Ngày 01/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Nghị định đã bổ sung nhiều quy định mới về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với các hành vi đó cho phù hợp với quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018.
Một số hành vi vi phạm hành chính mới liên quan đến công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT như: hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT; hành vi thay đổi thông tin trên nhãn sản phẩm đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT mà không thực hiện công bố thay đổi thông tin theo quy định; hành vi cố ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ hoặc khai báo không đúng sự thật trong hồ sơ tự công bố thông tin mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Nghị định cũng đã bổ sung quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi, như: vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi nông hộ (hành vi gian dối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi; hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi); vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ (hành vi không lưu giữ, cập nhật đầy đủ hồ sơ về quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; hành vi không bảo đảm khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định; hành vi vi phạm quy định về kê khai chăn nuôi; hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định); vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn (hành vi không lưu giữ, cập nhật đầy đủ hồ sơ... để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; hành vi thay đổi thông tin về tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đã được cấp nhưng không làm thủ tục để đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; hành vi không bảo đảm khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định; hành vi trốn tránh, cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu việc thực hiện đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi; hành vi tẩy, xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi).
Đặc biệt, Nghị định đã bổ sung quy định xử phạt đối với vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến; vi phạm quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi - là những vấn đề đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Cụ thể:
"Điều 27. Vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định;
b) Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc thực hiện biện pháp giảm tiếng ồn theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc thả chim yến về môi trường tự nhiên đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
...
Điều 29. Vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ;
b) Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ;
c) Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.
..."
Theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018, quản lý môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi là quy định mới, lần đầu được quy định nhằm tách biệt hoạt động quản lý môi trường, chất thải trong phạm vi không gian của khu vực chăn nuôi so với các hoạt động quản lý môi trường nói chung nhằm tạo điều kiện cho việc xử lý, sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hoặc tưới cho cây trồng, thức ăn cho thủy sản. Do đó, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP cũng đã bổ sung quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với các hành vi liên quan (từ Điều 30 đến Điều 34) cho phù hợp với quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018.
Nghị định số 14/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2021 và bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, bãi bỏ điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Đính kèm Nghị định số 14/2021/NĐ-CP: 14-2021-ND.pdf
Ý kiến bạn đọc