Một số nội dung cơ bản của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013

Thứ hai - 01/06/2020 18:00 409 0

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26/11/2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014. Luật có 5 Chương với 80 Điều.

Các khái niệm "tiết kiệm", "lãng phí" được giải thích tại khoản 1, 2 Điều 3 của Luật như sau:

"1. Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định. Đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên ở những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định.

2. Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định."

Luật quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 8) cụ thể như sau:

- Thực hiện chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí được giao.

-  Quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước được giao đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; giải trình và chịu trách nhiệm cá nhân về việc để xảy ra lãng phí thuộc phạm vi quản lý, sử dụng.

-  Tham gia hoạt động thanh tra nhân dân, tham gia giám sát, đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức và trong lĩnh vực công tác được phân công; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gây lãng phí theo thẩm quyền.

Khi phát hiện lãng phí, người phát hiện lãng phí có quyền cung cấp thông tin cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi để xảy ra lãng phí, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp, cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán nhà nước để xem xét giải quyết hoặc cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng để đưa tin theo quy định và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của thông tin phát hiện. Trường hợp cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, lợi dụng thông tin gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, uy tín của người khác thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có phát hiện để xảy ra lãng phí có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ thông tin phát hiện lãng phí khi được cung cấp; trường hợp có lãng phí xảy ra phải ngăn chặn, khắc phục kịp thời; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và thông báo công khai kết quả; giải trình trước cơ quan chức năng về việc để xảy ra lãng phí.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền cung cấp thông tin phát hiện lãng phí; đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

Luật THTK, CLP năm 2013 quy định về THTK, CLP trong một số lĩnh vực (Chương 2, từ Điều 11 đến Điều 66) như:

- THTK, CLP trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong lĩnh vực nhà nước; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên có trách nhiệm xây dựng và công khai định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy chế chi tiêu nội bộ áp dụng trong cơ quan, tổ chức.

Các hành vi vi phạm trong ban hành, thực hiện, kiểm tra định mức, tiêu chuẩn chế độ bao gồm: Ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ trái với nguyên tắc quy định tại Điều 12 của Luật này; Thực hiện vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật hoặc không đạt mục tiêu đã định; Không tổ chức kiểm tra thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; không xử lý hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời đối với trường hợp thực hiện không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

- THTK, CLP trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước

Cơ quan, tổ chức quản lý kinh phí ngân sách nhà nước có trách nhiệm xây dựng Chương trình THTK, CLP, xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí để giao cho cơ quan, tổ chức sử dụng thực hiện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Một số hành vi gây lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước như: Lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và giao dự toán không đúng thẩm quyền, trình tự, nội dung và thời gian, không đúng đối tượng, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không đúng mục đích, đối tượng, dự toán được giao; vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ; không xây dựng kế hoạch, biện pháp và tổ chức thực hiện nhằm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức; Quyết toán chi ngân sách nhà nước không đúng thủ tục, sai nội dung, đối tượng, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ; duyệt quyết toán chậm, trì hoãn quyết toán sai quy định của pháp luật...

- THTK, CLP trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước

Việc mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước phải đúng đối tượng, phục vụ thiết thực cho công việc; không vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Một số hành vi gây lãng phí trong mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc như: Phê duyệt mua sắm, trang bị phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc không đúng đối tượng; vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; Bố trí sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc không đúng mục đích; vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; Sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc không vì mục đích công vụ hoặc sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền...

- THTK, CLP trong đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng

Phải tránh các hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng như: Bố trí vốn dàn trải, chậm tiến độ theo kế hoạch; không quyết toán, chậm quyết toán công trình, dự án; Sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật; Sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; Sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành các công trình không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 41 của Luật này...

- THTK, CLP trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên tái chế và các nguồn năng lượng tái tạo, tài nguyên khác

Phải đảm bảo tiết kiệm, tránh các hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên như: Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Gây ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên; không thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường; Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả; chậm đưa vào sử dụng theo quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất; không thực hiện đúng thời hạn trả lại đất theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bỏ hoang, không khai thác hết diện tích được giao...

- THTK, CLP trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước

Không được tuyển dụng công chức vượt quá chỉ tiêu biên chế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; tuyển dụng sai đối tượng, không đúng quy định hoặc thẩm quyền; Bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức không căn cứ vào yêu cầu công việc, trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, ngạch, chức danh theo quy định; Sử dụng thời gian lao động vào việc riêng, sử dụng thời gian lao động không hiệu quả...

- THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp

Việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải trên cơ sở hiệu quả sử dụng, đa dạng hóa nguồn vốn, có cơ cấu vốn hợp lý, tiết kiệm; đúng mục đích, chế độ theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp phải trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng tài sản. Việc quản lý, sử dụng đất phải bảo đảm đúng mục đích ghi trong quyết định giao đất, hợp đồng cho thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài việc thực hiện quy định trên, doanh nghiệp nhà nước còn phải thực hiện các quy định sau đây:

"a) Thực hiện chế độ về quản lý tài chính, quy định về giám sát tài chính theo quy định của pháp luật;

b) Xác định và xây dựng đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn, các quỹ, tài sản trong doanh nghiệp;

c) Kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi gây lãng phí phát sinh tại doanh nghiệp;

d) Thực hiện khuyến khích đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có các phát hiện lãng phí xảy ra trong doanh nghiệp, khen thưởng đối với những người có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí."

- THTK, CLP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân

Nhà nước khuyến khích tổ chức và cá nhân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng để dành vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các hình thức đầu tư khác mà pháp luật không cấm.

Việc tổ chức lễ hội và các hoạt động khác có sử dụng nguồn lực đóng góp của cộng đồng phải bảo đảm tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lành mạnh, tránh lãng phí./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây