BÁO CÁO TÌNH HÌNH RỆP SÁP HỒNG HẠI MÌ (SẮN) TẠI TÂY NINH VÀ VIỆC NHÂN NUÔI ONG KÝ SINH ANAGYRUS LOPEZI

Thứ tư - 02/10/2013 22:25 178 0

 I. Tình hình sản xuất cây mì (sắn) tại tỉnh Tây Ninh

            Tại Tây Ninh, cây mì là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích sản xuất hàng năm khoảng 45.000 ha và củ mì chủ yếu dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

            Tính đến ngày 19/9/2013, diện tích canh tác mì toàn tỉnh là 33.481 ha, gồm: vụ Đông xuân 2012-2013 là 20.567 ha, đa số diện tích được thu hoạch với năng suất bình quân đạt 29 tấn/ha; vụ Hè thu trồng 9.854 ha và vụ Thu đông mới xuống giống 2.253 ha. Mì được trồng hầu hết tại 9 huyện/thị trong tỉnh, trong đó các huyện có diện tích trồng nhiều là Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu và Thị xã Tây Ninh.

            Một số giống mì được trồng phổ biến tại Tây Ninh gồm: KM 419, KM 98-1, KM98-5, KM94(MKUC), MO 101,…

 

II. Tình hình rệp sáp hồng hại mì tại Tây Ninh

            Tại Tây Ninh, đa số diện tích mì đều được canh tác trên các vùng đất khô hạn, thiếu nước, đặc biệt chịu ảnh hưởng thời tiết nắng nóng là điều kiện để rệp sáp hồng (còn gọi là rệp sáp bột hồng) phát sinh gây hại thành dịch với các mức tỷ lệ hại từ nhẹ - nặng.

            Rệp sáp hồng là đối tượng dịch hại mới và nguy hiểm, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam vào năm 2012 và Tây Ninh là tỉnh đầu tiên phát hiện đối tượng dịch hại này.

            Năm 2012, toàn tỉnh đã có 168,7 ha mì nhiễm rệp sáp hồng. Phân theo mức độ hại: 84,7 ha nhiễm dưới 15% và 84 ha nhiễm từ 30 – 70%. Phân bố tại 19 xã, thị trấn thuộc 5 huyện/thị trồng mì nhiều của tỉnh là Tân Biên (51,8 ha), Dương Minh Châu (45 ha), Thị xã (37,7 ha), Tân Châu (25,9 ha) và Châu Thành (8,3 ha).

            Năm 2013, tính đến tháng 6, số diện tích mì nhiễm rệp sáp hồng trên toàn tỉnh được thống kê là 1.142,6 ha. Phân theo mức độ hại: 694,7 ha nhiễm dưới 30%, 345 ha nhiễm từ 30 – 70% và 102,9 ha nhiễm trên 70%. Phân bố tại 38 xã, thị trấn thuộc 8 huyện, thị (riêng huyện Trảng Bàng chưa phát hiện), trong đó: Tân Châu (303,2 ha), Thị xã (161 ha), Dương Minh Châu (300 ha), Tân Biên (140,9 ha), Châu Thành (175,3 ha), Hòa Thành (16 ha), Bến Cầu (26,2 ha) và Gò Dầu (20 ha). Rệp sáp hồng phát sinh, lây lan và gây hại mạnh trong các tháng mùa khô  từ  tháng 2 – 5 năm 2013. Từ tháng 7 đến nay tình hình rệp sáp hồng trên đồng đã giảm mạnh, mật số rất thấp, rải rác không đáng kể; số diện tích bị nhiễm rệp trước đây hiện nay đã phục hồi phát triển bình thường (440,2 ha) và đã thu hoạch (702,4 ha). Theo đánh giá ban đầu:

            + Trên ruộng mì nhiễm rệp sáp hồng đã phát hiện ong ký sinh Anagyrus lopezi và một số thiên địch khác như bọ cánh gân, bọ rùa,...

            + Thời tiết có mưa nhiều trong các tháng 6, 7, 8 năm 2013;

            + Giá củ mì trên thị trường luôn tăng cao nên nông dân tập trung đầu tư thâm canh, chăm sóc, …

 

III. Công tác điều tra diễn biến tình hình rệp sáp hồng, thành phần loài thiên địch

            Từ tháng 7/2013 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành điều tra diễn biến tình hình rệp sáp bột hồng và thành phần loài thiên địch trên đồng định kỳ 02 lần/tháng.

            Địa điểm điều tra: Xã Thạnh Tây – Tân Biên (giống KM 98), xã Ninh Sơn – Thị xã (giống KM 94) và xã Suối Đá – Dương Minh Châu (giống KM 98).

            Điểm điều tra: Một xã bố trí 10 điểm điều tra cố định trên cùng một cánh đồng và cùng loại giống. Mỗi điểm điều tra ngẫu nhiên 10 cây.

Kết quả điều tra như sau:

            - Diễn biến tình hình rệp sáp hồng trên đồng: Rệp sáp hồng xuất hiện rải rác, mật số rất thấp trên cả 3 điểm điều tra. Hầu như không phát hiện có rệp trên cây điều tra, cục bộ một vài cây có rệp với mật số 1 – 2 con/cây.

            - Thành phần loài thiên địch của rệp sáp hồng tại các điểm điều tra: Ghi nhận có các loài thiên địch xuất hiện phổ biến trên đồng như ong ký sinh Anagyrus lopezi, bọ rùa, kiến 3 khoang….. Hiện nay, cây mì sinh trưởng phát triển tốt, mật số rệp sáp hồng trên đồng giảm mạnh nên các loài thiên địch cũng giảm mật số và xuất hiện rải rác. Riêng điểm điều tra tại huyện Dương Minh Châu, mật số bọ rùa và kiến 3 khoang cao hơn những điểm điều tra khác, ước tính từ 1-2 con/m2. 

IV. Tình hình nhân nuôi Ong Anagyrus lopezi để kiểm soát rệp sáp hồng

Từ đầu tháng 6/2013, Chi cục Bảo vệ Thực vật tiến hành thử nghiệm việc nhân nuôi nguồn rệp sáp hồng thuần làm thức ăn nhân nuôi ong Anagyrus lopezi; xác lập quy trình nhân nuôi phù hợp điều kiện thực tế tại Tây Ninh.

Hiện tại mùa mưa nên tình hình rệp sáp hồng trên đồng giảm mạnh nhưng khi bước vào mùa khô tới vào cuối năm 2013 – 2014 khả năng tình hình rệp sáp hồng diễn biến phức tạp. Chi cục đang cố gắng khắc phục khó khăn, vừa học vừa làm, tập trung việc nhân nuôi, tích lũy nguồn ong để phóng thích ra đồng ruộng khi thời tiết chuyển sang mùa khô và ngoài đồng bắt đầu xuất hiện rệp sáp hồng để ong sinh sống, đồng thời thiết lập quần thể phát tán. Năm 2014 – 2015  sẽ mở rộng quy mô nhân nuôi và phóng thích ra đồng nhằm kiểm soát rệp trên diện rộng.

Kết quả:

- Đang trong giai đoạn thử nghiệm việc nhân nuôi dòng rệp sáp thuần làm thức ăn cho ong ký sinh và nuôi tích lũy nguồn ong. Xác lập quy trình nhân nuôi được 60%, dự kiến hoàn thành quy trình hoàn chỉnh vào tháng 10/2013.

- Đã có được nguồn rệp sáp hồng thuần lứa thứ 2 đang được nhân nuôi, tích lũy dần tại nhà lưới của chi cục. Tuy nhiên số lượng sinh khối  rệp đạt chưa cao, còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong môi trường thức ăn từ cây mì và bước đầu chưa thành công từ bí đỏ.

-  Đã thu được số lượng ong nhân nuôi đầu tiên trong lồng lưới (150 cặp từ 05 cặp ban đầu). Hiện đang thu lứa ong thứ 2 và sẽ nhân mật số ong để phóng thích ra đồng vào mùa khô năm 2013 – 2014.

 

Trong quá trình thực hiện có một số thuận lợi, khó khăn như:  

* Thuận lợi:

            - Nguồn ong Anagyrus lopezi đã có sẵn trên đồng ruộng và được phát hiện từ đầu tháng 5/2013, qua điều tra sơ bộ đã phát hiện có sự hiện diện của ong ký sinh trên một số ruộng trồng mì tại các xã như Ninh Sơn, Thạnh Tân, Tân Bình thuộc Thị xã Tây Ninh; xã Thạnh Tây huyện Tân Biên; xã Thanh Điền huyện Châu Thành. Trong thời gian tới khi có diện tích mì nhiễm rệp sáp hồng sẽ tiến hành điều tra bổ sung tại địa bàn các xã khác.

            -   Tại lớp huấn luyện nhân nuôi ong ký sinh cho cán bộ kỹ thuật các tỉnh và trung tâm vùng vào cuối tháng 5/2013, chuyên gia mang nguồn ong từ Thái Lan sang thả bổ sung nguồn ong trên đồng tại xã Ninh Sơn – Thị xã.

            -  Được chuyên gia hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật; tổ chức FAO hỗ trợ trang bị nhà lưới để nhân nuôi.

* Khó khăn:

            Công việc nhân nuôi rệp sáp hồng và ong rất mới, vừa nghiên cứu quy trình vừa nhân nuôi nên quá trình nhân nuôi còn chậm.

            1. Về công tác chuẩn bị, tổ chức:

-  Mới tiếp nhận kỹ thuật nhân nuôi (lý thuyết) vào cuối tháng 5 nên mọi công việc còn mới lạ, cán bộ kỹ thuật đang thử nghiệm việc nhân nuôi dòng rệp sáp thuần và nguồn ong ký sinh; tìm hiểu để xác lập thành quy trình nhân nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại Tây Ninh.

-  Còn thiếu một số trang thiết bị cần thiết phục vụ việc nhân nuôi.

-  Thời tiết mùa mưa không thuận lợi để nhân số lượng rệp và việc thu thập nguồn rệp bổ sung về nhân nuôi cũng gặp khó khăn do mật số rệp trên đồng rất thấp.

2. Trong môi trường thức ăn nuôi rệp là cây mì:

- Nhiệt độ trong nhà lưới cao – là điều kiện thuận lợi không chỉ rệp sáp hồng mà các loại côn trùng chích hút khác phát triển mạnh và nhân nhanh mật số như: nhện đỏ, bọ phấn và một số loài rệp sáp khác như: rệp sáp thường, Jack Beardsley mealybug (Pseudococcus jackbeardsleyi), Papaya mealybug (Paracoccus marginatus). Nên khó kiểm soát được cây mì sạch dịch hại trước khi nhiễm rệp.

- Thời tiết mưa nhiều, tạo ẩm độ cao về đêm, kết hợp sau mưa thời tiết có nắng nhiệt độ trong nhà lưới cao là điều kiện thuận lợi cho nhóm nấm và vi khuẩn gây bệnh phát triển, lây lan nhanh.

- Nhân ong ký sinh từ rệp nuôi trên cây mì việc thu bắt gặp trở ngại do ong có kích thước rất nhỏ lẫn trong tán lá mì, thành chậu.

3. Về quá trình nhân nuôi rệp sáp hồng trên bí ngô:

Bí ngô không phải là thức ăn của rệp sáp hồng nên bước đầu thực hiện gặp nhiều khó khăn và hầu như chưa thành công trong việc nhân nuôi rệp sáp hồng trên môi trường thức ăn từ bí, cụ thể như:

- Không đủ kinh phí xây dựng phòng tối, trong khi yêu cầu quá trình nhân nuôi cần có nên dùng lưới che mát màu đen che chắn tạm thời, thiếu hệ thống thông gió để giảm nhiệt. Do vậy trong môi trường phòng tối tạm điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao dẫn đến bí nhanh thối, nhiễm nấm làm hư hại nhiều.

- Rệp tuổi 1 di chuyển nhiều và không sống trên bí chín sinh lý nhưng vỏ quả còn màu xanh. Thử nghiệm nuôi rệp tuổi 1 trên trái bí non, thì gặp phải vấn đề: bí non có thể bị nhiễm thuốc BVTV nên hầu hết rệp bị chết; bí non thời gian lưu trữ ngắn, nhanh thối nên không đảm bảo đủ vòng đời của rệp và thời gian ký sinh của ong. Trái bí có vỏ sần sùi rệp sinh sống nhiều hơn, trên thực tế rất ít loại bí này,  chủ yếu là bí có vỏ trơn láng.

    4. Về cơ sở vật chất phục vụ việc nhân nuôi:

Còn thiếu một số trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết thực hiện việc nhân nuôi:

- Phòng tối nhân nuôi rệp sáp hồng trên bí ngô (9m2).

- Nhà lưới trung loại 6 m2 để nhân rệp trên mì và kèm theo kệ đặt mì, nền đặt lồng.

- Lồng lưới nhỏ 0,64 m2 phục vụ nuôi ong, kèm theo kệ để bí 3 tầng đặt trong lồng lưới.

- Tủ định ôn để lưu giữ, tích lũy nguồn ong ký sinh số lượng nhiều cần cho phóng thích (lưu giữ nguồn ong ở nhiệt độ 15oC được khoảng 1 tháng).

- Hệ thống tưới phun mưa phục vụ việc trồng mì.

V. Đề xuất, kiến nghị

            Quản lý rệp sáp hồng bằng sinh học, trong đó nhân thả ong ký sinh Anagyrus Lopezi là biện pháp kiểm soát rệp sáp hồng hiệu quả và bền vững nhất trong nhiều năm qua trên thế giới và điển hình là Thái Lan đã thực hiện thành công trên diện rộng từ năm 2010 đến nay. Tây Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam áp dụng biện pháp này nên bước đầu thực hiện công việc còn chậm do vừa học vừa làm, nguyên nhân khách quan tác động, … Chi cục Bảo vệ thực vật đang cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn chỉnh quy trình nhân nuôi phù hợp, tập trung nhân nuôi, tích lũy nguồn ong để phóng thích ra đồng. Do vậy kính đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho đơn vị thời gian thực hiện việc nhân, thả ong ký sinh ra đồng để kiểm soát rệp sáp hồng hại mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo lộ trình: Cuối năm 2013 sẽ phóng thích ra đồng thử nghiệm một số diện tích và có đánh giá hiệu quả phòng trừ ; từ kết quả, kinh nghiệm thực hiện ở năm 2013 sẽ tiến hành mở rộng quy mô nhân nuôi vào ngay từ đầu năm 2014 và các năm tiếp theo, phương hướng tới sẽ chuyển giao việc nhân nuôi cho cấp huyện hoặc tổ nhóm hộ nông dân thực hiện./. 

 

           

   KT.CHI CỤC TRƯỞNG

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây