Hạt gạo làng ta - niềm tự hào về con đường lúa gạo đất nước

Thứ sáu - 01/09/2023 11:12 1.178 0

Nghi thức “Lễ Tịch điền” khi các bậc vua chúa cùng ra đồng cày ruộng, được lưu truyền đến ngày nay, là biểu hiện văn hóa sinh động của một đất nước trọng nông. Đi vào tục ngữ, ca dao, hòa cùng nếp sống, nếp nghĩ đời thường, cây lúa đơm bông, trĩu hạt, suốt theo chiều dài lịch sử đất nước.

Nghìn năm thăng trầm song hành với những ruộng lúa, hạt gạo. Với ước mơ gần gũi, bình dị của người nông dân Việt bao đời: “Cầu cho cây mạ làng ta tốt như dâu. Lúa tốt bằng đầu. Bông cái bằng bông lau. Bông con bằng bông sậy”. Dù khá giả hay còn gian khó, bữa ăn chính hàng ngày đều có bát cơm. Bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, đều có thể là bữa cơm. Ngày cúng giỗ trên bàn thờ cũng có bát cơm chén nước nên bà con mình còn gọi là ngày cúng cơm. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ dân tộc, hình ảnh cây lúa, hạt gạo và bà con nông dân lúc nào cũng phong phú, đa dạng: “Thấy nếp thì lại thèm xôi. Ngồi bên thúng gạo nhớ nồi cơm thơm. Hai tay xới xới đơm đơm. Công ai cày cấy sớm hôm đó mà”.

 

Những dấu mốc trải dài theo năm tháng. Kho lúa bị đốt cháy, rồi nạn đói những năm 1945 vẫn khắc khoải trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt. Ký ức về nạn đói giáp hạt “tháng ba ngày tám” vẫn đeo bám những người lớn tuổi. Hạt gạo chứa trong những “ruột tượng” quấn quanh mình các chiến sĩ trên đường hành quân ra trận tiến tới ngày ca khúc khải hoàn. Rào cản “ngăn sông cấm chợ” có lúc khiến bữa cơm hàng ngày của người trồng lúa lại phải độn rau độn sắn. Đất nước của những đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay, những ruộng bậc thang đẹp như bức tranh thủy mặc có thời đôn đáo mà vẫn thiếu cái ăn cho chắc dạ.

Và điều kỳ diệu đã diễn ra, Việt Nam trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo, sau thành tựu bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Mọi việc bắt đầu từ những đột phá trong nông nghiệp, được trao quyền nhiều hơn, người nông dân được nhận khoán đất nông nghiệp, từ khoán 10 đến khoán 100 như cách gọi thời ấy. Hạt lúa từ đồng ruộng trở thành hạt gạo tiến ra thị trường, sông không còn bị ngăn, chợ không còn cấm, dòng chảy lúa gạo đi khắp nơi nơi. Những nhà nông học vào cuộc, tạo ra nhiều giống lai, năng suất cao hơn, lúa ngắn ngày hơn, thích ứng từng điều kiện vùng miền. Vòng đời cây lúa thay đổi vòng đời người trồng lúa. Niềm vui nối tiếp niềm vui. Từ “ăn no mặc ấm” đến “ăn ngon mặc đẹp”, bài hát “ngợi ca cây lúa” vang lên như tiếp thêm niềm vui, động lực và lòng tự hào cho người trồng lúa.

Nhưng “người tính không bằng trời tính”, hạt gạo có lúc rơi vào khó khăn, trút gánh nặng lên vai người nông dân. Bao nhiêu cảm thán, làm nông đã nghèo, mà trồng lúa lại càng nghèo. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai, dịch bệnh thất thường hơn. Biến động thị trường làm cho xuất khẩu đôi khi không như mong muốn. Biến chuyển xu thế tiêu dùng làm cho hạt gạo chịu nhiều quy chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu phát thải. Năng suất có tăng, nhưng dinh dưỡng đất suy thoái dần. Cây lúa không bám đất sinh trưởng, thì phải tác động bằng phân thuốc. Do sử dụng không đúng cách, lại trở thành lạm dụng. Hệ lụy là chi phí tăng, thu nhập bị bào mòn ngay từ đầu vào, trong khi giá cả đầu ra lúc nào cũng phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường.

Những con số thống kê cho thấy sản lượng cao không còn đồng nghĩa với thu nhập của người trồng lúa được tăng cao. Vậy là bắt đầu hành trình thay đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Sự thay đổi đã bắt đầu trên từng cánh đồng ruộng, từ người nông dân cho đến doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia khoa học. Như vừa đi vừa tìm đường, dò đá qua sông, “vạn sự khởi đầu nan”, có cái thay đổi đo đếm được, nhưng chưa đủ sức thuyết phục người nông dân. Cần phải “mắt thấy, tai nghe” để có cơ sở so sánh, đối chiếu với cách nghĩ, cách làm quen thuộc, vốn theo quán tính và kinh nghiệm bao đời.

Vậy là một cuộc cách mạng mới lại bắt đầu. Ngành hàng lúa gạo Việt Nam hướng tới mục tiêu “chất lượng, tuần hoàn, phát thải thấp”. Những khái niệm không mới, nhưng là cả hành trình tiếp cận xu thế thời đại, tiến tới tạo dựng thương hiệu lúa gạo trên trường quốc tế. Từ hạt lúa trên đồng, hạt gạo đến tay người tiêu dùng là một cấu trúc theo chuỗi ngành hàng. Cấu trúc đó bền vững hay không cần đến hệ sinh thái ngành hàng. Trong hệ sinh thái đó con người là quyết định: nông dân, thương nhân, doanh nghiệp, nhà quản lý sản xuất và thị trường, nhà khoa học, chuyên gia, ngân hàng… Hợp tác, liên kết như một mệnh lệnh có tính quyết định nếu muốn hạt gạo đi xa. Vì hạt gạo con người xích lại gần nhau, nhưng cũng vì miếng ăn người ta có thể phát sinh xung đột với nhau.

Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao, tuần hoàn, phát thải thấp” ở Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp với “Đề án hình thành hệ thống logistics nông nghiệp” và “Đề án cơ giới hóa nông nghiệp” sẽ định vị lại hình ảnh lúa gạo Việt Nam và dần lan tỏa ra các vùng miền khác. Chuỗi ngành hàng lúa gạo bắt đầu từ giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, bảo quản, xay xát, chế biến, bao bì đóng gói, tới bữa cơm của người tiêu dùng. Chuỗi ngành hàng cần đến khoa học công nghệ và tri thức hóa người trồng lúa, gắn với kinh tế tập thể, tập trung đất đai. Chuỗi ngành hàng bắt đầu hành trình tiếp cận những từ khóa mới “ít hơn để được nhiều hơn”, nếu thoáng nghe qua, chừng như một nghịch lý.

Hạt lúa Đồng bằng sông Hồng - cái nôi của văn minh lúa nước, hạt “lúa ma, lúa trời” phương Nam nuôi sống những người khai mở vùng đất mới. Giờ đây, dân số đất nước đang tiến đến một trăm triệu và sẽ còn hơn nữa trong tương lai. Trong bối cảnh nào, bữa cơm hàng ngày, của mỗi người, của từng gia đình phải luôn đủ đầy, như Bác Hồ hằng mong muốn: “Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc”. Trong bối cảnh nào, cũng không thể để người trồng lúa bị thiệt thòi, vì thu nhập thấp sẽ dẫn đến bỏ ruộng, rời quê. Bác Hồ đã nhắc nhở: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Thế giới đã tiến vào kỷ nguyên của khoa học công nghệ, ngành hàng lúa gạo phải tận dụng, hấp thu thành quả của trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, số hóa đồng ruộng, số hóa ngành hàng. Nông nghiệp tuần hoàn, đơn giản là không còn gì gọi là phế phẩm bỏ đi. Rơm rạ có thể trở thành giá thể, điện năng, vật liệu xây dựng… Kinh tế nông thôn phát triển tạo thêm sinh kế cho người trồng lúa, phúc lợi mang đến cho bà con không chỉ từ hạt lúa, mà cả những điều thân cây lúa mang lại. Giống lúa, hạt gạo Việt Nam được vinh danh ngon nhất thế giới, trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các của một quốc gia nổi tiếng về gạo chất lượng cao.

Và những giai từ thân thuộc: “Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa. Và người trồng lúa cho quê hương” lại vang lên đầy rung động, tự hào./.

Nguồn: nongnnghiep.vn

Tác giả: Admin_Sonn

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây