy ra thực hiện tiêu độc, khử trùng một tuần 2 lần, liên tục cho đến khi hết dịch.
Sau mỗi khi xuất bán phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng trong thời gian tối thiểu là 7 ngày trước khi nuôi mới.
Trong chăn nuôi nói chung, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nói riêng nếu các hộ thực hiện đúng, đủ các biện pháp kỹ thuật tổng hợp sẽ phát triển chăn nuôi bền vững và mang lại hiệu quả cao./.
Phòng Chăn nuôi
Ý kiến bạn đọc