Mô hình xen canh cây ngắn ngày trong vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Tân Châu

Thứ năm - 10/06/2021 16:00 1.514 0

Trong những năm gần đây do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, tình hình dịch bệnh trên cây trồng ngày càng nhiều, các loại cây trồng truyền thống tại địa phương như mía, mì, cao su …được người dân đầu tư sản xuất nhưng hiệu quả mang lại không cao, giá trị thu được trong quá trình đầu tư canh tác còn rất thấp, chưa thực sự phát huy hết tiềm năng khai thác và sử dụng đất một cách hiệu quả.

Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng chính quyền huyện Tân Châu nói riêng, đã chủ động khảo sát, đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các vùng đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác và đã được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ, trên địa bàn huyện Tân Châu hiện nay đã và đang hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung như chuối, sầu riêng, mít, bưởi, bơ…


Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn như: các mô hình cây ăn quả có vốn đầu tư ban đầu lớn, thời kì kiến thiết cơ bản dài,…Để khắc phục những khó khăn trên, nông dân đã tiến hành trồng xen canh các loại cây ngắn ngày nhằm "lấy ngắn nuôi dài", phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất.

Điển hình như hộ ông Lê Văn Nhàn, ngụ tại xã Tân Phú, huyện Tân Châu, người đã mạnh dạn chuyển đổi trên 70 ha đất sản xuất cây mía, khoai mì và lúa sang trồng thâm canh cây mít thái lá bàng cho biết: nhận thấy cây mít thái lá bàng là loại cây ăn quả có tiềm năng kinh tế cao so với các loại cây trồng truyền thống, niên vụ 2019-2020 ông đã tiến hành chuyển đổi sang trồng mít thái lá bàng. Tuy nhiên, do cây mít thái lá bàng là loại cây ăn quả lâu năm, thời gian trồng đến khi thu hoạch khoảng trên 2 năm, do vậy nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, ông tiến hành trồng xen cây củ đậu với mục đích lấy ngắn nuôi dài.


Việc trồng xen canh này vừa giúp tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giảm được thời gian vun xới đất và làm cỏ, nhưng gốc mít vẫn thông thoáng, giúp cây có thể phát triển nhanh chóng, vừa tạo ra nguồn thu nhập tương đối cao. Cây củ đậu thu hoạch sau 4,5 tháng trồng, năng suất đạt bình quân từ 45 đến 50 tấn/ha, với giá bán dao động từ 4.500 đến 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt trên 80 triệu đồng/ha. Phần dây củ đậu còn có thể sử dụng để làm phân hữu cơ. Việc trồng xen củ đậu vào vườn mít đã giúp cho khâu chăm sóc đạt hiệu quả cao hơn, cây mít sinh trưởng và phát triển nhanh, khỏe mạnh. Thời gian tới, ông dự định tiếp tục trồng xen thêm 15 ha củ đậu trong vườn mít.

Trồng xen canh cây ngắn ngày trong vườn cây ăn trái là mô hình tuy không mới nhưng mang lại hiệu quả cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, từ mô hình giúp nông dân thấy được những mặt có lợi, những ưu điểm khi áp dụng thực hiện trồng xen canh "lấy ngắn nuôi dài", góp phần tạo độ phì cho đất, cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, giúp người dân sản xuất tự tin và mạnh dạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh../

Trung tâm Khuyến nông

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây