Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai

Thứ hai - 07/05/2018 21:00 202 0

Ngày 29/3/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường; tham dự Hội nghị gồm có Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh miền núi phía Bắc; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chánh Văn phòng trường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đại biểu quốc tế: Giám đốc WB, Phó Giám đốc ADB, Giám đốc UNDP,...

Sau khi nghe các báo cáo về công tác phòng, chống thiên tai và những giải pháp nâng cao hiệu quả, năng lực phòng, chống thiên tai, ý kiến phát biểu của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức quốc tế, Bộ trưởng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo công tác ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước, tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã có, trong thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chính:

a) Kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng quy chế làm việc, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công; có kiểm điểm đánh giá việc thực thi nhiệm vụ;

b) Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp gắn với xây dựng giải pháp, nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện khả thi, phù hợp với thực tiễn của các cơ quan, đơn vị liên quan;

c) Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; tổ chức triển khai các Luật Thuỷ lợi, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng thuỷ văn và các văn bản hướng dẫn. Điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai để phù hợp với tình hình mới;

d) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn trước thiên tai; chính sách kiểm soát an toàn thiên tai, khắc phục, tái thiết và tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ sau thiên tai; tăng cường hợp tác quốc tế và áp dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai;

đ) Xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hoá công tác phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung vào khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác phòng chống thiên tai, cung cấp dịch vụ công, bảo hiểm rủi ro thiên tai, nghiên cứu khoa học, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh thành lập và hoạt động Quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó hình thành Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương;

e) Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng để phòng ngừa, tự ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra;

g) Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, tập trung triển khai các chương trình, dự án như xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ chứa, sạt  lở, thí điểm cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, di dân vùng thiên tai, nâng cao năng lực khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão, xây dựng trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia,...;

h) Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Văn phòng thường trực các cấp; đảm bảo kết nối trực tuyến từ cơ quan phòng chống thiên tai Trung ương đến các tỉnh, thành phố để chỉ đạo điều hành hiệu quả;

i) Xây dựng chương trình tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực: Miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền Trung, Tây Nguyên (Nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão) và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu;

k) Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai tới Nhân dân; tăng mật độ hệ thống quan trắc tự động và thực hiện xã hội hoá; tăng cường hệ thống truyền tin về thiên tai tại cơ sở; xây dựng cơ chế đảm bảo sự tham gia của các nhà mạng viễn thông trong truyền tin thiên tai.

 Đối với tỉnh Tây Ninh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh đã hoàn chỉnh dự thảo báo cáo Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, dự kiến thời gian tổ chức trong tháng 5/2018.

                                                                                                                                                              Chi cục Thủy lợi

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây