Lối thoát nào cho ngành mía đường?

Thứ ba - 28/10/2014 18:05 240 0
Nhiều nhà máy làm ăn thua lỗ, nông dân điêu đứng vì giá mía quá rẻ, trong khi giá đường trong nước không cạnh tranh với đường nhập khẩu...

Ông Nguyễn Văn Lộc Chủ tịch Ủy ban Mía đường Tập đoàn Thành Thành Công, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN cho rằng, ngành mía đường sẽ vô cùng thê lương nếu Nhà nước buông.

Theo ông Lộc, năng suất đường trên thế giới hiện phân chia làm 3 nhóm, VN đang nằm ở nhóm III, thuộc hạng thấp nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong số hàng trăm quốc gia SX mía, hiện 70% vẫn nằm ở nhóm III, 20% còn lại thuộc nhóm II và chỉ khoảng 10% thuộc nhóm I.

Ở ĐNA, Thái Lan là nước đã vươn lên nhóm II. Việt Nam mặc dù vẫn nằm trong nhóm III nhưng đã tiệm cận nhóm II, nếu có những cú hích mạnh thì hi vọng trong 3-5 năm tới có thể tạo được đột phá để vươn lên nhóm II. Dù vậy, nếu chỉ nhờ vào tăng năng suất cũng khó có thể vươn lên nhóm II nếu không có các giải pháp khác.

Ông cho rằng, ngành mía đường không thể trụ được nếu chỉ dựa vào việc tăng năng suất mía?

Đây là thực tế ở tất cả các nước SX đường. Ngành đường không phải cứ tăng năng suất cao là tồn tại được, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều chuyện. Năng suất cao nhưng không có một hệ thống chính sách khác đi kèm, nhất là chính sách bảo hộ nông nghiệp thì cũng chết.

Tiêu biểu cho chuyện này là Cu Ba. Khoảng 20 năm trước, Cu Ba là đi đầu trong ngành đường thế giới, trình độ SX rất cao, thế nhưng càng ngày họ càng suy sụp, đến nay gần như biến mất khỏi bản đồ mía đường.

Điều này không phải do năng suất mía hay công nghệ SX của họ thấp, mà chủ yếu do họ không có một hệ thống chính sách đi kèm để bảo hộ cho ngành đường trước sự lớn mạnh của các cường quốc SX đường mới.

Thị trường đường thế giới là một thị trường cạnh tranh không sòng phẳng, bởi nó đang được bảo hộ cao nhất trong ngành nông nghiệp. Dù đa số các nước SX đường đã gia nhập WTO, nhưng họ vẫn đang giữ cả một bộ chính sách dành riêng cho mía đường, kể cả các nước SX đường thuộc nhóm I. Các nước xung quanh VN, tiêu biểu như Thái Lan cũng vậy, họ có luật riêng, với nhiều chính sách bảo hộ ngành mía đường.

Chúng ta hiện đang ở nhóm III, kém phát triển, nếu nhà nước buông để cho DN tự bơi, tự cạnh tranh với các nước thì không khác gì lấy trứng chọi đá. Sự nỗ lực của DN, của nông dân là điều kiện tiên quyết để ngành đường tồn tại, nhưng không có bàn tay nhà nước thì không thể. Vì vậy trước mắt, nếu không có luật thì cũng phải có một nghị định gì đó dành cho mía đường.

Ông nói tăng năng suất mía đang là vấn đề nan giải nhất, vậy có cách gì giải quyết không?

Tăng năng suất mía là yếu tố quan trọng nhất để hạ giá thành SX đường VN hiện nay. Tuy nhiên, giải bài toán này không thể trong 1-2 năm. Những nước SX đường nhóm I như Úc, Brazil, Mỹ..., tốc độ tăng năng suất mía của họ trước đây cũng chỉ 2%/năm, và họ cần nhiều chục năm mới vươn lên nhóm I.

Trong thời gian đó, họ được hậu thuẫn rất nhiều chính sách hỗ trợ, can thiệp của chính phủ. Mía là cây lưu niên, trước đây nhiều người nghĩ đơn giản rằng cứ lấy giống tốt mang về trồng nơi đất tốt là được, nhưng không phải vậy.

Để có một bộ giống mía mới năng suất cao, phù hợp với từng địa bàn cụ thể phải mất từ 10 đến 12 năm. Trong nông nghiệp, có một số ngành có thể tăng năng suất rất nhanh, nhưng mía đường thì khó mà tăng đột biến.

Một giải pháp có thể giúp tăng năng suất mía rõ rệt có thể làm ngay, đó là trồng mía có tưới. Hiện các DN rốt ráo đi theo hướng này. Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ một phần thiết bị cho các mô hình tưới tiết kiệm.

Tiếc là mức hỗ trợ còn quá yếu, cần hỗ trợ thêm một phần trong việc đầu tư khảo sát hạ tầng, tạo nguồn nước và hệ thống điện tại các vùng mía nguyên liệu, cộng với đầu tư của DN thì có thể giải quyết được. Hơn 95% diện tích mía của ta hiện nhờ nước trời, nếu giải quyết được khâu tưới có thể tạo được cú hích rất mạnh.

Người trồng mía đang rất gay, nếu cứ thế này họ sẽ bỏ trồng mía vì lỗ. Liệu có phương án nào cứu vãn không?

Chi phí mua mía cho 1 kg đường hiện nay chiếm tới 80%. Người trồng mía không có lãi chủ yếu do năng suất mía quá thấp, diện tích/hộ ít, thiếu cơ giới hóa... Do năng suất mía quá thấp nên để đảm bảo dân có lãi, các NM buộc phải mua mía giá cao, dẫn tới giá đường cao. Mà giá đường cao một chút thôi dư luận lại quay sang chỉ trích rằng tại sao giá đường Thái Lan rẻ thế mà đường mình lại đắt.

Có một thực tế lâu nay dư luận chưa hiểu, đó là giá đường giao dịch trên thị trường quốc tế bao giờ cũng thấp hơn tại các nước XK. Ngay cả Thái Lan, mỗi năm họ SX hơn 10 triệu tấn, tiêu thụ trong nước 3 triệu tấn, còn 7 triệu tấn XK theo mặt bằng thế giới với giá rất rẻ. Thế nhưng giá đường trong nước của Thái Lan đừng hòng thấp, có khi còn cao gấp 2 lần so với giá đường họ XK. Lại một vụ “mía đắng” ở ĐBSCL khi giá mía quá rẻ

Thế nhưng ở VN, hễ giá đường tăng một chút thôi thì dư luận la ó rần rần. Tôi nghĩ ở phương diện nào đó, người tiêu dùng trong nước cần chia sẻ với nông dân, bởi tiêu dùng đường không đáng kể gì trong gói chi tiêu hằng năm của mỗi người dân. Đường hiện là mặt hàng đang được nhà nước kiểm soát giá, nên chăng nhà nước nâng được lên mức cao hơn là ấn định giá đường để DN vượt qua giai đoạn khó khăn này thì quá tốt. Thái Lan cũng ấn định giá đường!

Hiệp định ATIGA mà các nước ASEAN ký kết cho phép một số mặt hàng, trong đó có đường nằm trong diện được duy trì thuế NK 5% cho tới giai đoạn sau 2018, vì vậy việc ngăn chặn đường nhập lậu vẫn sẽ có ý nghĩa rất lớn nhằm cứu vãn ngành mía đường trong nước. (Ông Nguyễn Thành Công)

Bên cạnh đó, nhà nước cần nhanh chóng hỗ trợ để DN mía đường có thể sớm SX các mặt hàng từ phụ phẩm ngành đường như điện bã mía, SX xăng sinh học, phân bón... để DN có thêm nguồn thu nhằm quay lại hỗ trợ cho người trồng mía. Nguồn phụ phẩm từ SX mía đường ở các nước hiện đem lại nguồn thu rất lớn, nhưng VN thì vẫn dậm chân tại chỗ do cơ chế nhà nước bỏ bê việc này.

Xin ông nói cụ thể việc SX phụ phẩm đang vướng chỗ nào?

Sau nhiều năm trầy trật, trong số hơn 40 DN mía đường trên cả nước, mới chỉ có 6 DN xây dựng được các NM SX điện từ bã mía với công suất khiêm tốn khoảng 150 MWh. Oái oăm là khi các NM đã có điện rồi thì cơ chế độc quyền của Tập đoàn Điện lực VN lại làm khó DN mía đường, họ không chịu mua điện từ các NM này. Sau nhiều năm kiến nghị, mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị định hỗ trợ cho SX điện sinh khối từ bã mía.

Tuy nhiên, chính sách này chưa biết bao giờ mới thực hiện do đang phải chờ thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, giá điện mà nhà nước cam kết mua cho các NM đường quy ra cũng chỉ có 5,8 cent/kWh (so với Thái Lan là 9 cent/kWh) do quan điểm cho rằng điện bã mía là “điện thừa, điện tận dụng”. Giá mua điện thấp như thế nên chỉ số hoàn vốn quá thấp, khi các NM đường trình dự án với ngân hàng để vay vốn làm NM điện bã mía thì rất khó nên họ cũng không hào hứng gì.

Thiết nghĩ, phát triển điện bã mía không chỉ là giải quyết vấn đề môi trường, mà bã mía sau khi đốt cũng có thể lên men SX phân bón. Theo tính toán, nếu Chính phủ có chiến lược bài bản, thì tổng công suất tận dụng từ điện bã mía có thể bằng ½ so với công suất NM điện nguyên tử mà VN đang xúc tiến xây dựng.

Nguồn phát điện bã mía lại thường nằm vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn nên thất thoát điện rất thấp. Đây sẽ là nguồn tiền để DN mía đường quay lại đầu tư, tăng thu nhập cho nông dân chứ chẳng phải để cho ai cả. Hiện nay các nước SX đường họ đều chú trọng làm việc này, chỉ có VN là bỏ bê.

Vậy SX xăng sinh học từ phụ phẩm mía đường thì sao, thưa ông?

Tiềm năng SX cồn phục vụ SX xăng sinh học từ rỉ mật rất lớn nhưng vẫn đang bỏ phí. Nếu mía nhiều quá, có thể chuyển trực tiếp sang SX cồn. Một số NM đường hiện dư sức làm cồn để SX xăng sinh học. Thế nhưng không NM nào dám SX cồn. Bởi ngay cả các DN thực phẩm SX cồn ra cũng đang ế dài cổ, nhiều DN đã đóng cửa do xăng sinh học không tiêu thụ được.

Ở các nước, xăng sinh học ở giai đoạn đầu, nhà nước thậm chí phải cưỡng chế sử dụng nhằm tạo thói quen cho người tiêu dùng. Tuy nhiên xăng sinh học ở VN sau một giai đoạn đầu ra mắt rầm rộ, lại để phải tự do cạnh tranh với xăng bình thường nên hiện đang đi thụt lùi do không có thị trường tiêu thụ. Bây giờ các NM đường SX cồn ra thì biết bán cho ai?

Xin cảm ơn ông!

LÊ BỀN

    

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây