Hội nghị triển khai Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2020

Thứ sáu - 17/07/2020 22:00 320 0

Ngày 03/7/2020 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp PTNT phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 và sơ kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2020. Chủ trì hội nghị đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, tham dự hội nghị có đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cùng lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng NLS và TS, Cục Trồng trọt, các Sở Nông và PTNT, Chi cục Quản lý Chất lượng NLS và TS, Thanh tra Sở các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo Báo cáo tại Hội nghị trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp PTNT đã tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Tính đến 20/6/2020 cả nước đã có 170 nghìn ha cây trồng được chứng nhận Vietgap; 603 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản là 6.363 ha được cấp chứng nhận Vietgap; 792 trang trại và 2.502 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (Thực hành sản xuất chăn nuôi tốt). Có 58,2 % tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó các xã đều đạt tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm; 1.711 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP".

Về nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển được 1.612 chuỗi, 2.346 sản phẩm và 2.989 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Do tác động của dịch bệnh Covid nên nhiều địa điểm bán phải đóng cửa, chưa bán lại sau giãn cách xã hội. Trong các chuỗi trên có sự tham gia cảu khoảng 100 hợp tác xã, 250 công ty.

Trong 6 tháng qua, ngành cũng đã kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất xử lý 7/1.054 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu An toàn thực phẩm; 87/812 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật; 3/1.074 mẫu thịt lợn, thịt và trứng gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh. Không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol trong 939 mẫu thịt lợn. Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức thẩm định, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, đến nay các địa phương đã thực hiện thẩm định đánh giá phân loại được 1.851 cơ sở xản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Từ đầu năm đến nay toàn Ngành đã kiểm tra 29.200 cơ sở, xử phạt hành chính 1.740 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với số tiền phạt trên 12 tỷ đồng, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ quan thuộc Bộ, doanh nghiệp duy trì phòng chống dịch Covid -19 đồng thời đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, chuẩn bị gia tăng nội tiêu và xuất khẩu khi dịch Covid-19 từng bước được khống chế. Chủ động tổ chức và đôn đốc các địa phương triển khai, kiểm tra theo quy định, tập trung thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về an toàn thực phẩm. Tăng cường thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội nâng cao hiệu quả giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm; Thúc đẩy sản xuất nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn; Tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra, tập trung vào kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; kiểm soát sử dụng phụ gia, điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm tại làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, cơ sở chuyên doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.

Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Để triển khai hiệu quả đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh với mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới, các địa phương phải triển khai ngay nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm quy mô, chất lượng, an toàn; áp dụng công nghệ cao và các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi gắn với hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm dựa trên phân tích nguy cơ đặc biệt tại các khâu đoạn: Sản xuất ban đầu (kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ). Công đoạn chế biến, tiêu thụ, đặc biệt kiểm soát sử dụng phụ gia, điều kiện vệ sinh, đảm bảo ATTP tại làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe một số báo cáo tham luận của Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh và trao đổi các nội dung liên quan công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, tham quan các gian hàng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các tỉnh, thành phố./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây