Hội thảo quy trình canh tác và chứng nhận hữu cơ trên cây lúa và rau ăn lá

Thứ sáu - 28/06/2024 18:28 226 0

              Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông cũng như cung cấp thêm kiến thức cho người canh tác trên địa bàn tỉnh về nông nghiệp hữu cơ nói chung cũng như là rau ăn lá, lúa nói riêng. Trong 02 ngày 26-27/6/2024, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên Hiệp phụ nữ và Hội Người cao tuổi tỉnh đã tổ chức 03 lớp Hội thảo về quy trình canh tác và chứng nhận hữu cơ trên cây lúa và rau ăn lá. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hữu cơ của Tây Ninh trong tương lai.

 

Thực hiện Kế hoạch số 1934/KH-UBND ngày 19/8/2020 Triển khai thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2025, Tây Ninh sẽ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng như: Lúa, rau màu, cây ăn quả, bò, lợn, dê, gà. Trong đó, vùng sản xuất lúa hữu cơ có diện tích khoảng 35 - 50 ha; vùng sản xuất rau màu hữu cơ có diện tích khoảng 15 - 28 ha. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn như quy trình canh tác, quy trình chứng nhận hữu cơ

              Để người sản xuất hiểu rõ hơn về sản xuất hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Hội Nông dân, Liên hiệp Hội Phụ nữ và Hội Người cao tuổi tổ chức 03 lớp hội thảo về quy trình canh tác và chứng nhận hữu cơ trên cây lúa và rau ăn lá tại 3 huyện Châu Thành, Tân Biên và Tân Châu. Mục tiêu thông qua Hội thảo sẽ giúp các hội viên hiểu rõ hơn về sản xuất rau, lúa hữu cơ. Tham dự Hội thảo có ông Lâm Hồng Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông; Thạc sĩ Đào Minh Cảnh – Chuyên gia tư vấn đánh giá chứng nhận hữu cơ Công ty TNHH Công nghệ NHONHO; đại diện của các Hội cùng với 198 cán bộ Khuyến nông và hội viên của các Hội trên địa bàn.

              Tại Hội thảo, Ông Lâm Hồng Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chia sẻ, hiện nay tình hình canh tác rau ăn lá, lúa ở Tây Ninh đã và đang dần thay đổi, cải thiện khi người canh tác đã biết áp dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất, từ đó tối ưu năng suất và giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, tập quán canh tác truyền thống vẫn còn, dẫn đến việc người sản xuất đa phần quan tâm đến sản lượng và năng suất mà ít chú trọng đến chất lượng cao hay sức khoẻ của người tiêu dùng. Tuy vẫn có nhiều cá nhân, đơn vị đã chú trọng đến điều này và đang từng bước chuyển đổi sang các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong quy trình canh tác hay quy trình chứng nhận đối với sản phẩm hữu cơ. Qua đó nói lên tính cần thiết của Hội thảo trong việc phát triển sản xuất hữu cơ trong tương lai của tỉnh nói chung và sản xuất rau ăn lá, lúa hữu cơ nói riêng.

Ông Lâm Hồng Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông phát biểu tại Hội thảo

             Tại Hội thảo, Thạc sĩ Đào Minh Cảnh – Chuyên gia tư vấn đánh giá chứng nhận hữu cơ Công ty TNHH Công nghệ NHONHO đã trao đổi với các hội viên thông tin về các yêu cầu chung đối với sản xuất chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; quy trình canh tác trồng trọt hữu cơ trên cây lúa và rau ăn lá. Ngoài ra, Ông còn trao đổi thêm về những thuận lợi, khó khăn và đưa ra một số giải pháp phù hợp trong việc phát triển trong sản xuất rau, lúa hữu cơ đối với Tây Ninh trong tương lai.

Báo cáo viên, Thạc sĩ Đào Minh Cảnh đang chia sẻ với các hội viên

Các buổi Hội thảo diễn ra sôi nổi, bên cạnh những chia sẻ của Thạc sĩ Đào Minh Cảnh thì nhiều hội viên, cán bộ Khuyến nông cũng đã đưa ra một số câu hỏi liên quan đến quá trình canh tác hữu cơ. Trong đó có câu hỏi của ông Nguyễn Tấn Lợi – hội viên Hội Nông dân huyện Châu Thành. Theo ông Lợi chia sẻ, khi canh tác hữu cơ sẽ không được sử dụng các loại phân và thuốc hoá học. Việc này làm ông lo lắng rằng có thể làm giảm năng suất cây trồng, từ đó giảm đi lợi ích kinh tế của người nông dân. Giải đáp cho điều này, Thạc sĩ Đào Minh Cảnh chia sẻ, khi mới bắt đầu canh tác hữu cơ thì năng suất thường sẽ giảm đi một chút. Tuy nhiên khi cây trồng đã thích nghi được với điều kiện chăm sóc; nguồn đất, nước được cải tạo và cải thiện thì cây trồng vẫn có thể phát triển và cho năng suất tốt mà không cần dùng các sản phẩm hoá học. Ngoài ra, khi canh tác hữu cơ thì các sản phẩm sẽ dễ tiêu thụ hơn và sẽ có giá thu mua cao hơn. Nhất là khi các mô hình sản xuất này liên kết được với các chuỗi tiêu thụ nông sản sạch hay nông sản hữu cơ. Từ đó không những góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng mà còn giúp tối ưu hiệu quả kinh tế cho người nông dân

Cán bộ Khuyến nông đang khảo sát đánh giá mô hình lúa theo hướng hữu cơ tại huyện Trảng Bàng

Vườn rau cải tại huyện Châu Thành

Thông qua 03 Hội thảo về quy trình canh tác và chứng nhận hữu cơ trên cây lúa, rau ăn lá đã giúp hội viên, nông dân canh tác rau ăn lá và cây lúa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có thêm thông tin hữu ích trong sản xuất hữu cơ và giải đáp được những khó khăn thường gặp trong canh tác và quy trình chứng nhận hữu cơ. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hữu cơ của Tây Ninh nói chung và trên cây rau ăn lá, lúa nói riêng. Phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh trong thời gian tới.

 

Tác giả: Khuyen nong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây