Tầm quan trọng công tác giống bò trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sữa thịt

Thứ tư - 19/04/2017 21:00 770 0

Chuyện Nhà Nông

Tầm quan trọng công tác giống bò trong việc

nâng cao năng suất, chất lượng sữa thịt

         

Tham dự chương trình:

  • Ông Nguyễn Thành Thúc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y
  • Ông Võ Văn Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y
  • Ông Vương Ngọc Long – Tư vấn kỹ thuật Công ty TNHH Xuất nhập khẩu TM và Dịch vụ Đại Dương.

    CÂU HỎI (MC hỏi anh Vinh): Thực trạng chất lượng giống bò thịt, bò sữa của tỉnh và định hướng để cải tiến chất lượng của tỉnh? 
    TRẢ LỜI: (Vinh)
              - Tây Ninh hiện có khoảng 90.000 con bò. Chủ yếu nuôi dưới hình thức nhỏ lẻ, phân tán (chiếm 96,8%), phương thức chăn nuôi phổ biến là bán chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, một số phụ phẩm cây trồng như rơm lúa, thân đậu phộng, thân bắp …  được sử dụng ở dạng tươi, tuy nhiên diện tích đồng cỏ tự nhiên đang ngày càng bị thu hẹp nên thường thiếu cỏ vào mùa khô, người dân chưa tận dụng được hết phụ phẩm nông nghiệp, giá thành sản phẩm còn cao.
    - Nông dân Tây Ninh có truyền thống nuôi bò từ lâu, đàn bò nền của tỉnh có tầm vóc vượt trội so với trong vùng là do người Pháp đã Zê Bu hóa để cung cấp sức kéo cho đồn điền. Những năm qua, Nhà nước cũng đã có chương trình "Sind hoá" nên chất lượng bò nền của tỉnh đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thể sử dụng để nuôi lấy thịt hay khai thác sữa do: Trước hết là nếu nuôi lấy thịt thì đàn bò của chúng ta tầm vóc nhỏ, bò thịt tăng trọng kém, chất lượng thịt không cao, tỷ lệ thịt xẻ thấp: đối với bò vàng địa phương, khối lượng bò trưởng thành: 270 Kg/con, tỷ lệ thịt xẻ khoảng 40%; So với các giống bò chuyên thịt như bò Angus, khối lượng bò trưởng thành: 675 Kg/con, tỷ lệ thịt xẻ khoảng 65%, bò Brahman: khối lượng bò trưởng thành: 625 Kg/con, tỷ lệ thịt xẽ khoảng 52%. Năng suất sữa của bò lai Sind chỉ khoảng 1.200-1.500kg/chu kỳ. Trong khi đó bò Holstein năng suất sữa 5.000 kg/chu kỳ (ở Lâm Đồng) 
    - Để đáp ứng phát triển chăn nuôi bò của tỉnh trong tương lai thì cần phải đẩy mạnh công tác lai tạo giống bò chuyên thịt hoặc chuyên sữa. Phương pháp được ưu tiên sử dụng là gieo tinh nhân tạo các tinh bò giống chuyên thịt và bò chuyên sữa. Kết quả lai tạo ra con lai cho thấy năng suất, chất lượng sữa thịt đã được cải thiện rõ rệt, theo kết quả nghiên cứu bò lai F1 lúc 24 tháng tuổi: con lai F1 Brahman đạt 260kg, tỷ lệ thịt xẻ 49%, tỷ lệ thịt tinh 38%; Droughmaster 330kg, tỷ lệ thịt xẻ 53%, tỷ lệ thịt tinh 42%; lai Angus 370kg, tỷ lệ thịt xẻ 56%, tỷ lệ thịt tinh 44%. Đối với bò sữa lai F1 Holstein năng suất có thể đạt 2500-3000 lít/chu kỳ. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi đã được Nhà nước giao thành lập và quản lý mạng lưới gieo tinh nhân tạo cho bò. Mạng lưới này sẵn sàng đáp ứng một số tinh giống thông dụng. Những tinh bò giống cao sản khác cần phải đăng ký trước để Chi cục CNTY đặt hàng nhà cung cấp, vì tinh giống phải nhập khẩu.

              - Một giải pháp tiếp theo là khuyến khích mở rộng trang trại nuôi bò thịt quy mô lớn. Trang trại muốn phát triển thì cần có con giống, do đó giữa nông dân và trang trại giống cần liên kết nhau cùng chia sẻ lợi nhuận để con bò giống thịt khi lai tạo ra phát huy được hiệu quả kinh tế xã hội.

    CÂU HỎI (MC hỏi anh Vinh): Chất lượng con giống và công tác giống có vài trò như thế nào đối với chăn nuôi bò thịt và bò sữa?

    TRẢ LỜI (anh Vinh)

              - Về chất lượng giống ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thịt như đã trình bày ở trên. Ở đây tôi xin nói thêm một số khó khăn trong quá trình lai tạo giống của tỉnh, đó là người chăn nuôi sợ giống mới. Năm 2016 vừa qua, chúng tôi đưa ra 3 loại tinh là giống bò Sind, bò Brahman, bò Angus thì nông dân chỉ thích bò Sind giống bò Brahman thì cũng mức độ vừa phải, giống bò Angus thì phải thuyết phục thì nông dân mới chịu. Do vậy, việc nâng cao nâng suất chất lượng thịt nếu không được nông dân hưởng ứng thì năng suất chất lượng không được cải thiện. Qua tìm hiểu, thì người chăn nuôi không mạnh dạn sử dụng tinh bò chuyên thịt vì sợ sau này không bán được bò. 

              - Công tác giống là một lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu, ở đây xin nói mục tiêu của công tác giống là để tạo ra được con giống phù hợp với điều kiện khí hậu, chăm sóc nuôi dưỡng và chất lượng thịt đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đối với người chăn nuôi, để thuận lợi trong việc thực hiện công tác giống trước hết phải lưu giữ số hiệu của cọng tinh đã được gieo đậu thai và bò cái bê con cần được đeo số tai để theo dõi. Như vậy, để phù hợp với điều kiện hiện tại và tránh đồng huyết thì trước mắt bà con cần theo dõi được nguồn gốc của con bê, tức là phải biết đời cha, mẹ, đời ông bà muốn vậy phải lưu giữ số hiệu bò đực, đeo số tai cho bò cái và bê con ra đời.

              CÂU HỎI (MC hỏi anh Thúc)

              Xin cho biết những giống bò mới như Thạc sĩ Long và anh Vinh đề cập thì sức đề kháng so với bò ta ra sao? Xin ông cho biết biện pháp phòng ngừa?

              TRẢ LỜI (anh Thúc)

      So với bò ta, các giống bò mới nhập nội có sức đề kháng với bệnh kém hơn do chúng phải thích nghi với môi trường sống mới. Điều kiện khí hậu của Việt Nam nóng và độ ẩm cao, nhiều ve, muỗi, dễ phát sinh dịch bệnh. Để phòng ngừa, người chăn nuôi cần phải nâng cao sức đề kháng cho bò bằng các biện pháp:

    + Cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cân đối tuỳ theo giống, lứa tuổi, mục đích khai thác và trạng thái cơ thể của bò.

    + Tạo môi trường sống ổn định, phù hợp tránh gây stress làm giảm sức đề kháng của bò.

    + Chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ việc tiêm phòng các loại bệnh truyền nhiễm như bệnh LMLM, sảy thai truyền nhiễm, ký sinh trùng, bệnh tụ huyết trùng...

    Tuy nhiên, đối với bò thịt đã được lai tạo từ các giống bò ngoại nhập cao sản (F1,F2…) thì đã thích nghi hoàn toàn với điều kiện khí hậu và chăm sóc, nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh.

    CÂU HỎI (MC hỏi anh Thúc)

              Một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò sữa, thịt giống mới và cách phòng tránh? 

    TRẢ LỜI (anh Thúc)

              Một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò thịt giống mới có thể là:

    1. Bệnh Tụ huyết trùng

    - Đây là căn bệnh thường xảy ra trong giai đoạn xuân hè, nguyên nhân chính do vi khuẩn gây ra, lây lan theo đường tiêu hóa là chính, ngoài ra còn qua hô hấp (chủ yếu là hô hấp trên), đặc biệt khi niêm mạc bị tổn thương. Bệnh lan truyền trực tiếp từ con mang mầm bệnh sang con khỏe, hoặc gián tiếp qua đường thức ăn, nước uống, chuồng trại vệ sinh kém. Thời gian ủ bệnh từ 12 đến 48 giờ, trâu bò thường có dấu hiệu mệt mỏi, sốt cao, thở dốc, chảy dịch mũi, nước dãi, vùng hầu sưng to…
    -  Tiêm phòng là biện pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát bệnh. Hàng năm cần tiêm phòng định kỳ cho các đàn gia súc để gia súc có miễn dịch chủ động chống lại mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể gia súc gây bệnh.
     - Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như vệ sinh ăn uống, chăm sóc, sử dụng hợp lý, thường xuyên tiêu độc chuồng trại, không để gia súc ở lầy lội, ẩm ướt… Chăm sóc, quản lý tốt đàn bò, cho ăn uống đầy đủ, tăng sức đề kháng.
    2. Bệnh Lở mồm long móng
    - Là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra ở các loài động vật móng guốc chẵn, lây lan mạnh do tiếp xúc giữa động vật mẫn cảm và động vật mắc bệnh khi nhốt chung hoặc chăn thả chung trên đồng cỏ. Hoặc lây gián tiếp qua thức ăn, nước uống, máng ăn, máng uống, nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi, tay chân, quần áo người chăn nuôi bị nhiễm vi rút. Bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác, lây từ nước này sang nước khác qua biên giới theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống có mang mầm bệnh (kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa).
    - Động vật mắc bệnh có triệu chứng sốt cao trên 400C, kém ăn hoặc bỏ ăn, chảy nhiều nước bọt, chân đau, mụn nước xuất hiện ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng và đầu vú.
    - Thực hiện tiêm phòng hai lần trong một năm, lần thứ nhất cách lần thứ hai 6 tháng, lần thứ nhất nên tiêm vào tháng 3 - 4 trong năm, lần thứ hai nên tiêm vào tháng 9 - 10  trong năm. Hàng tháng nên tiêm phòng bổ sung đối với những con mới phát sinh, chưa tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ.
       CÂU HỎI MC hỏi anh Vinh:
               Thưa ông Võ Văn Vinh, bệnh lở mồm long móng từng gây thiệt hại  rất lớn tới đàn bò ở Tây Ninh trong những năm trước đây, xin ông giới thiệu một số biện pháp phòng ngừa bệnh này để bà con vững tin chăn nuôi bò với số lượng lớn.
    TRẢ LỜI: (Vinh)
    Bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây lan rất nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là CCCNTY) đều xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh LMLM. Trong những năm gần đây, bệnh LMLM chỉ xảy ra lẻ tẻ ở một số địa phương nhưng được khống chế kịp thời không phát triển thành dịch.
    Để phòng bệnh hiệu quả, tôi xin giới thiệu một số biện pháp chủ yếu như sau:
    1. Lựa chọn con giống: con giống đưa vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng LMLM; trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly 21 ngày. Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Người vào tham quan, nhân viên thú y,... trước khi ra, vào khu vực chăn nuôi phải được vệ sinh, khử trùng và trang bị bảo hộ.
    2. Thực hiện tiêm phòng vắc xin 02 lần/năm (bắt buộc theo quy định), lần thứ nhất cách lần thứ hai 6 tháng, lần thứ nhất nên tiêm vào tháng 3 - 4 trong năm, lần thứ hai nên tiêm vào tháng 9 - 10  trong năm.
    3. Thực hiện "5 không": không dấu dịch; không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc, không vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc bừa bãi ra môi trường.
    4. Cách ly triệt để gia súc bệnh, không cho chăn thả tập trung; thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, bãi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, diệt loài gậm nhấm,... thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực có gia súc bị bệnh, chết. Có thể dùng một trong các hoá chất sau để tiêu độc, khử trùng: Formol  2%, NaOH 2%, Crezin 5%, nước vôi 20%, vôi bột và một số hoá chất khác được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cơ quan thú y./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây