Trong những năm qua, bệnh Dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế. Giai đoạn 2011 - 2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp hàng năm trên 800 tỷ đồng.
Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; năm 2017 có 11.060 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, 02 người chết do bị chó cắn tại huyện Bến Cầu và Tân Biên; 03 tháng đầu năm 2018 có 1.851 người bị chó cắn phải tiêm phòng bệnh Dại; hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, thuận lợi cho bệnh Dại phát sinh, gây hại cho con người (số liệu theo công văn 1147/UBND-KTN ban hành ngày 15/5/2018).
Trước tình hình trên, nhằm chủ động, tích cực ngăn ngừa bệnh Dại trên người và động vật; thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại; Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021; Công điện khẩn số 2704/CĐ-BNN-TY ngày 10/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Dại năm 2018; UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các nội dung sau:
Phát động tháng cao điểm phòng chống bệnh Dại
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tháng cao điểm phòng, chống bệnh Dại:
Thời gian tập trung thực hiện từ 15/5/2018 đến 15/6/2018.
Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi;
Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện xích, nhốt, rọ mõm cho chó nuôi theo đúng quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó Dại tấn công;
Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp phòng, chống bệnh Dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh Dại để kịp thời xử lý. Vận động, hướng dẫn người bị chó cắn, mèo cào…. đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời;
Tổ chức triển khai thực hiện tháng cao điểm phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn quản lý.
Thông báo địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn;
Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh Dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư; theo hướng tiếp cận một sức khỏe, có sự phối hợp chặt chẽ của ngành thú y và y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Mọi trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống bệnh Dại theo tài liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Y Tế; tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và "cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại"./.
Văn phòng Sở
Ý kiến bạn đọc