Kỹ năng chọn giống lúa và sản xuất hạt giống

Thứ tư - 02/01/2013 22:05 461 0

 Nguyễn Thị Tường - Trạm KN Trảng Bàng

 Xã Gia Bình – Trảng Bàng là xã có phong trào sản xuất lúa giống phát triển. Với Câu lạc bộ lúa giống Gia Bình ra đời mỗi năm cung cấp 100 tấn lúa giống cho bà con nông dân trong xã và các xã lân cận của các huyện trong và ngoài tỉnh như xã Thanh Phước – Gò Dầu, xã An Hòa – Trảng Bàng và xã Lộc Giang – Long An. Tuy nhiên hoạt động của câu lạc bộ lúa giống Gia Bình vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giống mà bà con nông dân trồng lúa cần.

Năm 2012 Dự án Fares trường Đại Học Cần Thơ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống, Trạm Khuyến nông huyện Trảng Bàng và UBND xã Gia Bình mở 1 lớp học trên ruộng nông dân (FFS) về kỹ năng chọn giống lúa và sản xuất hạt giống. Mục tiêu của lớp học nhằm làm gia tăng và mở rộng tính đa dạng tài nguyên di truyền cây trồng; Phát triển và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên di truyền dựa trên sự cần thiết cuả nông dân điạ phương; Tăng cường năng lực cộng đồng trong tổ chức và quản lý đa dạng giống cây trồng; Tạo mối đoàn kết các nhóm nông dân trong cộng đồng; Cải thiện kỹ năng và phương pháp của nông dân về chọn giống và sản xuất lúa giống; Tác động chính sách địa phương hướng đến xã hội hoá công tác giống.

Tham gia lớp học có 20 học viên thuộc 4 ấp trong xã: ấp Chánh (8 hộ), ấp Phước Hiệp (6 hộ), ấp Bình Nguyên I và Bình Nguyên II (6 hộ).

Với 15 tuần học mỗi tuần học 1 chuyên đề, các học viên sẽ được giảng viên truyền tải những kiến thức như:

- Kiểm tra sức sống hạt giống;

- Kỹ thuật làm mạ và ngâm ủ hạt giống;

- Biến đổi khí hậu – đa dạng sinh học và tài nguyên nông hộ;

- Phân tích cây lúa giai đoạn mạ và quản lý sâu bệnh;

- Phân tích cây lúa giai đoạn đẻ nhánh và quản lý sâu bệnh;

- Bón phân và kỹ thuật bón phân cho lúa;

- Vai trò của giới trong sản xuất nông nghiệp;

- Phân tích cây lúa giai đoạn làm đòng và quản lý sâu bệnh;

- Thoái hóa giống và phục tráng;

- Cơ sở để tăng năng suất lúa;

- Phân tích cây lúa giai đoạn trổ và quản lý sâu bệnh;

- Di truyền giống;

- Phương pháp và kỹ thuật lai lúa;

- Phương pháp chọn dòng phân ly và cách ghi gia phả;

- Phân tích cây lúa giai đoạn chín và quản lý sâu bệnh;

-  Xử lý sau thu hoạch.

Tuy nhiên khác hơn so với các lớp học trước đây học viên chỉ nghe 1 chiều và lý thuyết suông. Thì ở lớp học FFS là phương pháp khuyến nông theo nhóm, là quá trình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để nông dân tự xác định phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện gia đình và thổ nhưỡng của địa phương. Nguyên tắc của FFS là lấy người học làm trung tâm, tức là nâng cao kiến thức dựa trên kinh nghiệm có sẵn của bà con, giảng viên đưa ra những kiến thức mới để học viên tự khám phá ý tưởng và kiến thức.

Vì vậy, tại lớp học trên ruộng nông dân (FFS) về kỹ năng chọn giống lúa và sản xuất hạt giống ở xã Gia Bình – Trảng Bàng – Tây Ninh, giảng viên chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ và các chuyên đề đều được hoạt động theo nhóm. Trong quá trình học tránh trường hợp bà con chỉ biết ngồi nghe 1 chiều, giảng viên trình bày lý thuyết tạo điều kiện để mỗi nhóm tự thảo luận với các chuyên đề đưa ra và đánh giá cao ý kiến phát biểu của học viên, biến lớp học thành nơi trao đổi kinh nghiệm và thảo luận chuyên sâu. Vừa học lý thuyết các nhóm vừa được thực hành ngay trên ruộng thực hành với 11 giống lúa mới do trường Đại Học Cần Thơ cung cấp: MTL560, MTL372, MTL616, MTL698, MTL480, HĐ20, LH5, XH5, HMT1, TC7, TC17, giống lúa trung mùa ST5 và 1 giống đối chứng OM4218. Học viên trong lớp học chia sẻ: “trong quá trình học chúng tôi tự học là chính, tự trao đổi và thảo luận trong nhóm, giảng viên chỉ khơi gợi để chúng tôi đưa ra ý kiến sau đó bổ sung thêm và tóm tắt lại. Làm như vậy chúng tôi cũng dễ nhớ và nhớ lâu”.

Với mỗi chuyên đề giảng viên luôn lồng ghép lý thuyết song song với thực hành. Yêu cầu mỗi nhóm theo dõi các ruộng thực hành, so sánh các ruộng thực hành, hệ sinh thái, đo đếm để lấy các chỉ tiêu như: Chiều cao cây, số chồi/m2, số bông/m2, số hạt/bông, chiều dài bông, số hạt chắc/bông, trọng lượng 1000 hạt, sâu bệnh hại phổ biến. Với phương pháp học như vậy các học viên mắt thấy tai nghe, thảo luận và thực hiện các hoạt động như trong quá trình sản xuất đã giúp cho các học viên dễ tiếp nhận thông tin,  giải quyết những vướng mắc mà bản thân mình gặp phải và có thể áp dụng tốt trong sản xuất.

Lớp học trên đồng ruộng (FFS) về kỹ năng chọn giống lúa và sản xuất hạt giống mở ra tại xã Gia Bình, nhằm giúp người nông dân trồng lúa nói chung và câu lạc bộ lúa giống Gia Bình nói riêng có được kiến thức thiết thực trong công tác chọn giống, thử nghiệm và sản xuất lúa giống. Qua lớp tập huấn đã giúp cho câu lạc bộ lúa giống Gia Bình củng cố và ngày càng phát triển hơn, cung cấp giống lúa chất lượng cao cho bà con nông dân địa phương.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây