Một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi

Thứ tư - 07/04/2021 23:00 313 0

Ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2021 và thay thế Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ).

Nghị định số 38/2021/NĐ-CP dành 07 điều để quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm các quy định về quảng cáo vật tư nông nghiệp, cụ thể như sau:

Vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (Điều 49): "phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định". Theo Luật Quảng cáo năm 2012 thì sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường. Và những loại vật tư nông nghiệp thuộc sản phẩm, hàng hóa đặc biệt gồm: thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật; thuốc thú y, vật tư thú y; phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt; thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi. Nếu tổ chức, cá nhân quảng cáo những loại vật tư nông nghiệp này mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo thì sẽ bị xử phạt.

Đối với từng loại vật tư nông nghiệp cụ thể, các hành vi vi phạm về quảng cáo được quy định như sau:

* Vi phạm các quy định về quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật (Điều 57):

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật không phù hợp với Giấy phép kiểm dịch thực vật.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam; quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật thiếu một trong các nội dung: tên sản phẩm, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, tính năng, tác dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng, bảo quản.

- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam

* Vi phạm quy định về quảng cáo thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y (Điều 58):

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc thú y không đúng nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc thú y khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lưu hành.

* Vi phạm quy định về quảng cáo phân bón (Điều 59):

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo phân bón không đúng với nội dung ghi trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo phân bón mà thiếu một trong các nội dung sau: tên phân bón; xuất xứ, nguyên liệu trong chế biến; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.0000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo phân bón chưa có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

* Vi phạm quy định về quảng cáo thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi, chất cải tạo môi trường thủy sản (Điều 60): phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi, chất cải tạo môi trường thủy sản.

* Vi phạm các quy định về quảng cáo giống cây trồng (Điều 61):

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: quảng cáo giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính khi chưa tự công bố lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa có Quyết định công nhận lưu hành hoặc chưa có Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng; quảng cáo giống cây trồng nhập khẩu với mục đích triển lãm, hội chợ không đúng theo nội dung giấy phép nhập khẩu giống cây trồng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp; quảng cáo giống cây trồng không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh giống (số lượng, chất lượng, giá bán), nội dung ghi trên nhãn, nhãn hiệu.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: quảng cáo giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính không có Quyết định công nhận lưu hành hoặc không có Quyết định công nhận lưu hành đặc cách hoặc không có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam hoặc Quyết định công nhận giống cây trồng mới; quảng cáo giống cây trồng không có một trong các nội dung: tên giống cây trồng, xuất xứ giống cây trồng, tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa giống ra thị trường; nội dung quảng cáo giống cây trồng không đúng với nội dung trong Quyết định công nhận lưu hành, Quyết định công nhận lưu hành đặc cách, bản công bố các thông tin về giống cây trồng tự công bố lưu hành.

* Vi phạm các quy định về quảng cáo giống vật nuôi, giống thủy sản (Điều 62): phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo giống vật nuôi, giống thủy sản không có một trong các nội dung: tên giống vật nuôi, giống thủy sản; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa giống vật nuôi, giống thủy sản ra thị trường.

Ngoài bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo; buộc cải chính thông tin.

Thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các hành vi vi phạm nêu trên được quy định tại khoản 2 Điều 65 và khoản 10 Điều 71 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Mức phạt tiền quy định tại các Điều 49, từ Điều 57 đến Điều 62 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đính kèm Nghị định số 38/2021/NĐ-CP: 38_2021_ND.pdf

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây