Nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh sương mai cho cây Khoai môn

Thứ bảy - 18/11/2023 12:23 1.404 0
Khoai môn là loại thực phẩm rau củ có giá trị dinh dưỡng và năng suất cao, thích hợp canh tác trên chân đất có thành phần cơ giới nhẹ và là một trong những cây nông nghiệp chủ yếu trên địa bàn thị xã Hòa Thành được trồng trong vụ Đông Xuân tại xã Trường Hòa và phường Long Thành Bắc.

Khoai môn là loại thực phẩm rau củ có giá trị dinh dưỡng và năng suất cao, thích hợp canh tác trên chân đất có thành phần cơ giới nhẹ. Hàng năm, trên địa bàn thị xã Hòa Thành, khoai môn được trồng chủ yếu trong vụ Đông Xuân tại xã Trường Hòa và phường Long Thành Bắc với tổng diện tích hơn 70 ha.

          Qua theo dõi tình hình sản xuất, các đối tượng gây hại phổ biến trên cây khoai môn trong vài năm gần đây và để chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2023 – 2024, ngày 09 tháng 11 năm 2023 vừa qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Hòa Thành đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân xã Trường Hòa tổ chức lớp tập huấn phòng trừ sâu bệnh hại trên cây khoai môn cho hơn 20 nông dân tại địa phương. Trong khuôn khổ nội dung lớp tập huấn, bên cạnh việc cảnh báo các đối tượng sâu bệnh gây hại phổ biến có thể xuất hiện trong vụ Đông Xuân, cán bộ kỹ thuật của Trạm đã tập trung nhấn mạnh, hướng dẫn nông dân triệu chứng gây hại và biện pháp quản lý bệnh sương mai (nông dân thường gọi là bệnh đốm lá) – đối tượng gây hại phổ biến, khá quan trọng trên cây Khoai môn.

h1 2
Hình 1: Lớp tập huấn nông dân về phòng trừ sâu bệnh hại trên cây khoai môn
tại xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành
Nguồn: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Hòa Thành

Sau đây là một số thông tin cơ bản về bệnh sương mai trên cây khoai môn:

  Tác nhân gây bệnh là nấm Phytophthora colocasiae Racib gây ra trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nắng xen kẽ và thường gây hại mạnh từ giai đoạn cây được 2,5 tháng tuổi trở lên (giai đoạn bắt đầu tạo củ). Bệnh gây hại trên lá, cuống lá và thân bẹ, bệnh nặng có thể gây thối củ.

  Triệu chứng vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ hình tròn, màu nâu sau đó lan rộng và tiết những giọt dịch trên lá vào sáng sớm. Vết bệnh có thể phát triển đan xen vào nhau làm cho bộ lá trên cây bị rách, tàn lụi. 

  Ở cả hai mặt lá, vết bệnh hình thành một lớp bột trắng mọng gọi là các bào tử vô tính. Sự lan truyền, phân tán các bào tử gây bệnh được diễn ra nhờ nước, sương đêm và gió. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chỉ cần một giọt nước sương đọng trên lá thì các bào tử nấm có thể nảy mầm và xâm nhập tấn công vào cây chủ nhanh chóng. Thời gian từ khi xâm nhiễm đến khi phát bệnh (thời gian ủ bệnh) khoảng 02 - 04 ngày.

          Nhờ khả năng tạo thành các bào tử trứng, nấm Phytophthora colocasiae Racib có thể tồn lưu trong điều kiện đất khô và ẩm, đến khi gặp điều kiện thích hợp thì chúng nảy mầm và gây hại

h2
Hình 2: Ruộng Khoai môn nhiễm bệnh sương mai
Nguồn: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Hòa Thành

Để quản lý tốt bệnh sương mai, bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như sau:

    1. Vệ sinh đồng ruộng: Sau khi thu hoạch, tiến hành cày ải phơi đất nhằm tiêu diệt nấm và mầm bệnh tồn dư trong đất. Rải vôi xử lý đất sau đó khoảng 8-10 ngày kết hợp bón lót thêm phân hữu cơ đã ủ hoai mục với nấm Trichorderma.

Riêng đối với dòng nấm Phytophthora, bà con nên rải vôi xử lý đất, sau đó nếu có điều kiện, thực hiện bơm hoặc lấy nước vào ngập ruộng trong thời gian 15-30 ngày trước khi trồng vụ mới hoặc luân phiên cây trồng khác sẽ cho hiệu quả tiêu diệt mầm nấm bệnh cao hơn. 

          2. Chọn giống: chọn giống khoai môn sạch bệnh, khỏe mạnh, không thối hoặc khô ở đít, lớp vỏ ngoài có nhiều lông và xử lý giống trước khi đem ra ruộng để trồng. Ngâm củ giống trong lu có nước ngập xâm xấp, xử lý thuốc trừ nấm có họat chất như:  Iprodione hoặc Metalaxyl trong vòng 01 – 02 giờ, sau đó rữa sạch, trải củ giống có lót bao bố nơi mát để tránh bị mưa và trùm bao lên củ giống trong khoảng thời gian từ 01 – 03 ngày.

          3. Kỹ thuật canh tác: khi làm đất cần cày xới nhiều lần, mặt ruộng phải bằng và thoát nước tốt vào mùa mưa. Lên liếp cao 25-40cm, trồng với mật độ cây cách cây: 0,6 m, hàng cách hàng: 1-1,2 m. Áp dụng biện pháp bón phân cân đối NPK, tăng cường dùng phân hữu cơ, phân chuồng đã ủ hoai mục.

4. Kỹ thuật chăm sóc: thường xuyên kiểm tra đồng để sớm phát hiện bệnh hại trên khoai môn. Riêng đối với bệnh sương mai, do bệnh phát sinh gây hại mạnh ở giai đoạn từ 2,5 tháng trở đi nên cần chú ý theo dõi. Khi có triệu chứng của bệnh, bà con nên phun thuốc để quản lý bệnh sớm. Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và luân phiên các gốc thuốc hoạt chất: Fosetyl-aluminium, Copper hydroxide, Metalaxyl… và kết hợp thêm dầu khoáng để tăng khả năng bám dính trên lá khoai môn, cho hiệu quả phòng trừ cao hơn.

 

Tác giả: Bao ve thuc vat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây