Nông dân thu hoạch ớt ở Gò Dầu (ảnh minh hoạ)
Ðó là một trong những mục tiêu của kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2018, vừa được UBND tỉnh ban hành.
Mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) từ khâu sản xuất đến tiêu dùng; bảo đảm chất lượng ATTP tại địa phương; chủ động trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân và quyền lợi của người tiêu dùng; nâng cao kiến thức thực hành ATTP và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; cải thiện tình trạng ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ phát triển các vùng trồng rau, chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản an toàn; xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình chuỗi nông - lâm - thuỷ sản an toàn.
Kế hoạch cũng đã đề ra những chỉ tiêu cụ thể trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh như: 76% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và người quản lý được cập nhật kiến thức về ATTP; 80% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống được kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Tỉnh cũng sẽ phát triển thêm vùng rau an toàn với quy mô 90 ha đạt chứng nhận VietGAP tại các vùng sản xuất chuyên canh, luỹ kế cuối năm 2018, diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 160 ha.
Trong thời gian tới, 100% các chợ đầu mối cung cấp mặt hàng nông sản, thuỷ sản được quy hoạch và kiểm soát về ATTP; 50% cơ sở sản xuất rau nhỏ lẻ và cơ sở chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết bảo đảm ATTP theo quy định.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, sẽ có ít nhất 35% hộ được công nhận sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Nguồn: Hoàng Thi - Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc