Nghề truyền thống không chỉ đơn thuần sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa bình thường, mà là cả một môi trường văn hóa - kinh tế - xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời, nó bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền từ đời này sang đời khác. Các nghề truyền thống đã tạo ra việc làm ở nông thôn, thu hút lực lượng lao động đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát huy những nét văn hóa đặc sắc.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 10 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh xét và công nhận, cụ thể: 01 Làng nghề truyền thống Mây tre đan tại xã Long Thành Nam huyện Hòa Thành và 10 nghề truyền thống, gồm: 04 nghề tại huyện Hòa Thành: Nghề mộc gia dụng xã Hiệp Tân, nghề làm Nhang xã Long Thành Bắc, nghề Mây tre đan xã Long Thành Nam và nghề đúc gang xã Trường Hòa; 03 nghề tại huyện Trảng Bàng: Nghề bánh tráng thị trấn Trảng Bàng, nghề lò rèn xã Gia Lộc, nghề mây tre đan xã An Hòa; 03 nghề tại thành phố Tây Ninh: Nghề mộc gia dụng Phường IV, nghề Gò nhôm phường Hiệp Ninh, nghề Nón lá phường Ninh Sơn.
Làng nghề truyền thống Mây tre đan (xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành)
Trong các nghề truyền thống, nghề làm bánh tráng phơi sương tập trung ở khu vực thị trấn Trảng Bàng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong các sản phẩm nằm trong danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.
Hiện nay, các nghề nghề truyền thống, làng nghề truyền thống ở các địa phương từng bước phát triển ổn định, đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.575 hộ gia đình và thu hút khoảng 85.755 lao động, thu nhập bình quân hàng tháng người lao động khoảng từ 3.000.000 - 6.000.000 đồng. Bước đầu các nghề truyền thống, cũng đã hình thành đầu mối là các tổ chức kinh tế hợp tác như: 01 Hợp tác xã mây tre đan (đat lát) tại xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành; 01 Hợp tác xã Bánh tráng tại thị trấn Trảng Bàng; 01 tổ hợp tác Đúc gang tại ấp Trường Thọ, Trường Hòa; đối với các nghề truyền thống khác như mộc gia dụng, se nhang, gò nhôm, nón lá…cũng đã hình thành các tổ liên kết sản xuất hỗ trợ nhau phát triển sản xuất kinh doanh.
Nghề rèn truyền thống (xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng)
Bên cạnh đó, việc phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Sản phẩm hàng hóa phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp khác còn hạn chế; đồng thời các sản phẩm nghề truyền thống chưa gắn với du lịch nên hạn chế việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Một số nghề truyền thống đã được hình thành ở các địa phương từ lâu đời như nghề chằm nón lá, sản xuất đũa tre, nghề rèn…sản xuất mang tính nhỏ lẻ, cầm chừng, không ổn định, hiệu quả thấp, có xu hướng bị mai một thất truyền.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với đơn vị tư vấn (Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp) xây dựng Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có lồng ghép nội dung Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn.
Thông qua Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm, UBND các huyện, thành phố cần phối hợp các Sở, ban, ngành xây dựng chương trình, dự án phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của địa phương gắn với du lịch nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời hình thành các khu trưng bày giới thiệu các sản phẩm ngành nghề nông thôn nhằm quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm ngành nghề nông thôn. Phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Hình thành chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực, nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương, nâng cao nguồn lực kinh tế cho khu vực nông thôn.
Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố cần quan tâm phối hợp triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ như: Phát triển nguồn nhân lực, xử lý môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, phát triển làng nghề gắn với du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh, tăng cường công tác thông tin thị trường, tiến bộ khoa học và công nghệ trên các phương tiện truyền thông và thông tin đại chúng để người dân tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, giá cả và các vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa./.
Chi cục Phát triển nông thôn
Ý kiến bạn đọc