Nông nghiệp hữu cơ và quy trình sản xuất rau hữu cơ

Thứ hai - 02/04/2018 18:00 5.470 0

Hiện nay, An toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Do vậy, việc thực hiện phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ (NNHC) trong những năm gần đây được coi là giải pháp. Vậy NNHC là gì? Quy trình sản xuất rau hữu cơ cần gì?

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ LÀ GÌ?

           Theo tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế(IFOAM): "Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều  kiện cho sự chuyển hóa  khép kín trong  hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất"


Hình 1. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng và nhà vườn (Nguồn: Internet)

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm:

       1. Hóa chất bảo vệ thực vật,

       2. Phân bón hóa học,

       3. Chất kích thích tăng trưởng,

       4. Sản phẩm đột biến gen,

       5. Phân bắc.
Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác. Canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại những lợi ích sau:
- Duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất
- Ít gây ô nhiễm nguồn nước (nước ngầm, sông, hồ),
- Bảo vệ đời sống hoang dã (chim chóc, ếch nhái, côn trùng v.v...),
- Đa dạng sinh học cao, nhiều cảnh đẹp khác nhau,
- Đối xử tốt hơn với động vật nuôi,
- Ít sử dụng năng lượng và đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài,
- Ít dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm,
- Không có hoocmon và chất kháng sinh trong các sản phẩm động vật,
- Chất lượng sản phẩm tốt hơn (hương vị, đặc tính tích lũy).

Với phương thức canh tác làm việc với chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp

QUY TRÌNH SẢN XUẤT RAU HỮU CƠ CẦN GÌ?

Bước 1Lập kế hoạch chuẩn bị trước khi bắt đầu quy trình sản xuất rau hữu cơ

Lập kế hoạch trước khi thực hiện sản xuất sản phẩm nào đó luôn là bước quan trọng nhất. Đối với quy trình sản xuất rau hữu cơ không nên bỏ qua những yếu tố sau:

1. Xác định vùng đất trồng thích hợp cho trang trại rau hữu cơ

  • Khu vực đó nên an toàn về đất và nguồn nước, không bị ảnh hưởng bởi chất thải từ nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện hay bãi rác…
  • Khu vườn đó nên có nhiều ánh sáng mặt trời và gần nguồn nước.
  • Hãy xem xét vấn đề thoát nước của vùng. Đất trồng không nên giữ quá nhiều nước.
  • Nên kiểm tra mẫu đất trước khi bắt đầu làm trang trại rau hữu cơ. Vì các hóa chất nơi khác đã có thể xâm nhập vào vùng đất bạn dự định trồng và có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng khi cung cấp cho rau. Các văn phòng kiểm tra mẫu đất sẽ cho kết quả về tình trạng đất và gợi ý cách xử lý đất cho bạn. 
  • Nếu khu vực cần trồng có nhiều gió thì nên đặt vị trí vườn nơi có hàng rào hoặc tường để tránh ảnh hưởng của gió lớn. Hoặc lên kế hoạch để dàn dựng vùng che chắn hay thậm chí là nhà lưới.
  • Thiết kế vườn sao cho thích hợp nhất khi muốn sử dụng nước tưới, dụng cụ vườn, phân hữu cơ.


Hình 2. Phân tích mẫu đất để xác định tình trạng đất muốn gieo trồng (Nguồn: Internet)

2. Chọn loại cây trồng, chọn mua hạt giống rau hữu cơ

  • Tùy vào loại đất và khí hậu vùng trồng mà chọn loại rau, củ, quả thích hợp như cây chịu úng, chịu hạn, rau chịu lạnh, rau ưa bóng, rau ưa sáng… để phát huy cao nhất khả năng sinh trưởng của chúng.
  • Thực hiện sản xuất rau hữu cơ đồng nghĩa với việc sử dụng hạt giống hữu cơ. Những hạt giống này được thu từ cây trồng đã qua quy trình sản xuất rau hữu cơ có kiểm định. 
  • Không sử dụng hạt giống thường không rõ nguồn gốc và hạt giống biến đổi gen (GMO). Có thể tham khảo các trang web bán hàng hoặc các cửa hàng organic để chọn những gói hạt giống ưng ý.

3. Lập kế hoạch xen canh và luân canh cho các loại rau trồng hữu cơ

  •  Xen canh và luân canh là yếu tố tất yếu giúp trang trại rau hữu cơ hạn chế khả năng dịch sâu bệnh hại tấn công.
  • Nhóm các loại rau thành nhóm rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, cây họ đậu…
  • Luân canh quay vòng giữa các nhóm rau nên cân nhắc mùa vụ và thời tiết trong năm để sắp xếp loại cây trồng phù hợp.


Hình 3. Lập kế hoạch sản xuất để đảm bảo trang trại hữu cơ đạt yêu cầu như mong muốn (Nguồn: Internet)


Bước 2. Thức hiện sản xuất rau hữu cơ

1.    Tạo vùng đệm cách ly vườn rau hữu cơ của bạn với các ruộng sản xuất thông thường bằng tường bao bọc hay trồng cỏ.

2.    Làm đất, làm phân hữu cơ

  • Quyết định kích thước và hình dạng vườn. 
  • Sử dụng máy cày tay để phá vỡ các khối đất.
  • Trộn thêm phân compost (phân hữu cơ đã được phân hủy và tái chế) vào đất trồng.
  • Nếu mong muốn bạn có thể sử dụng thêm đất hữu cơ được bán trên thị trường.
  • Có thể tự làm phân hữu cơ bằng cách ủ phân chuồng hoai mục hoặc ủ phân xanh. Thu mua vỏ cà phê tại các cơ sở vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo hố phân hữu cơ đơn giản.
  • Sử dụng đủ các loại phân để cung cấp đa dạng dinh dưỡng cho cây trồng: 
    • Phân chuồng cung cấp đạm.
    • Phân xanh như phụ phẩm lá rau, cây có tươi cho khoáng
    • Phân chứa vật liệu nâu như rơm rạ, lá khô cung cấp kali

3.    Chuẩn bị nước tưới

  • Nguồn nước tưới nên an toàn và không bị nhiễm bẩn. Vì vậy nên dẫn nước từ giếng đào hoặc vòi về ruộng.

4.    Trồng và chăm sóc

  • Đối với trang trại rau hữu cơ, nên trồng cây trên luống rộng. Mở rộng không gian giữa các hàng vô tình đẩy lùi khả năng tấn công của nấm.
  • Gieo hạt với khoảng cách thưa hơn trồng rau thường để đảm bảo cây trồng phát triển mạnh mẽ và hạn chế lây lan sâu bệnh hại.
  • Luôn luôn nghiên cứu thông tin về loại cây trồng để có kế hoạch làm đất, tưới tiêu và chăm bón phù hợp.

5.    Phòng trừ sâu bệnh hại

  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại.
  • Các phương pháp sinh học, cơ học và vật lý luôn được ưu tiên. Ví dụ như thu hút thiên địch vào ruộng, đặt bẫy đèn, bẫy dính, trồng cây xua đuổi côn trùng như gừng, tỏi, hành, hoa cúc…
  • Cỏ dại là nơi trú ẩn của nhiều loại sâu bệnh. Nên loại bỏ cỏ hoàn toàn và bằng tay vì vậy yêu cầu lao động cho sản xuất hữu cơ khá cao.


Hình 3. Trồng xen canh cây trồng để hạn chế sâu bệnh và cân bằng dinh dưỡng cho đất (Nguồn: Internet)

6.    Thu hoạch và bảo quản

Rau hữu cơ được thu hoạch và làm sạch bởi nước sạch Không để rau hữu cơ lẫn tạp với các loại rau khác

7.    Truy xuất nguồn gốc

Rau được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận hữu cơ, ví dụ như tiêu chuẩn hữu cơ PGS, chứng nhận hữu cơ USDA, chứng nhận hữu cơ EU….mới được bán ra thị trường với mác là rau HỮU CƠ.

Bước 3. Tham gia các khóa học nâng cao nhận thức về sản phẩm hữu cơ và chứng nhận hữu cơ

Nếu muốn sản xuất đúng theo quy trình sản xuất rau hữu cơ, việc bổ sung các kiến thức về quy trình sản xuất, chứng nhận hữu cơ..thật sự cần thiết. Hãy cố gắng tham gia vào các khóa học đào tạo về nông nghiệp hữu cơ trước khi bắt đầu đồng thời cần nên tham khảo các trang trại rau hữu cơ của những nông dân khác để tích góp thêm kinh nghiệm sản xuất rau hữu cơ cho bản thân./.

Nguồn: TS. Bùi Hồng Quân và Happy Trade

Phòng Kế hoạch Tài chính tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây