Những thách thức và cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp trong trạng thái "bình thường mới"

Thứ hai - 19/07/2021 23:00 1.033 0

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến hết sức phức tạp tại một số địa phương, tỉnh, thành lân cận đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh.  Riêng về sản xuất nông nghiệp, 6 tháng đầu năm diễn biến thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sâu bệnh gây hại ở mức nhiễm nhẹ, hầu hết cây trồng sinh trưởng tốt, duy trì năng suất ổn định; Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm thị trường tiêu thụ bị co lại, thị trường trong nước là bệ đỡ chính cũng bị ảnh hưởng, bên cạnh đó giá cả luôn biến động làm cho người sản xuất không yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi diễn tiến còn chậm.

Song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển KTXH nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng đã có nhiều kết quả tích cực, thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội". Cụ thể: tổng giá trị sản phẩm GRDP của tỉnh đạt trên 44.000 tỷ đồng (tăng 7,01% so với 6 tháng đầu năm 2020[1], đứng thứ 22 cả nước và thứ 2 khu vực Đông Nam Bộ), trong đó nông nghiệp theo giá hiện hành đạt 8.800 tỷ đồng chiếm 20% cơ cấu kinh tế tỉnh (tăng 2,64% so với CK) đóng góp 0,61 điểm % tăng trường vào tăng trưởng chung của tỉnh.

 

 

Hình 1. Cơ cấu tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm tỉnh Tây Ninh


II. NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRONG TRẠNG THÁI "BÌNH THƯỜNG MỚI"

1. Thách thức

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới và tốc độ lây lan ngày càng nhanh cùng với tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng lớn tới tình hình sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là tình hình tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Vấn đề an ninh lương thực, cung cấp đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trong và ngoài tỉnh đặc biệt đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội sẽ là thách thức lớn nhất là trong việc liên kết giữa người sản xuất – vận chuyển – tiêu thụ sản phẩm. Nếu không giải quyết tốt bài toán "cung – cầu" trong bối cảnh dịch bệnh sẽ dẫn tới người sản xuất không tiêu thụ được sản phẩm, không có được lợi nhuận, người tiêu dùng không tiếp cận được nông sản, mua sản phẩm với giá cao hơn thực tế và nguồn lợi sẽ tập trung vào thương lái và những người đầu cơ, tích trữ hàng hoá.

Phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng diện tích đất; đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi vốn lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thời tiết khí hậu, dịch bệnh, thị trường… nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng CNC.

 

 Hình 2. Thử nghiệm sử dụng thiết bị bay trong chăm sóc vườn cây ăn quả

Vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh vẫn đang còn chậm, trên địa bàn hiện đã áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất như: áp dụng việc thực hiện truy xuất nguồn gốc qua phần mềm Kipus, cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ cấp vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường như EU, Úc, Hoa kỳ, Trung Quốc….; tuy nhiên số lượng và quy mô vẫn còn ở mức mô hình, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng trong khi chất lượng nông sản xuất khẩu phải đạt điều kiện, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe

2. Cơ hội

Vấn đề thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu trong đó có lương thực, thực phẩm để cung cấp cho các thị trường trong và ngoài nước sẽ là động lực lớn cho việc mở rộng đầu tư, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp bên cạnh đó quan hệ đối ngoại được củng cố và mở rộng với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA sẽ có hiệu lực trong thời gian tới sẽ giúp nâng cao hơn nữa cơ hội về thị trường xuất khẩu nông sản.

Các giải pháp đột phá trong việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp nói riêng sẽ phát huy được hiệu quả và là cơ hội lớn để nông nghiệp Tây Ninh phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch.

Xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp mở ra tiềm năng cơ hội về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

 

Hình 3. Ứng dụng công nghệ nhà màng trong sản xuất dưa lưới

 

III. ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN ĐỐI SỐ VÀ KHAI THÁC TIỀM NĂNG TĂNG TRƯỞNG XANH ĐỂ VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH, BỨT PHÁ PHÁT TRIỂN

Với định hướng tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa phát triển, ổn định sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trong thời gian tới, Ngành tập trung thực hiện một số nội dung chuyển đổi số và khai thác tiềm năng tăng trưởng xanh để vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch, nắm bắt cơ hội để bứt phá phát triển. Cụ thể như sau:

1. Hoàn thành và triển khai thực hiện một số đề án, kế hoạch trọng điểm, thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng[2].

2. Đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng, vật nuôi; tem truy xuất nguồn gốc, giám sát và hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm,…

3. Tăng cường công tác thông tin thị trường, định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch thương mại nông sản điện tử trong nước, hướng tới sàn thương mại điện tử để tăng khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng, giảm khâu trung gian, mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất.

 

 

Hình 4. Mãng cầu Natani được dán tem xuất khẩu

 

4. Tiếp tục thực hiện các giải pháp mang tính đột phát phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhất là các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó chú trọng một số dự án chiến lược như: Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông; dự án phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh (vốn ADB); dự án Nước sạch và Vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh (vốn WB).

5. Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: (1) chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; (2) chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (3) chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,…. để góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất theo định hướng, thu hút nhà đầu tư phát triển nông nghiệp xanh nhất là trong bối cảnh "bình thường mới" từ đó tạo động lực cho ngành nông nghiệp khôi phục và bứt phá phát triển./.

Phòng Kế hoạch, Tài chính


--------------------

[1] Thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong phạm vị cả nước

[2] Đề án vùng nông nghiệp công nghệ cao huyện Tân Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;  Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc Chương trình thủy lợi Dầu tiếng;  Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;  Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây