Hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh covid-19

Thứ tư - 10/06/2020 18:00 327 0

Ngày 12/3/2020, tại đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có đồng chí Võ Đức Trong – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đến dự có đại diện các lãnh đạo sở, ngành tỉnh: Văn phòng UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương Binh và Xã hội, Công thương, Hội Nông dân, Liên Minh Hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp; Doanh nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố;  phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.


Trong gần 3 tháng qua, dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực cho ngành nông nghiệp. Minh chứng rõ nhất là nhiều mặt hàng nông sản không thể xuất khẩu, tiếp tục sử dụng giải pháp tình thế là kêu gọi người tiêu dùng giải cứu. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ sát cánh cùng các địa phương phát triển thị trường mới cho các mặt hàng nông sản chủ lực, có khả năng cạnh tranh như vải Bắc Giang, tôm Bạc Liêu…

Trong khi đó hai tháng đầu năm 2020 cả nước đã gieo cấy đạt khoảng 3 triệu ha lúa Đông Xuân; Cây ngô gieo trồng được 185 ha ngô; Đối với ngành chăn nuôi đã tiếp tục kiểm soát tốt Dịch tả lợn Châu Phi, 97% số xã không còn dịch sau 30 ngày, nhiều địa phương đã công bố hết dịch và bắt tay vào tái đàn khôi phục sản xuất. Thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng cao, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ những băn khoăn, trăn trở về sự vượt khó tồn tại và phát triển, tìm hướng đi mới cho hiện nay. Theo Bộ trưởng, kết luận chỉ đạo 4 vấn đề như sau:

Ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng tăng tốc sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Cần tập trung thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn, cung ứng thực phẩm trong mọi hoản cảnh; tập trung các biện pháp khống chế dịch bệnh không để phát sinh, không để thực phẩm leo giá và đặc biệt, không để tình trạng trục lợi. Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, tìm thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu sau dịch bệnh được kiểm soát.

Duy trì ổn định sản xuất, chuẩn bị, sẵn sàng mọi điều kiện để phát triển sản xuất sau dịch bệnh. Tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng trong tình hình hiện nay, phát triển liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản…

Các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp phải tích cực vào cuộc cùng người dân, tăng cường chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi. Trước mắt các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và bộ, ngành, địa phương phải chung tay kìm chế giá thịt lợn, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân, vệ tinh là các HTX và người nông dân.

Tiếp tục tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Bố trí nguồn lực hợp lý cho tái cơ cấu lại sản xuất, đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn lợn, ổn định thị trường, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, có chính sách hỗ trợ người dân tái đàn; Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao xuất khẩu.

Trung tâm Khuyến nông./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây