Tìm hiểu Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Thứ sáu - 20/03/2020 00:00 261 0

Ngày 26/12/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 2903/KH-UBND về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng là một trong những nội dung cần phải tập trung tuyên truyền trong năm 2020.

Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã được Liên hợp quốc thông qua vào ngày 31/10/2003 với mục đích chống lại tham nhũng.

Vào ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng tại Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN. Bản công ước này có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 18/9/2009.

Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng gồm lời nói đầu, 8 chương và 71 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4): Chương này bao gồm các quy định về mục tiêu và các nguyên tắc cơ bản của Công ước.

Chương II. Các biện pháp phòng ngừa (từ Điều 5 đến Điều 14): Quy định chính sách và phương hướng hành động chống tham nhũng của quốc gia; cơ quan phòng, chống tham nhũng; khu vực công; quy tắc ứng xử cho công chức; báo cáo công khai; khu vực tư; mua sắm tài sản công; quản lý tài chính công; sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; các biện pháp liên quan đến truy tố và xét xử hành vi tham nhũng.

Chương III. Hình sự hoá và thực thi pháp luật (từ Điều 15 đến Điều 42): Quy định thành tội phạm các hành vi tham nhũng và các biện pháp hỗ trợ, tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi đó.

Chương IV. Hợp tác quốc tế (từ Điều 43 đến Điều 50): Bao gồm các quy định hợp tác quốc tế về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án, tương trợ pháp lý, chuyển giao vụ án hình sự, hợp tác thực thi pháp luật, liên kết điều tra và kỹ thuật điều tra đặc biệt đối với hành vi tham nhũng.

Chương V. Thu hồi tài sản (từ Điều 51 đến Điều 59): Quy định việc phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản tham nhũng; các biện pháp và cơ chế hợp tác quốc tế vì mục đích thu hồi, hoàn trả và định đoạt tài sản tham nhũng.

Chương VI. Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin (từ Điều 60 đến Điều 62): Quy định về đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật; thu thập, trao đổi và phân tích thông tin về tham nhũng; các biện pháp khác thi hành Công ước thông qua phát triển kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật.

Chương VII. Các cơ chế thi hành Công ước (từ Điều 63 đến Điều 64): Quy định cơ chế thi hành Công ước.

Chương VIII. Các điều khoản cuối cùng (từ Điều 65 đến Điều 71): Quy định về nghĩa vụ của các quốc gia khi tham gia vào Công ước Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng cũng như cách giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước thông qua thương lượng. Ngoài ra, trong chương này còn bao gồm các điều khoản về việc sửa đổi, bãi bỏ và hiệu lực của công ước.

Nhằm xác định nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, ngày 07/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 445/QĐ-TTg Về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Theo đó, lộ trình thực hiện Công ước được chia thành 3 giai đoạn với mục tiêu, hoạt động cụ thể như sau:

Giai đoạn I (từ ngày 07/4/2010 đến năm 2011)

Mục tiêu là tổ chức triển khai, phân công thực hiện cơ bản toàn diện nội dung Công ước trên diện rộng; bổ sung chi tiết, hướng dẫn hoàn thiện quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với Công ước gắn kế hoạch thực hiện Chiến lược phòng, chống tham nhũng. Các hoạt động cụ thể triển khai như sau:

- Nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng để điều chỉnh hướng dẫn chi tiết, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Công ước và yêu cầu tình hình thực tiễn đặt ra về phòng, chống tham nhũng. Phân công trách nhiệm cho các tổ chức, cơ quan theo dõi, triển khai thực hiện;

- Tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, các quy định về phòng, chống tham nhũng đã ban hành; kiểm tra, sơ kết đánh giá việc thực hiện;

- Nghiên cứu thiết lập đầu mối phối hợp, mở rộng hợp tác quan hệ với các nước tham gia ký kết Công ước để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về tổ chức, biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống tham nhũng.

Giai đoạn II (từ năm 2011 đến năm 2016)

Mục tiêu là đánh giá kết quả bước đầu về từng giải pháp thực hiện Công ước và bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các hoạt động cụ thể triển khai như sau:

Giai đoạn này tiến hành đánh giá việc thực hiện giai đoạn 1 của Kế hoạch gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mới, biện pháp, hình thức tổ chức hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng điều chỉnh cho phù hợp với tình hình yêu cầu thực tế phát triển. Nghiên cứu kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng các nước, có lựa chọn từng bước áp dụng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Giai đoạn III (từ năm 2016 đến năm 2020)

 Mục tiêu là đánh giá toàn diện việc thực hiện nội dung Công ước, bổ sung cơ chế, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các hoạt động cụ thể triển khai như sau:

 Giai đoạn này, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước chống tham nhũng có hiệu quả để bổ sung các giải pháp mới cho phù hợp với yêu cầu tình hình phát triển của Việt Nam./.

Thanh tra Sở


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây