Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ

Thứ hai - 10/09/2018 21:00 298 0

Ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Nghị định này quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là cơ sở); tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên lãnh thổ Việt Nam. Một số nội dung chủ yếu của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP như:

Khái niệm "Nông nghiệp hữu cơ" được giải thích là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với Điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái; "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ" được hiểu là hệ thống quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Các nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ gồm: 1. Quản lý các tài nguyên (bao gồm đất, nước, không khí) theo nguyên tắc hệ thống và sinh thái trong tầm nhìn dài hạn; 2. Không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh; 3. Không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ; 4. Đối xử với động vật, thực vật một cách có trách nhiệm và nâng cao sức khỏe tự nhiên của chúng; 5. Sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Sản phẩm hữu cơ được đánh giá phù hợp TCVN theo phương thức đánh giá, giám sát quá trình sản xuất và thử nghiệm mẫu điển hình lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường khi nghi ngờ việc sử dụng vật tư đầu vào ngoài danh mục cho phép tại TCVN về nông nghiệp hữu cơ hoặc sản phẩm nhiễm kim loại nặng, vi sinh vật gây hại vượt quy định, quy chuẩn kỹ thuật.

Nhãn sản phẩm hữu cơ được ghi theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và quy định ghi nhãn thực phẩm, nhãn dược liệu, nhãn mỹ phẩm, nhãn thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các quy định sau đây: a) Việc sử dụng cụm từ "100% hữu cơ", "hữu cơ" hoặc "sản xuất từ thành phần hữu cơ" kèm theo tỷ lệ các thành phần cấu tạo trên nhãn sản phẩm hữu cơ theo quy định tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; b) Sản phẩm hữu cơ sản xuất tại Việt Nam phải ghi rõ mã số giấy chứng nhận, ngày cấp, tên đầy đủ hoặc tên viết tắt, mã số của tổ chức chứng nhận; c) Sản phẩm hữu cơ nhập khẩu có nhãn không đáp ứng đầy đủ quy định tại Nghị định này thì phải có nhãn phụ theo quy định.

Nghị định số 109/2018/NĐ-CP quy định cơ sở phải ghi chép, lưu giữ hồ sơ, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại từng công đoạn sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn tại TCVN về nông nghiệp hữu cơ.

Cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc trong các trường hợp sau: a) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; b) Khi cơ sở phát hiện sản phẩm hữu cơ do mình sản xuất, kinh doanh không phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; ghi nhãn, lô gô không đúng quy định; quá hạn sử dụng hoặc hư hỏng (gọi chung là sản phẩm không đảm bảo chất lượng).

Nghị định số 109/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ các trường hợp sản phẩm hữu cơ phải thu hồi và các hình thức xử lý sản phẩm hữu cơ bị thu hồi; quy định về trách nhiệm của cơ sở khi phát hiện sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ với nội dung, định mức hỗ trợ như sau: a) Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ Điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt; b) Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); c) Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ: định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông; d) Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN: định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.


Nguồn ảnh (Báo Tây Ninh): Anh Nguyễn Ðăng Lộc bên mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Nhà nước khuyến khích nông dân, tổ chức, cá nhân tham gia Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (Participatory Guarantee System - gọi tắt là PGS, là hệ thống dựa vào sự cùng tham gia của nông dân, người bán hàng, người tiêu dùng và những đối tượng khác có cùng quan tâm). Các tổ chức, cá nhân khi tham gia PGS được hưởng các chính sách quy định tại Điểm b và c, Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 109/2018/NĐ-CP.

Nghị định số 109/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018./.

Chi tiết Nghị định số 109/2018/NĐ-CP có file đính kèm.

ND 109-2018.pdf

Thanh tra Sở

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây