Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là một chủ trương đúng đắn, cần thiết của Đảng và Nhà nước ta nhằm giải quyết vấn đề lao động - việc làm cho lao động nông thôn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển bền vững đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Trong những năm qua các ngành, các cấp của tỉnh Tây Ninh bằng nhiều biện pháp tích cực đã phát huy nguồn lực lao động, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là khu vực nông thôn; đồng thời với sự phát triển nhanh các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang thu hẹp dần diện tích đất canh tác, dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ lao động bị thiếu đất sản xuất, tình trạng thiếu việc làm, nhàn rỗi ở vùng nông thôn đang là vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách. Trước tình hình đó, cùng với các giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm thì nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng và mang tính chiều sâu, đột phá.
Sau 9 năm (2010-2018) triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đã đào tạo cho 24.335 lao động nông thôn (bình quân 2.703 người/năm), tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 78%. Ngành nghề đào tạo tập trung chủ yếu là đào tạo cho lao động ở các vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp; lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành viên hợp tác xã, trang trại tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, sản xuất công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; lao động thuộc các xã chưa đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới và ưu tiên tổ chức đào tạo cho lao động ở các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo nhằm phục vụ an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Kiêm Phượng, Phó
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn dự khai giảng lớp đào tạo nghề nông
nghiệp cho lao động nông thôn tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu
Nhìn chung, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, đơn vị, sự đồng thuận tham gia hưởng ứng của người lao động. Qua quá trình đào tạo đã trang bị cho lao động nông thôn có tay nghề, am hiểu được khoa học kỹ thuật, tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm để góp phần cải thiện đời sống, góp phân nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đào tạo nghề từng bước gắn liền với sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn có trình độ văn hóa thấp tham gia học nghề. Người tham gia học nghề tiếp cận được những kiến thức mới về lĩnh vực được đào tạo, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần ổn định cuộc sống. Các chương trình đào tạo nghề cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của người lao động trong việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng, chuyển đổi nghề nghiệp và cơ cấu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề còn một số mặt hạn chế như: Công tác điều tra khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề của các huyện, thành phố chưa sát nhu cầu học nghề của người lao động và định hướng về cơ cấu đối tượng đào tạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT; một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đào tạo nghề nên chưa tích cực tham gia; việc tiêu thụ sản phẩm làm ra từ đào tạo nghề còn hạn chế gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thị trường, giá trị sản phẩm, quy hoạch sản xuất, biến đổi khí hậu… còn nhiều rủi ro; một số địa phương chưa quan tâm, quản lý học viên sau khi đào tạo nghề, chưa xây dựng mô hình đào tạo gắn liền với việc làm, học viên tự tìm việc làm là chính; cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác dạy nghề nông thôn rất thiếu thốn, nhất là các cơ sở thực nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, hệ thống thiết bị kỹ thuật cao, cơ giới hóa phục vụ sản xuất để người dân học hỏi; chất lượng đào tạo các trường (Trung tâm) đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, nhất là kỹ năng, tay nghề, kỹ thuật vẫn còn khoảng cách xa so với yêu cầu doanh nghiệp, trang trại; chưa tạo được sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong việc đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo do một số huyện còn lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo cho lao động phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới trên địa bàn Tỉnh cần áp dụng một số giải pháp như sau: Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; nâng cao chất lượng của các cơ sở (Trung tâm) đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển, bồi dưỡng giáo viên đào tạo nghề đủ về số lượng và chất lượng, đặc biệt là đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề; hoàn thiện chương trình đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tế của địa phương, đào tạo nghề theo hình thức thực hành tại nơi sản xuất; tăng cường các hình thức hỗ trợ cho lao động nông thôn sau đào tạo nghề; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và sử dụng lao động tại địa phương; xây dựng các mối liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; lồng ghép các mô hình khuyến nông có hiệu quả với đào tạo nghề nông nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp hàng năm./.
Triệu Thị Minh Lý - Chi cục Phát triển nông thôn
Ý kiến bạn đọc