Giới thiệu Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Thứ tư - 27/02/2019 22:00 387 0

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2012).

I. VỀ BỐ CỤC CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2018) gồm 10 Chương, 96 Điều với bố cục như sau:

Chương I. Những quy định chung, gồm 08 Điều (từ Điều 1 đến Điều 8)

Chương II. Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 46 Điều (từ Điều 9 đến Điều 54) được chia thành 6 mục:

- Mục 1. Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 09 điều (từ Điều 9 đến Điều 17).

- Mục 2. Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 02 điều (Điều 18 và Điều 19).

- Mục 3. Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 04 điều (từ Điều 20 đến Điều 23).

- Mục 4. Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 03 điều (từ Điều 24 đến Điều 26).

- Mục 5. Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt, gồm 03 điều (từ Điều 27 đến Điều 29).

- Mục 6. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 25 điều (từ Điều 30 đến Điều 54), được chia thành 04 tiểu mục.

+ Tiểu mục 1. Thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong kiểm soát tài sản, thu nhập, gồm 03 điều (từ Điều 30 đến Điều 32).

+ Tiểu mục 2. Kê khai tài sản, thu nhập, gồm 08 điều (từ Điều 33 đến Điều 40).

+ Tiểu mục 3. Xác minh tài sản, thu nhập, gồm 11 điều (từ Điều 41 đến Điều 51).

+ Tiểu mục 4. Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, gồm 03 điều (từ Điều 52 đến Điều 54).

Chương III. Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 15 điều (từ Điều 55 đến Điều 69) được chia thành 03 mục:

- Mục 1. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 04 điều (từ Điều 55 đến Điều 58).

- Mục 2. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán, gồm 06 điều (từ Điều 59 đến Điều 64).

- Mục 3. Phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng, gồm 05 điều (từ Điều 65 đến Điều 69).

Chương IV. Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, gồm 04 điều (từ Điều 70 đến Điều 73).

Chương V. Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, gồm 04 điều (từ Điều 74 đến Điều 77).

Chương VI. Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, gồm 05 điều (từ Điều 78 đến Điều 82) được chia thành 02 mục:

- Mục 1. Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, gồm 02 điều (Điều 78 và Điều 79).

- Mục 2. Áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, gồm 03 điều (từ Điều 80 đến Điều 82).

Chương VII. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, gồm 06 điều (từ Điều 83 đến Điều 88).

Chương VIII. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, gồm 03 điều (từ Điều 89 đến Điều 91).

Chương IX. Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gồm 04 điều (từ Điều 92 đến Điều 95) được chia thành 02 mục:

- Mục 1. Xử lý tham nhũng, gồm 02 điều (Điều 92 và Điều 93).

- Mục 2. Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gồm 02 điều (Điều 94 và Điều 95).

Chương X. Điều khoản thi hành, gồm 01 điều (Điều 96).

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT NĂM 2018

1. Khái niệm tham nhũng

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Trong đó:

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

2. Các hành vi tham nhũng: Nếu Luật hiện hành chỉ quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước thì Luật năm 2018 đã bổ sung thêm các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước:

"Điều 2. Các hành vi tham nhũng

1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi."

3. Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Luật năm 2018 quy định 06 biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm: (1) Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (2) Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (4) Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (5) Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; (6) Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong đó, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với Luật hiện hành. Luật năm 2018 đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý, theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34) gồm:

- Cán bộ, công chức.

- Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.

- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Luật năm 2018 cũng quy định rõ về tài sản, thu nhập phải kê khai; phương thức và thời điểm kê khai; công tác tổ chức việc kê khai, tiếp nhận, quản lý, bàn giao, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; theo dõi biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Việc xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây (Điều 41):

- Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;

- Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;

- Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;

- Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;

- Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật năm 2018.

Luật năm 2018 cũng quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập; trình tự xác minh tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực:

"Điều 51. Xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực

1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

2. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

3. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

4. Quyết định kỷ luật được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc."

Luật năm 2018 cũng dành một tiểu mục quy định "cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập". Đây là một công cụ quan trọng phục vụ cho công tác xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Để tránh trường hợp dữ liệu bị lợi dụng, Luật năm 2018 đã quy định trách nhiệm quản lý, việc bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

4. Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Kế thừa quy định của Luật hiện hành, Luật năm 2018 tiếp tục quy định về công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; có bổ sung quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tại Điều 57; bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Điều 61; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 62; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 64.

5. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị

Luật năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có hành vi vi phạm (Điều 71); quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do cơ quan mình quản lý, phụ trách (Điều 72 và Điều 73).

6. Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

So với Luật hiện hành, đây là chương mới, nội dung mới của Luật năm 2018, thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

Luật năm 2018 khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình. Đồng thời quy định trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong việc xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Bên cạnh đó, Luật năm 2018 quy định việc áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân hoạt động từ thiện, cụ thể:

"Điều 80. Áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

1. Các quy định sau đây được áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện:

a) Nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch quy định tại Điều 9, các điểm a, c và d khoản 1 Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Luật này;

b) Kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại Điều 23 của Luật này;

c) Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quy định tại Điều 72, các điểm a, b và d khoản 3 Điều 73 của Luật này.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."

Và Khoản 1, Điều 81 Luật năm 2018 quy định: "Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện khi có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm quy định tại Điều 80 của Luật này."

7. Xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Đây là chương có nhiều nội dung mới được bổ sung, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đối với xử lý tham nhũng, so với Luật hiện hành, Luật năm 2018 đã quy định rõ các nguyên tắc xử lý người có hành vi tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng:

"Điều 92. Xử lý người có hành vi tham nhũng

1. Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

2. Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.

4. Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 93. Xử lý tài sản tham nhũng

1. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.

2. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật."

Đối với xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Luật năm 2018 quy định chế tài khác nhau giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước:

- Đối với khu vực nhà nước: Hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng được quy định tại Khoản 1, Điều 94 và người vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Riêng hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm thì bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật năm 2018. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét áp dụng tăng hình thức kỷ luật; người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó.

- Đối với khu vực ngoài nhà nước: Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện vi phạm quy định tại Điều 80 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý như sau: (1) Doanh nghiệp, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; (2) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức đó. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các biện pháp xử lý đối với người giữ chức danh, chức vụ quản lý thì bị cơ quan có thẩm quyền thanh tra công bố công khai về tên, địa chỉ và hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Thanh tra Sở

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây