Để thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao tại Quyết định: số 01/QĐ-UBND ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2024, số 02/QĐ-UBND ban hành Chương trình công tác năm 2024 và các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-SNN ngày 19/01/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch năm 2024 của ngành Nông nghiệp và PTNT; đồng thời đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 theo từng lĩnh vực phụ trách nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2024.
Trong quý 1, ngành đạt được một số kết quả đáng chú ý như:
- Công tác gieo trồng vụ Đông Xuân 2023 – 2024 được tập trung với diện tích 105.920 ha cây trồng ngắn ngày, bằng 91,8% so với kế hoạch (KH), giảm 3,7% so với cùng kỳ (CK), thu hoạch đạt 8,1% so diện tích gieo trồng.
- Đàn heo, gia cầm tăng mạnh; ước số lượng gia súc, gia cầm đạt 95,5% so với KH, tăng 9,4% so với CK.
- Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát. Cây trồng mắc một số bệnh ở mức nhẹ, không ảnh hưởng lớn đến năng suất. Vật nuôi không phát sinh bệnh nguy hiểm.
- Sản xuất theo hướng an toàn, truy xuất nguồn gốc luôn được quan tâm, lũy kế đến nay:
+ Có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; 67 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB, 01 huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà, 06 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà và 09 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh Lở mồm long móng trên bò.
+ Có 50 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu với tổng diện tích là 1.189,27 ha. Trong đó có 19 mã số đã được nước nhập khẩu phê duyệt để xuất khẩu gồm: Trung Quốc (14), Hoa kỳ (01), EU (02), New Zealand (02) trên các loại trái cây như chuối, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, chanh và 31 mã số đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt; 05 cơ sở được cấp mã số xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc, trong đó có 04 mã số được nước nhập khẩu phê duyệt, 01 mã số đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt.
- Đầu tư nhà yến tiếp tục tăng, đã tổ chức thẩm định 12 dự án xin xây dựng 20 nhà yến, trong đó có: 03 nhà yến được trả lời phù hợp, 17 nhà yến đang lấy ý kiến các huyện về vị trí đề nghị xây dựng nhà yến.
- Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì với diện tích thả nuôi mới 32,43 ha, đạt 5,73% so với KH và bằng 66,2% so với CK, nuôi tập trung chủ yếu tại các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.
- Diện tích rừng được bảo vệ, khoanh nuôi đúng quy định. Cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện là Cấp V “Cấp cực kỳ nguy hiểm”, tiến hành kiểm tra được 15 lượt trên địa bàn rừng Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Khu rừng Phòng hộ Dầu Tiếng, Khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen và ở 2 huyện Châu Thành, Bến Cầu, kết quả các đơn vị chủ rừng đã chủ động thực hiện các nội dung công tác PCCCR.
- Nước tưới vụ Đông Xuân 2023-2024 được cung cấp đầy đủ, đã ký hợp đồng 47.640 ha/45.763 hộ, đạt 99,2% so với KH và tăng 42% so với CK.
- Nước sạch nông thôn được đảm bảo, có 79 công trình cấp nước với công suất thực tế 13.415/23.597 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 25.402/29.969 hộ dân (tăng 4.437 hộ so với CK). Doanh thu tiền nước quý I năm 2024 gần 6,8 tỷ đồng, tăng 46,9% so với CK.
- Hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường thông qua 06 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh hưởng ứng “Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 và Đêm thơ Nguyên tiêu Giáp Thìn năm 2024.
- Công tác thanh tra được triển khai quyết liệt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm 12 trường hợp với tổng số tiền 138.525.000 đồng, đồng thời tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 01 trường hợp (01 cá nhân) với số tiền 45 triệu đồng.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, hoạt động của ngành còn một số khó khăn như:
- Thời tiết đang cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài và khắc nghiệt, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện là Cấp V “Cấp cực kỳ nguy hiểm”.
- Vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp vẫn xảy ra, có 27 vụ vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp trên địa bàn 02 huyện Tân Châu, Tân Biên và thành phố Tây Ninh (giảm 08 vụ so với CK); điều tra, xác minh xử lý 33 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (có 18 vụ tồn của năm 2023 chuyển sang), kết quả đã tịch thu: 8,858 m3 gỗ các loại, 01 cá thể chồn bạc má; 01 máy cày, 01 rơ móc..… ; tổng số tiền xử phạt và thu nộp ngân sách trên 41 triệu đồng.
- Kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp, chỉ đạt 5,2% KH, trong đó dự án trọng điểm Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2 mới giải ngân đạt 1,2%.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản không ổn định, giá cả thay đổi liên tục, chủ yếu tiêu thụ vào thị trường Trung Quốc.
Trong quý II năm 2024, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024, Sở tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:
(1) Đôn đốc các đơn vị bám sát Quyết định số 22/QĐ-SNN ngày 19/01/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đó chú trọng những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình công tác của UBND tỉnh.
Trình cấp thẩm quyền ban hành: (1) chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP; (2) các nội dung về nông thôn mới; (3) điều chỉnh mật độ chăn nuôi; (4) điều chỉnh Quyết định số 94/QĐ-UBND phê duyệt Đề án vùng sản xuất NNUDCNC tỉnh Tây Ninh; (5) phê duyệt Đề án vùng sản xuất NNUDCNC huyện Tân Châu.
(2) Theo dõi chặt chẽ tình hình sinh trưởng, phát triển và thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2023-2024, xuống giống vụ Hè Thu 2024, hướng dẫn nông dân các quy trình kỹ thuật canh tác sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) gắn với kiểm soát sâu bệnh trên cây trồng, nhất là đối với các mô hình mới chuyển đổi.
(3) Quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi chặt chẽ, không để phát sinh dịch bệnh nguy hiểm; hướng dẫn thực hiện chăn nuôi theo hướng VietGAHP. Theo dõi tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt.
(4) Tăng cường tuyên truyền, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2024; đôn đốc các đơn vị chủ rừng khẩn trương thực hiện việc rà soát quỹ đất chuẩn bị công tác trồng rừng theo kế hoạch
(5) Tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đảm bảo nước tưới tiêu vụ Hè Thu 2024.
(6) Đôn đốc tiến độ, triển khai thực hiện 37 dự án theo KH vốn XDCB được giao, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh: Dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2; dự án sửa chữa hồ Tha La, huyện Tân Châu; dự án trạm bơm Tân Long, huyện Châu Thành.
(7) Tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã được các cấp thẩm quyền ban hành đảm bảo các chính sách sớm phát huy được hiệu quả./.
Tác giả: Thông tin can biet -khtc
Ý kiến bạn đọc