Chúng đang gây thiệt hại nặng cho nhiều ha mía sắp thu hoạch.
Đến từ Thái Lan?
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Tây Ninh, đến ngày 6/9/2014, trong tổng số 20.984,8 ha mía nguyên liệu vụ 2014 - 2015 của tỉnh này, đã có 1.629,7 ha mía sắp thu hoạch bị nhiễm sâu đục thân (chủ yếu là loài sâu đục thân mía 4 vạch mới) và diện tích này đang có chiều hướng tiếp tục tăng lên rất nhanh.
Trong đó, có 1.070,7 ha nhiễm nhẹ với tỷ lệ hại từ 5 - 10%; 203 ha nhiễm trung bình với tỷ lệ hại từ 11 - 20%; 324 ha nhiễm nặng với tỷ lệ hại từ 21 - 50% và 32 ha nhiễm rất nặng với tỷ lệ hại > 50%. Diện tích mía bị nhiễm sâu tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, tiếp đến là các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, TP Tây Ninh, Bến Cầu và Hòa Thành.
Trong vòng từ 1 - 2 tháng tới, loài sâu hại mới này có nguy cơ lây lan rộng ra khắp các vùng mía ở đất thấp của tỉnh Tây Ninh (trên 80% diện tích mía của Tây Ninh hiện nay là ở đất thấp), hoàn toàn có thể đạt tới con số trên 60% tổng diện tích mía trong tỉnh bị nhiễm sâu và trên 30% diện tích mía bị nhiễm nặng, đủ điều kiện để công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh.
Vấn đề rất nguy hiểm là trong khi loài sâu đục thân mía 4 vạch mà chúng ta từng biết trước đây chủ yếu gây hại đơn lẻ với 1 - 2 sâu non/cây và cây mía bị hại thường chỉ bị tổn thương nhẹ, vẫn có thể cho thu hoạch về sau, thì loài sâu đục thân mía 4 vạch mới này có tập tính gây hại tập thể, tương tự như sâu đục thân mía mình hồng (Sesamia spp.), 1 cây mía bị hại có thể có từ 5 - 7 con đến 50 - 60 con sâu non.
Cây mía bị hại như vậy sẽ bị chết khô rất nhanh, nhưng do sắp bước sang giai đoạn chín nên hầu như không còn khả năng phục hồi cũng như cho thu hoạch về sau.
Theo nhận định của chúng tôi, sâu đang ở giai đoạn thoái trào (đã qua đỉnh cao về mật số), đang bước vào giai đoạn di chuyển, phát tán và lây lan mạnh, vì đa phần sâu non đã bước vào tuổi cuối, một số đã hóa nhộng hoặc nhộng đã vũ hóa trưởng thành bay đi nơi khác đẻ trứng, còn các loài côn trùng ký sinh và bắt mồi ăn thịt sâu cũng thấy bắt đầu xuất hiện nhiều.
Những cây mía bị loài sâu đục thân mía mới này gây hại cũng đều đã bị nấm bệnh thối đỏ xâm nhiễm, nhất là ở các vùng mía đất thấp, nên không chỉ năng suất mà chất lượng mía chắc chắn cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Đây là đợt dịch sâu đục thân mía gây hại nặng nhất cho SX mía đường ở tỉnh Tây Ninh kể từ đợt dịch trong vụ mía 1998 - 1999.
Khi đó, toàn tỉnh này có hàng ngàn ha mía bị các loài sâu đục thân mía khác nhau (chưa có loài 4 vạch mới này) tấn công gây hại, với tỷ lệ cây bị hại biến động từ 30 - 100%, khiến cho hàng trăm hộ gia đình nông dân trồng mía gặp khó khăn.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nêu trên, ngoài các yếu tố khách quan như điều kiện thời tiết, canh tác… thích hợp cho sâu phát sinh.
Theo nhận định chủ quan ban đầu của chúng tôi là do công tác BVTV trên cây mía trong thời gian qua chưa được quan tâm, thực hiện đúng mức; công tác dự tính, dự báo và giám sát dịch hại mía của ngành BVTV và các nhà máy đường chưa được tổ chức hoàn chỉnh và hoạt động không hiệu quả; còn người trồng mía thì có thể đã hơi chủ quan vì nhiều năm nay không bị sâu đục thân gây hại nặng.
Họ không thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm và tiến hành phòng trừ kịp thời như khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Ngoài ra, do công tác kiểm dịch và quản lý giống mía sau khi nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam còn nhiều bất cập, các vùng mía nguyên liệu ở Tây Ninh lại nằm liền kề với các vùng mía của Campuchia, nên có thể loài sâu đục thân mía 4 vạch mới này (vốn đã có từ lâu ở Thái Lan) thông qua Campuchia xâm nhập và lây lan vào Việt Nam (?).
Nhận diện loài sâu mới
Ngay sau khi nhận được thông tin về sự xuất hiện của loài sâu đục thân mía 4 vạch mới này ở Tây Ninh, Viện Nghiên cứu mía đường đã cử các cán bộ có chuyên môn đến thu thập và giám định trực tiếp mẫu vật trên đồng ruộng, đồng thời đã tiến hành lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm tiếp tục nghiên cứu, so sánh với bộ mẫu vật sâu đục thân hại mía chuẩn đang lưu giữ tại viện, dựa trên các tài liệu phân loại côn trùng mía phổ biến của Ấn Độ và Thái Lan.
Đến ngày 5/9/2014, viện đã chính thức định danh được tên khoa học của loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu mới này (chúng tôi tạm đặt tên gọi như vậy để phân biệt với loài sâu đục thân 4 vạch đầu vàng cũ có tên khoa học là Chilo sacchariphaugus Bojer đã có ở Việt Nam từ lâu) là Chilo tumidicostalis Hampson, thuộc họ Ngài sáng (Pyralidae), bộ cánh vảy (Lepidoptera).
Điều đáng chú ý là dù xuất hiện ít phổ biến hơn các loài sâu đục thân mía khác, nhưng một khi nó xuất hiện thường gây hại rất lớn, có khi lên tới 100%. Hằng năm, mật số sâu trên đồng mía thường bắt đầu tăng lên từ tháng 3, sau đó đạt đỉnh cao vào tháng 6, 7, 8, rồi bắt đầu giảm xuống, đạt mức thấp nhất trong tháng 1 - 2 năm sau. |
Do là loài sâu hại mía hoàn toàn mới ở Việt Nam nên hầu như chưa có kết quả nghiên cứu nào trong nước đề cập đến nó.
Tuy nhiên, đây lại là loài sâu đục thân mía khá phổ biến, đã có mặt từ lâu ở các nước trồng mía xung quanh nước ta như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh… nên các kết quả nghiên cứu về nó ở ngoài nước cũng đã có.
Theo các kết quả nghiên cứu này thì sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu có vòng đời trung bình từ 44 - 54 ngày. Trong đó, giai đoạn trứng khoảng 9 ngày, giai đoạn sâu non có từ 5 - 7 tuổi với thời gian từ 25 - 30 ngày, giai đoạn nhộng từ 7 - 10 ngày, còn giai đoạn trưởng thành là từ 3 - 5 ngày.
Trứng thường được đẻ vào ban đêm, thành từng ổ có từ 4 - 5 hàng trứng, có màu trắng trên cả 2 mặt của phiến lá mía, mỗi ổ trứng có từ 27 - 370 quả trứng, có tỷ lệ nở trung bình đạt 96,96% trong điều kiện tự nhiên.
Sâu non có đầu màu nâu vàng đến sẫm (còn loài 4 vạch cũ có đầu màu vàng nhạt), các chấm trên cơ thể to, màu xám mờ (còn loài 4 vạch cũ nhỏ, màu tím đen, lộ rõ), mảnh lưng ngực trước có màu nâu đậm (còn loài 4 vạch cũ có màu trắng, viền nâu đen), sâu non tuổi cuối có kích thước rộng từ 3,25 - 3,92 mm và dài từ 19,12 - 23,22 mm.
Sâu non sau khi nở từ trứng thường theo nhau bò xuống bẹ lá và tập trung đục vào trong lóng mía của chính lá đó để gây hại (khác với loài 4 vạch cũ thường đục ăn nhu mô lá non, để lại triệu chứng lá lốm đốm trắng rất điển hình). Sâu non có tính gây hại tập thể, nhiều con cùng gây hại trên 1 cây (khác với loài 4 vạch cũ thường chỉ gây hại 1 - 2 con/cây), sâu có thể đục ăn xuyên qua 3 - 5 lóng mía và ăn hết phần thịt lóng, chỉ chừa lại phần vỏ thân chỉ trong vòng 2 - 3 tuần, làm cho cây bị chết khô rất nhanh, sau đó bị gãy, đổ và chết rụi.
Sâu non đẫy sức thường hóa nhộng ngay trong lỗ đục ở trong thân cây mía. Nhộng sâu màu nâu đỏ, có kích thước rộng từ 2,87 - 4,89 mm, dài từ 10,98 - 14,93 mm. Ngài trưởng thành có màu nâu đến nâu nhạt, ngài cái lớn hơn ngài đực, sải cánh rộng từ 26,21 - 28,24 mm, thân dài từ 14,53 - 18,24mm, chủ yếu hoạt động vào ban đêm nhưng có xu tính ánh sáng yếu (ít vào đèn).
Điều kiện thích hợp để cho loài sâu đục thân mía 4 vạch mới này bay tới đẻ trứng và phát sinh gây hại là ở giai đoạn mía được 5 - 6 tháng tuổi, độ ẩm không khí trong ruộng mía đang ở mức cao từ 70 - 80%, nhất là rơi vào các tháng mùa mưa ẩm ướt hoặc trên ruộng mía thoát nước kém, ngập úng kéo dài.
Ở Thái Lan, trong một năm, sâu thường phát sinh từ 4 - 5 lứa. Tuy không được coi là loài sâu hại mía chủ yếu ở Thái Lan, song kể từ năm 2000 đến nay, sâu đang có chiều hướng gia tăng mức độ gây hại, nhất là ở các khu vực trồng mía trên đất thấp ở vùng phía Đông Bắc giáp với Lào và Campuchia.
TS CAO ANH ĐƯƠNG
(Viện Nghiên cứu Mía đường)
Ý kiến bạn đọc