Tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ sáu - 17/07/2020 22:00 292 0

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến đời sống con người, do đó, công tác bảo vệ môi trường đang là vấn đề bức thiết, được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Năm 2020, việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường được UBND tỉnh Tây Ninh chọn làm lĩnh vực trọng tâm, liên ngành để theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trong công tác quản lý thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, UBND tỉnh cũng yều cầu các cơ quan, đơn vị tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác quản lý thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được một số kết quả như:

Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, đã ban hành 11 quy trình kỹ thuật sản xuất cây trồng, qua đó hướng dẫn người dân trồng các loại cây trồng phù hợp để ổn định và cải thiện độ phì của đất, hạn chế ô nhiễm và suy thoái đất, lan truyền sinh vật gây hại. Đã ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực Trồng trọt và Bảo vệ thực vật năm 2020 với mục tiêu giúp nông dân có ý thức, thói quen thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sử dụng và vứt bỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trong canh tác, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp an toàn bền vững, bảo vệ môi trường. 

Trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, thường xuyên tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong 6 tháng đầu năm 2020 đã xây dựng được 08 công trình biogas, đệm lót sinh học cho trang, gia trại, hộ chăn nuôi nhằm cải thiện môi trường, cung cấp khí đốt, phân bón đồng thời xử lý mầm bệnh tồn dư, gây bệnh. Các cơ sở chăn nuôi được công nhận VietGAHP, ATDB đều có các biện pháp xử lý môi trường theo đúng quy định. Toàn tỉnh hiện có 56 cơ sở giết mổ (38 cơ sở giết mổ tập trung, 18 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ) đều có biện pháp xử lý môi trường, được kiểm tra, thẩm định hàng năm và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng được đầu tư bảo vệ toàn tỉnh là 58.122ha rừng hiện có, trong đó: rừng tự nhiên 45.421ha, rừng trồng 12.377ha, trảng cỏ 324ha. Toàn bộ diện tích rừng này đều được giao khoán các tổ chức, nhóm hộ, hộ gia đình bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Diện tích khoanh nuôi tái sinh tự nhiên toàn tỉnh là 1.197,8ha (Dầu Tiếng: 950ha, Lò Gò - Xa Mát: 224ha, Núi Bà Đen: 23,8ha). Chi cục Kiểm lâm tỉnh thả nhiều đợt thú các loại về rừng như rắn, khỉ, kỳ đà… làm giàu thêm vốn động vật hoang dã hiện có nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng của địa phương. Công tác tuần tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, săn bắt và mua bán trái phép động vật hoang dã.


Một bể chứa bao bì thuốc BVTV
có đường kính 1m và cao 1m (dung tích bể chứa 0,785m3), có lắp đế, có nắp đậy, bể được chia
làm 02 ngăn để phân loại vỏ chai và bao gói thuốc BVTV,
phần thân bể ở vị trí tiếp giáp nắp đậy có khoảng trống để bỏ vỏ bao bì
vào bể. Ảnh: TTS

Qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, người dân đã dần quan tâm đến việc thiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo đúng quy định, bước đầu đã thực hiện thu gom, tập trung vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các bể chứa đã được trang bị, tuy nhiên, thói quen bỏ lại vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại ruộng, kênh, rạch vẫn chưa thể khắc phục được hoàn toàn; các tổ chức và cá nhân đã chú trọng đến việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, chế biến giết mổ, phòng chống dịch bệnh để bảo vệ môi trường, tuy nhiên vẫn còn một số hộ chăn nuôi không chấp hành quy định tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh như vứt xác động vật bệnh chết ra môi trường tự nhiên, bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; ý thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên so với trước đây, rừng được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn, chất lượng rừng trồng được cải thiện, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp được kéo giảm cả về số vụ và mức độ vi phạm. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, tăng tính đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, do nhu cầu đất đai để sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng lớn, gây áp lực lấn chiếm vào rừng, tình trạng di dân tự do, nhất là dân di cư tự do từ Campuchia trở về, không có đất cất nhà, đất sản xuất, đời sống khó khăn nên một số người dân đã vào rừng cất nhà, chòi, trộm cắp lâm sản, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Để tăng cường công tác thi hành pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường trong Nhân dân. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường cần tuyên truyền gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Thú y năm 2015; Luật Lâm nghiệp năm 2017; Luật Thủy sản năm 2017; Luật Trồng trọt năm 2018; Luật Chăn nuôi năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (liên quan đến bảo vệ môi trường)./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây