Quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại

Thứ tư - 07/04/2021 23:00 372 0

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại. Một trong những nội dung nổi bật của Nghị định này là quy định xử lý vi phạm pháp luật về khiếu nại.

Xử lý vi phạm pháp luật về khiếu nại đã được quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011 như sau: "Người giải quyết khiếu nại có một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật" (Điều 67). Do Luật chỉ quy định chung chung nên thời gian qua rất khó để xác định chế tài đối với người giải quyết khiếu nại mà có hành vi phạm pháp luật về khiếu nại.

Để thi hành quy định trên, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP đã dành một chương (Chương VI) để quy định biện pháp thi hành quy định về xử lý hành vi vi phạm của Luật Khiếu nại. Cụ thể:

* Về nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm (Điều 39): người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định tại các điều 40, 41 và 42 của Nghị định số 124/2020/NĐ-CP. Hình thức xử lý kỷ luật bao gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

* Xử lý kỷ luật đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại (Điều 40):

- Khiển trách khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

+ Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

+ Bao che cho người bị khiếu nại.

+ Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

- Cảnh cáo khi có một trong những hành vi cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại.

- Giáng chức hoặc cách chức khi có hành vi cố ý báo cáo sai lệch kết quả xác minh nội dung khiếu nại dẫn đến quyết định giải quyết khiếu nại sai gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người. Trường hợp người được giao nhiệm vụ xác minh không có chức vụ thì áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương.

* Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (Điều 41):

- Khiển trách khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

+ Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

+ Bao che cho người bị khiếu nại.

+ Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

- Cảnh cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

+ Cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với vụ việc khiếu nại đủ điều kiện thụ lý thuộc thẩm quyền.

+ Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc.

+ Cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

- Giáng chức hoặc cách chức khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

+ Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.

+ Cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.

* Xử lý kỷ luật đối với người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật (Điều 42):

- Khiển trách khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

+ Bao che, dung túng, không xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm mà không thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

+ Tổ chức thực hiện không đúng, không đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

- Cảnh cáo khi có hành vi cố ý không tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Đính kèm Nghị định số 124/2020/NĐ-CP: 124_2020-ND.pdf

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây