Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá năm 2023 sản xuất nông nghiệp cả nước vẫn duy trì đà tăng trưởng cao và phát triển toàn diện

Thứ năm - 04/01/2024 09:43 318 0

Chiều ngày 03/01/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Nông nghiệp và PTNT tại 03 điểm cầu gồm: (1) Điểm cầu tại Bộ Nông nghiệp và PTNT; (2) Điểm cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh; (3) Điểm cầu ở các địa phương. Đến dự Hội nghị có đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT; các Bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, được sự ủy quyền của Lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì điểm cầu họp tại phòng họp trực tuyến của UBND tỉnh. Tham dự họp có Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các phòng, cơ quan, đơn vị thuộc Sở

h1diem cau hn truc tuyen tai tn

Hình. Đồng chí Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì điểm cầu Hội nghị trực tuyến tại tỉnh Tây Ninh

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2023 sản xuất nông nghiệp cả nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở những mặt, lĩnh vực như sau:

 (1) Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.

(2) Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%.

(3) Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Năm 2023, nghiệm thu 55 nhiệm vụ KHCN và 59 dự án khuyến nông trung ương; trên cơ sở đó công nhận, ban hành 69 giống mới, 42 tiến bộ kỹ thuật, 19 quy trình công nghệ.

(4) Tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...).

(5) Đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển Ngành.

(6) Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung thực hiện, cả nước đã có 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.

h2sp nn trung bay tai hoi nghi 3

Hình. Sản phẩm nông nghiệp trưng bày tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT

(7) Về đầu tư xây dựng cơ bản: Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao 9.852 tỷ đồng. Bộ đã thực hiện điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao; tổ chức nhiều cuộc họp giao ban trực tuyến, các đoàn kiểm tra để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ bản... Kết quả giải ngân trên 94,6%.

(8) Công tác xây dựng thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, được quyết liệt chỉ đạo; Bộ trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định và ban hành 26 Thông tư.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, quyết liệt hơn trong hoạt động thực tiễn, khát vọng thành công hơn, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã nhìn nhận những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là:

(1) Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng 03 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa được ban hành đúng kế hoạch.

(2) Xuất khẩu NLTS có nhiều điểm sáng, thặng dư thương mại đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng tổng giá trị xuất khẩu NLTS mới chỉ gần đạt chỉ tiêu Chính phủ giao.

(3) Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng CNC để giảm chi phí trung gian, nâng cao GTGT chưa phổ biến. Công tác phối hợp điều tiết sản xuất và giá một vài mặt hàng thiết yếu (lợn, gia cầm,...) chưa thực sự hiệu quả.

(4) Còn điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép. Các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng Việt Nam vẫn chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC; sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra.

(5) Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm 2024. Cụ thể như sau:

Về mục tiêu: Trong năm 2024 phấn đấu đạt : (i) Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5% (ii) Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD; (iii) Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%; (iv) Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; (v) Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02% nâng cao chất lượng rừng.

ttcp va btbnn chu tri hoi ngi sggp

Hình. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị
(Nguồn SGGP)

Về nhiệm vụ, giải pháp để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Hai là, định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

Ba là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, trong đó có hạ tầng thủy sản góp phần sớm gỡ Thẻ vàng đối với khai thác thủy sản.

Năm là, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

Sáu là, đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn./.  

PKHTC Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây