Theo số liệu thống kê năm 2019, tổng diện tích cây trồng hàng năm tỉnh Tây Ninh đạt 257.745 ha, giá trị sản xuất đạt 19.569 tỷ đồng, trong đó cơ cấu cây trồng tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét theo hướng hình thành những vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến.
Bên cạnh các loại cây ăn trái tiềm năng, có giá trị kinh tế cao như: nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, bưởi, mít, chuối… thì trong những năm gần đây, trồng hoa lan cũng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tổng diện tích trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh khoảng 187 ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Trảng Bàng và Tân Châu. Bên cạnh các loại hoa lan đã được trồng phổ biến như Dendrobium, Mokara, Hồ điệp… thì lan Ngọc điểm đang phát triển mạnh vì tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, lan cho hoa rất đẹp với nhiều màu sắc đỏ, vàng, cam, hồng, tím, vàng xanh... nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lan cho nông dân
Ông Hạnh chia sẻ: chi phí đầu tư ban đầu để trồng lan Ngọc điểm rất cao, khoảng 700 triệu đồng/1.000m2, bao gồm chi phí giống, nhà màng, hệ thống tưới…, giàn trồng chỉ phải đầu tư một lần, lưới che có độ bền từ 5-6 năm. Đây là loại lan có giá trị kinh tế rất cao, cây càng lớn giá trị càng nhiều, chỉ cần bỏ công chăm sóc, không phải lo lắng nhiều về thiệt hại do khả năng thích nghi của lan rất tốt. Lan Ngọc điểm sau khi trồng 18 tháng là có thể thu hoạch bán ra thị trường dưới hình thức bán cây giống, được thương lái đến tận vườn thu mua để tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả xuất khẩu ra nước ngoài, với giá bán ra từ 300.000- 350.000 đồng/kg, trong 2 năm đầu sau khi trừ hết chi phí đầu tư, người trồng có lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng/1.000m2/vụ. Ngoài việc là tấm gương tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều năm liên tiếp ông Lê Duy Hạnh còn giúp nông dân trong và ngoài tỉnh làm giàu từ mô hình này. Chỉ riêng trong năm 2018-2019, ông Hạnh đã chia sẻ giống, kinh nghiệm trồng, chăm sóc và thu mua lại sản phẩm cho hơn 40 hộ nông dân, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân trồng Lan.
Để hỗ trợ nông dân được tiếp cận với thông tin kỹ thuật, tuyên truyền nhân rộng mô hình hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chia sẻ kinh nghiệm đến các hộ nông dân trồng Lan; tổ chức tham dự hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại để tìm kiếm thêm thị trường trường tiêu thụ cho loài lan này. Nhiều năm qua, mô hình trồng lan của ông Hạnh đã được nhiều nông dân trong và ngoải tỉnh biết đến và lựa chọn làm điểm đến để tham quan, học tập kinh nghiệm trồng lan. Hiện tại, trên địa bàn xã Tân Hà, huyện Tân Châu đã có trên 60 hộ trồng lan Ngọc điểm với diện tích trên 10 ha, giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã tăng thêm thu nhập, cuộc sống của người dân vùng biên giới này nhờ đó cũng khá lên từng ngày.
Trung tâm Khuyến nông./.
Ý kiến bạn đọc